Thụy Sĩ: chưa bao giờ có nhiều người rời bỏ Giáo hội như bây giờ

405

Thụy Sĩ: chưa bao giờ có nhiều người rời bỏ Giáo hội như bây giờ

Ngày càng có nhiều giáo dân Thụy Sĩ rời bỏ các Giáo hội truyền thống (Pixabay.com)

cath.ch, Raphael Zbinden, 2020-11-19

Theo thống kê của Viện Xã hội học Mục vụ Thụy Sĩ (SPI, Viện có trụ sở ở Saint-Gall), năm 2019 là năm chứng kiến sự việc giáo dân Thụy Sĩ rời bỏ Giáo hội công giáo nhiều nhất. Thực tế đáng lo ngại: những người lớn tuổi hơn trước đang quay lưng với Giáo hội.

Trong một báo cáo được công bố ngày 19 tháng 11, Viện Xã hội học Mục vụ Thụy Sĩ cho biết năm 2019 có 31.772 người rời bỏ Giáo hội công giáo, nhiều hơn một phần tư so với năm 2018. Xu hướng ngày càng tăng, năm 2018 cũng đã có nhiều người từ bỏ Giáo hội hơn năm 2017 (19.893).

Theo ông Urs Winter-Pfändler, giám đốc các dự án ở Viện SPI, các vụ rời bỏ khổng lồ này có thể giải thích qua một số yếu tố. Ông ghi nhận có “sự quy tụ các vấn đề về hình ảnh” của Giáo hội. Chắc chắn các vụ bê bối lạm dụng tình dục liên tiếp xảy ra đã đóng một vai trò nào đó. Các chỉ trích phân biệt đối xử phụ nữ trong Giáo hội cũng gia tăng trong những năm gần đây. Vấn đề được truyền thông nói đến về sự ra đi của các phụ nữ Công giáo nổi tiếng và cuộc đình công của phụ nữ, cũng được tổ chức trong nội bộ Giáo hội năm 2019.

Ví dụ của các người trẻ

Nhà xã hội học Winter-Pfändler cho biết, việc rời bỏ Giáo hội ngày càng được xã hội chấp nhận. Và điều này xảy ra ngay cả trong các tầng lớp mới. Viện SPI lưu ý, tại bang St. Gallen, bang được dùng làm “mẫu” có 24% số người ra đi ở trong độ tuổi từ 51 đến 65 tuổi. Độ tuổi này chỉ chiếm 16% tổng số trong năm 2011.

Các người trẻ ở tuổi từ 25 đến 35 vẫn chiếm phần lớn trong các vụ rời bỏ Giáo hội. Điều này tương ứng với độ tuổi mà họ nhận ra mình phải đóng thuế cho Giáo hội. Các nhà nghiên cứu của Viện SPI tin rằng, ví dụ của những người trẻ tuổi ra đi này trở nên dễ chấp nhận hơn ở những người lớn tuổi.

Cùng một khuynh hướng nơi tín hữu tin lành

Viện St. Gallois cũng ghi nhận sự khác biệt đáng kể giữa các thành phố. Ví dụ ở Geneva, Valais, Neuchâtel và Vaud, gần như không có vụ ra đi nào. Điều này được giải thích do các hệ thống thuế má khác nhau tùy từng bang. Ở các bang nói tiếng Pháp thường được “miễn”, động lực rời Giáo hội để tiết kiệm thuế không có. Thành phố Bâle-Ville có tỷ lệ ra đi cao nhất là  ở mức 4,9%. Nói chung, việc ra đi ít quan trọng hơn ở các bang có truyền thống công giáo.

Cần lưu ý rằng tỷ lệ rời nhà thờ trung bình của Thụy Sĩ (1,4%) cũng tương tự như ở các nước láng giềng (1,2% ở Đức và 1,3% ở Áo).

Viện SPI ghi nhận một khuynh hướng tương tự cũng xảy ra ở các Giáo hội tin lành Thụy Sĩ. Số lượng giáo dân ở đó rời đi đã tăng 18% trong năm 2019. Vào cuối năm 2018, Giáo hội Cải cách vẫn có 2,15 triệu thành viên. Để so sánh, có khoảng 3,1 triệu người Công giáo đang sống ở Thụy Sĩ vào cuối năm 2019, so với 3,18 triệu vào cuối năm 2018.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch