Liêu Diệc Vũ: “Những người Phương Tây quý vị, khi nào quý vị mới hiểu quý vị đang đối phó với ai?”
parismatch.com, Mariana Grépinet, 2020-06-24
Bản dịch từ tiếng Trung quốc của bà Marie Holzman
Tại Berlin ngày 30 tháng 5. Trong khu vườn tập thể của tòa nhà nhỏ nơi ông Liêu Diệc Vũ (Liao Yiwu) ở. Kasia Wandycz/Paris Match
Nhà văn Liêu Diệc Vũ là người bất đồng chính kiến ngay từ đầu. Ông đã thấm trong xương thịt, trong tâm hồn mình thế nào là chế độ độc tài của Trung quốc. Bị bắt, bị sách nhiễu, bốn năm bị tù, bị tra tấn. Năm nay 62 tuổi, nhà văn, nhà thơ sống cuộc đời lưu vong ở Berlin. Thân phụ của ông là giáo sư văn học trong thời Cách mạng văn hóa. Ông thường được so sánh với nhà văn, nhà đối lập Nga Soljenitsyne, ông đưa ra ghi nhận không chối cãi được về chế độ và về việc quản lý cuộc khủng hoảng sức khỏe. Trung quốc đã lợi dụng tình hình để khống chế các chống Hồng Kông.
Ông hẹn chúng tôi vào đầu chiều vì ông dậy trễ. Ban đêm ông viết từ 1 đến 6 giờ sáng. Và đi bộ một ngày 3 giờ ở các công viên rộng lớn của Berlin. Bà Marie Holzman, nhà trung hoa học, bạn của ông đảm trách phần dịch thuật vì ông chỉ nói tiếng Hoa, dù ông đã ở Berlin từ chín năm nay. Ông gặp bà Yang Lu, người đồng hương trẻ, họa sĩ, họ có với nhau một đứa con tên là Shuyi, nghĩa đen là “con kiến của sách”. Cả một biểu tượng cho người bị bốn năm tù vì viết bài thơ kể vụ thảm sát Thiên An Môn. Khi ra tù năm 1994 các bản thảo của ông bị tịch thu, trong nhiều năm ông liên tục bị bắt giử, thẩm vấn, giam cầm trước khi trốn được ra khỏi quê hương.
Các chế độ độc tài sẽ đi qua và các tác phẩm văn học làm chứng cho những gì đã xảy ra
Trong cuộc khủng hoảng Covid-19, cách ly trong căn hộ tầng trệt ở Tây Berlin, ông nấu ăn rất nhiều. Và nhất là ông theo dõi tình hình ở Trung quốc nhờ kết nối với bạn bè và các liên lạc của ông tại chỗ. Vai trò của ông? Ông nói: “Ghi lại những gì đã xảy ra. Một khi các nhà độc tài này biến mất thì các tác phẩm văn học còn lại và làm chứng cho những gì đã xảy ra.” Qua hệ thống Skype, ông kiên nhẫn trả lời chúng tôi trong vòng hai giờ, gương mặt điềm tĩnh, giọng nói ung dung. Chính xác, sắc bén, nói thẳng. Trừ khi ông nhắc đến người con gái cả Miao Miao, sinh ra khi ông bị tù và ông chưa bao giờ biết. Chỉ khi đó ông Liêu Diệc Vũ mới im lặng và nhìn xuống.
Paris Match. Chính quyền Trung quốc vừa áp đặt một luật an ninh mới ở Hồng Kông, bị các nhà hoạt động dân chủ cho đây là luật giết tự do. Mục tiêu của chính phủ là gì?
Ông Liêu Diệc Vũ. Đối với Trung Quốc, từ lâu việc thu hồi lại Hồng Kông là chuyện phải làm. Nếu chưa chính thức thu hồi thì ít nhất cũng trên các sự việc. Nhưng ý định của họ trước tiên là ký thỏa thuận thương mại với Mỹ. Điều này đã được thực hiện vào ngày 15 tháng 1. Sau đó virus làm ngưng mọi sự trong sáu tháng. Bây giờ người Trung quốc muốn bắt đầu lại nơi họ đã ngừng trước đây. Họ muốn biến Hồng Kông theo hình ảnh của họ. Còn người Mỹ thì gia tăng các hành động không tin tưởng của họ. Giữa hai nước là cuộc chiến tranh lạnh. Dù sao Hồng Kông là một một hy sinh to lớn. Nhưng cũng đừng quên tương lai thế giới gắn liền với vận mệnh của Trung quốc.
Virus Vũ Hán này là Tchernobyl của chúng tôi
Bằng vũ lực, Trung quốc có nguy cơ thu hút các nồi thuốc súng của tất cả các quốc gia không?
Mô hình được lặp đi lặp lại. Quý vị nhìn thời điểm Thiên An Môn: chính quyền Trung quốc không lùi trước bất cứ trở ngại nào để giết sinh viên. Sau đó họ đã làm gì? Họ đã nói dối, họ lên hệ thống tuyên truyền, họ đánh lừa người đối thoại với mình. Quý vị nghĩ rằng điều này sẽ thật sự thay đổi sao? Virus Vũ Hán đã cướp đi hàng trăm ngàn sinh mạng ở các nước dân chủ. Tuy nhiên quý vị có nghĩ rằng tất cả các quốc gia này sẽ không mong muốn thiết lập liên kết thương mại và quay lại bán công nghệ cao cho Trung quốc sao? Tôi không phải là người có lòng tin, nhưng tôi có cảm tưởng tất cả cái chết ở các nước tự do này là hình phạt của trời. Thế giới này là thế giới không đức tin. Đạo đức duy nhất của nó là thương mại và kinh tế. Đó là lý do vì sao chúng ta bị phạt. Virus Vũ Hán này là Chernobyl của chúng tôi. Nhưng thảm kịch Chernobyl tương đối chỉ ở trong vùng, còn Covid-19 thì lan rộng khắp hành tinh.
Theo một nghiên cứu của Đại học Southampton được công bố vào tháng 3 năm 2020, nếu Trung Quốc thông báo về căn bệnh này ba tuần trước đó, số trường hợp có thể đã giảm 95% …
Vũ Hán bắt đầu cách ly ngày 23 tháng 1. Vài ngày sau, vài chục thành phố của Trung Quốc, Bắc Kinh, Thượng Hải, v.v. cũng bị cách ly, các chuyến đi trong nước bị ngưng… Nhưng các chuyến bay ra nước ngoài thì không. Hàng chục ngàn người Trung quốc và người nước ngoài đã rời Trung quốc để đến Ý, Đức, Pháp, Mỹ, hoàn toàn ở trong tình trạng thiếu ý thức chung. Thế giới tin tưởng vào Tổ chức Y tế Thế giới, họ luôn nói rằng không có lây nhiễm từ người qua người. Tôi nghĩ chính phủ Trung quốc có hậu ý. Việc cho phép rất nhiều khách du lịch đến phương Tây không phải là chuyện ngẫu nhiên…
“Có 400 000 người chết hay 4 triệu người chết? Chúng ta không bao giờ biết.”
Theo một trang web của Trung Quốc, vào đầu tháng 4, số nạn nhân thực sự là 59.000 người chết ở Vũ Hán và 97.000 người chết trên toàn Trung Quốc. Ai có thể tin con số chính thức là 4.600?
Có nhiều yếu tố để trả lời. Đầu tiên, khi bắt đầu dịch bệnh, con số tử vong không được các bệnh viện kiểm kê vì không có xét nghiệm. Có lẽ 4.600 cái chết được công bố là những cái chết duy nhất đã được thử nghiệm… Nhưng cũng có rất nhiều người chết ở nhà. Trong các trường hợp này, nhất là khi khủng hoảng, họ đã lấy đi các xác chết, đốt chúng và không còn ai nhắc đến nữa. Chúng tôi người Trung quốc, chuyện này không làm chúng tôi ngạc nhiên: bây giờ chúng ta biết trong nạn đói từ năm 1958 đến năm 1961 có khoảng từ 30 đến 40 triệu người hết, trong khi các tài liệu chính thức chỉ nói đến vài trăm ngàn người chết. Vậy khi Trung quốc nói 4 000, thì có thể nhân lên 100, nhân lên 1 000. Có thể có 400 000 người chết, 4 triệu người chết không? Chúng ta sẽ không bao giờ biết. Các người Phương Tây quý vị, mỗi lần vậy quý vị đều ngạc nhiên. Điều này làm cho tôi khó chịu. Những người Phương Tây quý vị, khi nào quý vị mới hiểu quý vị đang đối phó với ai? Lần này, người Mỹ, người Pháp, người Ý đều chết, vậy quý vị nên suy nghĩ một cách khác…
Hàng chục nhà hoạt động nhân quyền, nhà báo và luật sư đã bị sách nhiễu, bắt giữ kể từ đầu cuộc khủng hoảng. Chính quyền đã lợi dụng dịch bệnh để ngăn chặn sự chống đối?
Tôi muốn đề cập đến trận động đất lớn ở Tứ Xuyên năm 2008. Khi đó tôi vẫn còn ở Trung Quốc. Blogger Tan Zuoren đã bị bắt và bị kết án năm năm tù vì dám nói ngược với bản tin chính thức. Nhưng nhiều nhà quan sát Trung Quốc và phương Tây đã có thể đến tại chỗ. Nhưng lần này họ không đến. Và một vài nhà báo công dân hiếm hoi cố gắng báo cáo những gì họ thấy đã bị bắt giữ. Sự đàn áp đã tăng lên đáng kể. Chính quyền duy trì xác quyết họ có thể làm bất cứ điều gì. Và các hiệp hội bảo vệ nhân quyền chỉ là những con hổ không răng. Họ có thể hét lên, nhưng chẳng dẫn đến chuyện gì.
Ai cũng có thể bị bắt bất cứ lúc nào mà không thể làm gì được.
Ông có tin tức về những người báo động như các ông Chen Qiushi và Fang Bin, cả hai đều mất tích không?
Nhà nước có đủ mọi cách để giam “chui.” Có hệ thống quản thúc tại gia, quản thúc tại một địa điểm quy định trong một thời gian quy định… Điều đã xảy ra cho ông Lưu Hiểu Ba năm 2008 (Liu Xiaobo, nhà trí thức bất đồng chính kiến, được giải Nobel hòa bình năm 2010). Không ai biết ông ở đâu. Sau đó chúng tôi biết ông bị đưa từ nhà tù bí mật này đến nhà tù bí mật khác, có khi là một khách sạn cũ, có khi là một cơ sở đang hoạt động nhưng ở đó có một tầng dành riêng. Các gia đình không có tin tức, có khi vài tuần, có khi vài tháng, thậm chí có khi vài năm không tin tức. Ở Phương Tây, bạn trẻ khó hình dung được tình trạng khủng khiếp mà một số người dân Trung quốc lâm phải. Ai cũng có thể bị bắt bất cứ lúc nào mà không thể làm dì được.
Có phải bản án gần đây của ông Trần Kiệt Nhân (Chen Jieren), một cựu nhân viên của “Nhật báo Nhân dân”, sau này là blogger, là mười lăm năm tù vì “tội gây bạo loạn”, “tấn công và chê bai đảng và chính phủ”, có phải là một cảnh báo không?
Ông nói kết án mười lăm năm tù. Vài năm trước, khi nghe tin ai đó bị kết án năm năm tù, chúng tôi đã kêu lên: “Nhưng làm thế nào được? Không thể tin được!” Chỉ ngay sau năm 1989, khi ai đó bị hai năm tù, người ta cũng đã kêu lên như vậy. Bây giờ, bà nói với tôi mười lăm năm như bà sẽ nói ba mươi năm, và không còn ai phản ứng nữa… Tất cả chúng ta đều bị gây mê hoàn toàn.
Cho dù là Tổng thống Pháp Macron, Thủ tướng Đức bà Merkel hay Tổng thống Mỹ Donald Trump, mọi người đều chiến đấu vì lợi ích nhỏ bé của riêng mình. Lịch sử sẽ ghi nhớ thời kỳ suy tàn này
Người Trung quốc có thể làm gì?
Người Trung quốc đã làm rất nhiều. Họ đã xuống Quảng trường Thiên An Môn năm 1989 và bị tàn sát. Các luật sư, các người bảo vệ dân quyền đã bị bắt hàng loạt. Các nhà báo công dân đã cố gắng đưa ra sự thật. Và tất cả người dân bị cách ly ở Vũ Hán đã can đảm, khi Thứ trưởng Bộ Y tế đi thăm ngoài đường, từ cửa sổ trên cao người dân hét: “Tất cả những gì quý vị nói đều sai!” Khi bác sĩ nhãn khoa Lý Văn Lượng (Li Wenliang) qua đời ở Vũ Hán, ông bị cáo buộc “loan tin đồn thất thiệt”, chính quyền cố giấu tin này. Nhưng hơn 100 triệu người đã viết trên trang Tweet và thương tiếc cái chết của vị bác sĩ 33 tuổi này. Bà muốn biết gì thêm? Phải có các thông điệp rõ ràng của Phương Tây để cho thấy nền dân chủ vẫn có một ý nghĩa. Anh, Pháp, Mỹ không còn Churchill, De Gaulle, cũng không còn Roosevelt. Quý vị chỉ còn là các doanh nhân cận thần. Cho dù là Tổng thống Pháp Macron, Thủ tướng Đức bà Merkel hay Tổng thống Mỹ Donald Trump, mọi người đều chiến đấu vì lợi ích nhỏ bé của riêng mình. Lịch sử sẽ ghi nhớ thời kỳ suy tàn này
Vào ngày 4 tháng 6, người dân Bắc Kinh đã tổ chức lễ kỷ niệm cuộc đàn áp Thiên An Môn, bất chấp lệnh cấm. © Reuters
Không có gì thay đổi kể từ những năm tù của ông …
Điều này đúng về mặt nhân quyền, nhưng trong ba mươi năm đã có những tiến bộ to lớn trong lĩnh vực khoa học và kỹ thuật số. Nhờ có Internet, chúng ta có thể tẩy não tất cả người Duy Ngô Nhĩ. Ngày nay, trình độ khoa học của người Trung Quốc gần như tương đương với người Mỹ. Để được như vậy, họ đã sử dụng tất cả các phương tiện có thể. Họ đã làm gián điệp kinh tế, công nghiệp và khoa học, tiến hành cuộc chiến mà họ gọi là “chiến tranh toàn diện”.
Tình trạng còn nặng hơn so với dự đoán của nhà văn Orwell trong tác phẩm “1984”. Một cách nào đó tôi đang viết lại những gì ông ấy hay Soljenitsyne đã viết.
Tổng thống Donald Trump khẳng định có được bằng chứng virus xuất phát từ phòng thí nghiệm P4 của Vũ Hán, nói ngược với các kết luận của cơ quan tình báo Mỹ…
Nhiều chuyên gia nói virus này xuất hiện tự nhiên. Họ có thể lầm… Cá nhân tôi, tôi thu thập tất cả thông tin có ở phòng thí nghiệm P4 này, vì tôi muốn dùng nó cho quyển sách sắp tới của tôi. Vấn đề, đó là bệnh nhân số 1. Chúng tôi đang ở giai đoạn cố gắng biết làm sao người này đã bị nhiễm. Cho đến khi nào chưa có một nhóm các nhà nghiên cứu quốc tế và độc lập đến Vũ Hán thì chúng ta sẽ chưa biết được. Đây là bí mật tương tự như bí mật Tử Cấm Thành. Cho đến khi nào chúng ta chưa vào đó được thì chúng ta chưa biết.
Tập Cận Bình là nhà độc tài tệ nhất mà thế giới hiện đại được biết
Ông nghĩ gì về Chủ tịch Tập Cận Bình?
Ông Tập Cận Bình đã tổ chức thống trị đất nước như người cai tù tổ chức quản lý nhà tù. Chúng tôi không có một nhà lãnh đạo như vậy kể từ Mao. Bất kỳ một người bình thường nào quan sát hành vi của ông đều sẽ chỉ thấy một chuyện: ông ấy điên. Ông xem tất cả người dân Trung quốc là người đáng nghi ngờ. Mọi người phải vâng lời ông. Tập Cận Bình là nhà độc tài tồi tệ nhất mà thế giới hiện đại được biết.
Các dự án của ông là gì?
Tôi có nhiều dự án. Ở Pháp tôi sẽ xuất bản quyển “Trung quốc từ dưới thấp” (La Chine d’en bas), chân dung của những người bên lề, những người ăn xin, các cô gái mại dâm để độc giả thấy nước Trung quốc đến từ đâu ngày nay. Còn nhà xuất bản Đức của tôi thì họ vừa mua quyển sách mới, đang nghiên cứu cho ấn bản tiếng Anh. Quyển sách có tựa đề “Mười tám tù nhân và hai người đào thoát” kể lại hành trình của hai người sống sót duy nhất trong một nhóm người ở Trung quốc tìm đường đi tị nạn Hồng Kông. Người mà tôi gặp, họ đã bơi 40 cây số để đến bờ bên kia của cựu thuộc địa Anh. Cùng với một số người khác, ông đã viết hướng dẫn để trốn qua Hồng Kông. Tôi dùng các lời khuyên của họ trong câu chuyện của tôi: cách phải tập thể dục, bản đồ phải có để biết các bờ biển, thái độ phải có với chó săn của cảnh sát. Kỹ thuật là phải nằm úp mặt xuống đất, chổng mông lên trời, dùng tay bảo vệ mặt. Nếu bị chó cắn sau mông thì cũng không nặng lắm nhưng ở cổ họng thì chết. Còn trước mặt cảnh sát thì ngược lại, phải đứng thẳng, không được chạy. Khi một trong các cảnh sát nói với bạn “không được nhúc nhích”, nếu bạn nhúc nhích sẽ bị giết. Quyển sách này là quyển cuối cùng trong một bộ ba quyển nói về nhà tù Trung quốc, trong đó có câu chuyện của tôi trong quyển “Trong vương quốc bóng tối” và một tuyển tập gồm các chứng từ của những người nổi dậy ngày 4 tháng 6 năm 1989 “Điệu vũ ba-lê và thuốc phiện”.
Sau chuyến trốn thoát kinh hồn năm 2011, ông sống lưu vong ở Berlin. Ông còn nhớ quê hương không?
Dĩ nhiên là tôi rất nhớ Tứ Xuyên. Nhớ thức ăn ngon, nhớ rượu Tứ Xuyên, nhớ bạn bè… Nhưng tôi không hoàn toàn là người chủ bại. Dù mạnh đến mức nào, một chế độ toàn trị luôn có ngày sụp đổ. Và chắc chắn lúc đó tôi sẽ trở về quê hương tôi.
Tác phẩm “Trung quốc từ dưới thấp” của Liêu Diệc Vũ, nxb. Globe
Nguyễn Tùng Lâm dịch