“Lạm dụng quyền trong các dòng tu nữ”

873

“Lạm dụng quyền trong các dòng tu nữ”

rainews.it, 2020-07-30

Ngày 30 tháng 7 nhiều bản báo cáo được báo Văn minh Công giáo đăng nói về lạm dụng quyền, áp lực trao đổi kinh tế, dùng tiền vào mục đích riêng trong các dòng tu nữ.

“Hiện nay vấn đề lạm dụng trong các dòng tu nữ là vấn đề chưa được quan tâm đúng mức. Nó không chủ yếu ở dạng bạo lực tình dục và không liên quan đến trẻ vị thành niên; tuy nhiên, điều này không có nghĩa là vấn đề ít quan trọng và không có các hậu quả đáng kể. Qua kinh nghiệm mục vụ và qua các thảo luận đã có, chủ yếu đây là vấn đề lạm dụng quyền lực và lương tâm.” Trong bài “Lạm dụng quyền lực trong Giáo hội. Các vấn đề và thách thức trong đời sống nữ tu”, số ra ngày 1 tháng 8, tạp chí Dòng Tên Văn minh Công giáo tập trung vào các trường hợp trong đó “một số bề trên có thể là những người có tâm hồn quảng đại nhưng lại rất mong manh trước cám dỗ thao túng” dẫn đến việc “ban thưởng tùy tiện như tạo cơ hội đào tạo hay học tập cho ai trung thành và dễ bảo, gây bất lợi cho những người có một suy nghĩ khác” và “các hình thức áp lực để có được sự quản lý quyền lực vô hạn.”

Cuộc phỏng vấn với Đức Hồng y bộ trưởng Bộ Tu sĩ, Joao Braz de Aviz, được trích dẫn trong phụ trương “Thế giới, Giáo hội, Phụ nữ” của báo L’Osservatore Romano cho biết, các trường hợp “các bề trên tổng quyền một khi được bầu, họ đã không từ bỏ địa vị của mình”, vì thế họ muốn thay đổi hiến pháp để duy trì địa vị cho đến chết” và họ có khuynh hướng “bằng mọi giá kéo dài thời gian tại chức.” Linh mục Giovanni Cucci viết, trong một Dòng nữ (đang trong nhiệm kỳ) cũng cùng một nữ tu, sơ là ủy viên hội đồng trong vòng 12 năm, sau đó là bề trên tỉnh dòng 18 năm và sơ cũng được bầu làm tổng đại diện, bằng cách “dẫn đường” tổng tu nghị để tiếp tục cai trị trong những năm tiếp theo.” Câu hỏi đặt ra là “liệu guồng máy có được xem là hình thức đảm bảo các đặc quyền thường bị cấm với các thành viên khác, chẳng hạn, trong trường hợp này là giao các cộng đoàn cho người thân, người trong gia đình đến ở và được chăm sóc miễn phí không.” Trong một số trường hợp “các người trong gia đình được chôn cất trong nghĩa trang của Dòng” còn ở một dòng khác, bề trên không hỏi ý kiến ai, đã đưa mẹ mình vào cộng đoàn ở trong vòng hai mươi năm cho đến khi bà qua đời. Mỗi mùa hè, bề trên rời cộng đoàn để đưa mẹ đi nghỉ hè”. Có khi làm bề trên là “đảm bảo các đặc quyền độc quyền khác, như có được chăm sóc y tế tốt nhất, trong khi một nữ tu thường, ngay cả đi khám mắt hoặc nha sĩ nhiều khi cũng không đi được vì phải tiết kiệm tiền”. Các ví dụ đáng tiếc này liên quan đến mọi khía cạnh khác trong đời sống bình thường: từ quần áo đến đi nghỉ hè, nghỉ ngơi hay đơn giản chỉ là đi dạo, “mọi thứ phải có quyết định của bề trên (hoặc theo chướng khí tùy hứng) của bà.” Và nếu bạn xin một bộ áo quần tốt, bạn phải chờ Hội đồng họp, nếu không sẽ bị từ chối vì phải giữ đức khó nghèo. Cuối cùng, một số nữ tu phải xin gia đình và có thể họ sẽ biết, “tủ áo của bề trên có nhiều áo quần, mua mà không cần hỏi ai tiền của cộng đoàn, trong khi người khác không có áo quần thay đổi”. Báo Văn minh Công giáo nhấn mạnh, thật không may đối với một số nữ tu, đây là thực tế hàng ngày: một thực tế mà phần lớn họ không thể làm cho người khác biết vì họ không biết nói với ai hoặc sợ bị trả thù.”

Cũng vậy, “việc quản lý tài sản Dòng như tài sản cá nhân là một chủ đề đau đớn khác của một số Dòng nữ, trong đó có sự đồng lõa của bề trên tổng quyền và sơ quản lý (trên thực tế sơ quản lý làm suốt đời, không giới hạn tuổi) cho phép kiểm soát toàn bộ tài sản.” Và thông điệp đưa ra là “cai trị đồng nghĩa với đặc quyền, dù phải hy sinh những người yếu đuối nhất”, thay vì ở trong cộng đoàn, các nữ tu như sống trong nhà tù.” Với kết quả là ở các Dòng này, “không còn ơn gọi ở Ý trong hơn 50 năm. Đây có thể là một sự trùng hợp chăng?” Chính Đức Hồng y Aviz nhắc lại, “các trường hợp lạm dụng tình dục của các tập sinh bị các người đào tạo lạm dụng thì hiếm thấy như ở các Dòng nam, nhưng có thể, chính xác vì lý do này, nó còn nghiêm trọng và đau đớn hơn.” Cuối cùng tạp chí Văn minh Công giáo lưu ý “tình trạng bi thảm” của những người không che giấu được và phải từ bỏ đời sống tu trì: “Trong nhiều trường hợp họ không nhận được giúp đỡ nào, có khi còn bị ngăn chận đủ cách để không tìm ra chỗ ở.” Và thậm chí đã có “trường hợp làm mại dâm để kiếm sống.” Linh mục Cucci nói thêm: “Vấn đề đã trở nên nghiêm trọng , Đức Phanxicô đã quyết định xây một căn nhà cho những người, đặc biệt là người nước ngoài, không có nơi nào để đi.”

Marta An Nguyễn dịch

Bài đọc thêm: Báo L’Osservatore Romano: Lạm dụng tình dục trong các dòng nữ