Vatican Insider – Mauro Pianta – 31/10/2015
Cần phải quan tâm đặc biệt đến điều kiện làm việc, đặc biệt là với các bà mẹ đang mang thai. Nhưng cũng cần phải bảo vệ việc kinh doanh, như là một tài sản vậy. Trong buổi tiếp kiến 7000 thành viên của Liên Hiệp Kitô giáo các Điều hành Kinh doanh ở Ý, Đức Giáo hoàng Phanxicô nhắc lại tầm quan trọng của sự cân bằng giữa công việc và đời sống gia đình.
Đức Phanxicô nói, ‘Điều tiên quyết, là để tâm đặc biệt đến chất lượng đời sống làm việc của các nhân viên, bởi họ là nguồn lực quý giá nhất của doanh nghiệp, đặc biệt cần thúc đẩy sự cân bằng giữa công việc và đời sống gia đình.
Tôi đang nghĩ cách riêng đến các nữ nhân viên. Thách thức là phải bảo vệ quyền của họ có được một công việc được thừa nhận trọn vẹn, nhưng đồng thời cũng phải bảo vệ ơn gọi làm mẹ và sự hiện diện trong gia đình của họ.
Biết bao nhiêu lần, chúng ta nghe thấy một cô đến với ông chủ và nói: ‘tôi phải báo với ông, tôi có thai.’ Và đến cuối tháng, cô đó bị sa thải. Người phụ nữ phải được giúp đỡ và bảo vệ kép: về quyền làm việc và quyền làm mẹ.
Điều này không có nghĩa là chúng ta xem việc quản lý hãng là chuyện xấu xa. Ngược lại, Kinh doanh là một đóng góp cho công ích. Đó có thể là tài sản riêng và được điều hành riêng, nhưng sự thật rõ ràng là nó theo đuổi các mục tiêu đem lại lợi ích cho nhau, và đóng vai trò quan trọng trên tầm mức rộng, như phát triển kinh tế, hiện đại hóa và tạo công ăn việc làm, cần phải bảo vệ việc kinh doanh.
Trách nhiệm bảo vệ này, trước hết và trên hết là ở nơi các thể chế, nhưng cũng là nơi các công ty, các nhà kinh tế học, tài chính và các ngân hàng. Tất cả mọi đối tượng liên quan phải hành động sao cho có trách nhiệm, trung thực và có kỹ năng.
Nơi làm việc có thể trở nên một nơi ‘làm thánh.’ Việc kinh doanh và các vị trí điều hành công ty, có thể trở nên những vị trí để làm thánh, qua các nỗ lực của mỗi một người chúng ta để xây dựng các quan hệ thân ái giữa các hãng, các giám đốc và nhân viên, thúc đẩy sự cộng tác và tính đồng trách nhiệm trong các lợi ích chung.’
Nhưng có một điều kiện mà Đức Giáo hoàng xem là tiên quyết. ‘Hỗ trợ và từ thiện một chút, thì không đủ. Cần phải hướng hoạt động kinh tế về tâm thức phúc âm hóa, nghĩa là phục vụ con người và công ích. Về phương diện này, các bạn được mời gọi cộng tác để phát triển một tinh thần bổ trợ trong công ty, giải quyết các thách thức về mặt đạo đức của thị trường, và trên hết là thách thức tạo cơ hội công ăn việc làm tốt. Kinh tế và kinh doanh, cần có đạo đức để hoạt động đúng đắn, không phải là một loại đạo đức bất kỳ, nhưng là một đạo đức đặt con người và cộng đồng vào vị trí trung tâm.
Hôm nay, tôi nhắc lại lời kêu gọi các bạn hãy dấn thân để đạt được mục tiêu này, hoa trái từ nỗ lực của các bạn sẽ dựa vào mức độ Tin mừng hiện diện sống động trong lòng, trong trí, và trong hành động của các bạn.’
J.B. Thái Hòa chuyển dịch