Gregory Charles: Tôi nghe cha tôi nói
Trên trang Facebook của ca sĩ nhạc sĩ Gregory Charles, người Québec, Canada ngày 3 tháng 6-2020 (https://www.facebook.com/Gregexperience/)
Gregory Charles sinh ngày 12 tháng 2 – 1968 ở Québec, Canada. Cha của ông người gốc Trinidad, mẹ người Québec, tháng 1 năm 2018, trên đường đi lễ về cha của ông bị xe xúc tuyết cán chết, thọ 77 tuổi.
Gregory Charles là nghệ sĩ đa tài, ca sĩ, nhạc sĩ, người dẫn chương trình trên đài truyền hình, đài phát thanh… Ông có các buổi trình diễn từ thiện, trong thời gian cách ly vừa qua, ông cùng ban nhạc đến hát trước các nhà săn sóc dài hạn cho người lớn tuổi. Ông thuộc rất nhiều bài hát, ông có những show diễn để cho khán giả bốc thăm bất cứ bài hát nào và ông… hát thuộc lòng.
Chứng từ của thân phụ ông là chứng từ của một tín hữu kitô sống đúng tinh thần Tin Mừng: Yêu kẻ thù như mình vậy!
Cái chết phủ phàng, bất công và không cần thiết của anh George Floyd đã tạo một làn sóng giận dữ, một cơn bão thổi lốc trên nước Mỹ và toàn thế giới trong hơn một tuần. Làm thế nào mà không bị thu hút bởi các hình ảnh của một cô gái trẻ 17 tuổi đi ngang qua đó, điện thoại cầm tay và có thể có nguy cơ đến mạng sống mình, cô đã lưu vào thiên thu cảnh tượng kinh hoàng của sự hận thù và thờ ơ. Một cảnh sát da trắng chầm chậm giết, một người da đen đã phục tùng, không lý do và nhất là không hãi sợ. Ông vô cảm trước nỗi đau, trước sự khốn khổ, trước lời kêu cứu của nạn nhân xin cứu, rõ ràng là nạn nhân xin ông thương xót. Người cảnh sát bất chấp những người lo lắng cho nạn nhân đang bị ông chế ngự và làm đau đớn. Vậy mà câu châm ngôn của cảnh sát Minneapolis lại là “Dũng cảm bảo vệ, phục vụ với lòng thương xót”. Người cảnh sát hoàn toàn không làm được nhiệm vụ này. Không can đảm cũng không thương xót.
Giống như hàng triệu người trên châu lục này và trên thế giới, tôi khóc khi nhìn các hình ảnh này. Tôi đã khóc, tôi quá tức giận và hoàn toàn không hiểu được. Tôi cảm thấy ghê tởm, bất lực, nản chí. Tôi là cha của một bé gái da ngăm ngăm, tôi cũng lo. Tôi sợ cho con gái vì cháu đã thấy những hình ảnh này và sẽ không bao giờ quên. Và bởi vì tôi không biết các sự kiện vào thời điểm này sẽ dẫn về đâu.
Nhưng từ một tuần nay tôi cũng nghe tiếng của cha tôi vang lên trong lòng tôi. “Ông nội của con sinh ra trong đồn điền của một địa chủ. Ông không được quyền có bất động sản cũng không có quyền đi học. Nhưng ông tự học. Ông trở thành cảnh sát. Mọi người yêu mến ông và ông yêu mọi người. Phải trả lời với bạo lực bằng sự dũng cảm hơn và bằng lòng trắc ẩn hơn.” Đó là tiếng nói của cha tôi lặp đi lặp lại với tôi trong những ngày vừa qua. Cha tôi đã cùng đi với mục sư Martin Luther King. Ông đã ở Washington vào năm 1963. Ông ở trong số 250 000 người đến để đòi hỏi sự bình đẳng cho mọi cơ hội. Ông đã nghe nữ ca sĩ Mahalia Jackson xin mục sư Martin Luther King ngưng bài hùng biện về những lời hứa không được tôn trọng của nước Mỹ, để chia sẻ với cử tọa giấc mơ của ông. Tôi có một giấc mơ. “Tôi nghe cha tôi kể giây phút lịch sử này. Tôi nghe tiếng nói của ông trong đầu tôi, trong trái tim tôi. Tôi nghe ông nói với tôi, cách duy nhất để hạnh phúc là được tự do, cách duy nhất để tự do là có thể yêu một ai đó, một cái gì đó lớn hơn là mình yêu chính mình.”
Nước Mỹ bị tác động bởi một căn bệnh mà họ mắc phải từ khi họ còn sơ khai: phân biệt chủng tộc. Họ đã có tiến bộ từ 400 năm nay. Nhưng dường như nước này chưa có thuốc chủng ngừa cho căn bệnh này. Họ tiến tới, rồi họ lại đi lui. Họ lại ngã. Kinh tế của họ, hệ thống chính trị của họ, mạng lưới xã hội của họ đầy cả bất bình đẳng và bất công xã hội. Căn bệnh này đã ngăn họ thực hiện mục tiêu cơ bản của nền cộng hòa của họ: thành lập một Hiệp chủng hoàn hảo hơn và giúp cho công dân của họ, tất cả công dân của họ tìm thấy hạnh phúc.
Tuy nhiên không nên nghĩ rằng họ là những người duy nhất bị bệnh, nạn kỳ thị và phân biệt chủng tộc không chừa một ai. Không châu lục nào mà không có. Chúng ta không có luật trừ. Tại đất nước chúng ta cũng có. Và bây giờ vẫn còn. Vấn đề là chúng ta làm gì ngày hôm nay, bây giờ.
Vào đầu những năm 70, cha mẹ tôi cố gắng tìm thuê một căn hộ ở khu phố Ahuntsic. Vừa thấy cha tôi, người chủ khổng lồ nói với mẹ tôi, không có chuyện cho người da đen thuê. Mẹ tôi da trắng cao một mét năm mươi nói với ông cách ông suy nghĩ là không đúng. Cha tôi cầm tay mẹ tôi, cám ơn chủ nhà và rời đi.
Mười lăm năm sau, người chủ nhà này bị gãy chân và được đưa vào bệnh viện Do thái ở thành phố Montréal. Nhận ra ông, cha tôi lúc đó làm việc ở khoa chỉnh hình nhận săn sóc ông. Đây là một loại gãy xương phức tạp và đau đớn. Lúc đó tôi ở tuổi vị thành niên và tôi làm việc với cha tôi ở phòng này. Tôi thú nhận là tôi không hiểu vì sao cha tôi lại nhận săn sóc ông, nhất là săn sóc một người đã hung với mình, với chúng tôi. Từ mấy ngày nay tôi nghe câu trả lời của ông trong đầu. “Ông rất đau và ông và cần được an ủi. Cha sẽ làm cho ông những gì phải làm và cha làm như cha có thể làm”. Và tôi nghe cha tôi nói thêm: “Vì cách chúng ta yêu là cách chúng ta thắng con ạ”.
Ông ấy đã ở bệnh viện sáu ngày. Ông nhận ra mẹ tôi vẫn không thích ông và nói với ông ấy về suy nghĩ của ông một lần nữa. Nhưng tôi sẽ không quên lời của ông ấy nói với cha tôi khi ông rời bệnh viện: “Cám ơn Lennox đã chữa lành cho tôi. Tôi không nói về cái của chân tôi”. Và với tôi, ông nói thêm: “Cha của con là người tốt. Con có đôi ủng lớn để mang”.
Số phận muốn rằng tên của người cảnh sát giết người ở Minneapolis có tên Chauvin (sô-vanh). Tên theo tính từ có nghĩa có khuynh hướng làm quá độ cho chính mình, cho nhóm mình, cho đất nước mình. Nếu cha tôi còn sống, ông sẽ nói với với tôi, người hung dữ này cần tình yêu và cần lòng thương xót, chắc chắn họ thiếu rất nhiều. Ông sẽ nói có một tâm hồn cần phải cứu.
Nhưng ông sẽ nói với tôi, không phải đương sự là người có vấn đề nhưng những cảnh sát khác đứng đó mà không làm gì, họ nói dối với cấp trên những gì đã xảy ra. Họ đã có thể can thiệp. Nhưng họ không làm gì. Không trắc ẩn, lại càng không dũng cảm.
Các cảnh sát khác, đôi khi là chúng ta.
Đen hay trắng, trẻ hay lớn tuổi, đôi khi chúng ta bám vào các xác quyết của chúng ta. Chúng ta có lời giải thích, có lời biện minh ngắn gọn trong khi các vấn đề thì phức tạp và tàn khốc.
Chúng ta phải nổi loạn, phải nêu vấn đề ra, phải từ chối những gì chúng ta không chấp nhận được, những gì không thể chịu đựng được.
Nhưng chúng ta không thể đáp trả tàn ác bằng tàn ác.
Chúng ta không thể trả lời cho bạo lực bằng bạo lực.
Chúng ta không thể trả lời dửng dưng bằng dửng dưng.
Chúng ta trả lời giận dữ bằng lắng nghe.
Chúng ta trả lời dửng dưng bằng lòng trắc ẩn.
Chúng ta trả lời hận thù bằng cử chỉ yêu thương không cưỡng lại được.
Chúng ta vẫn phải và luôn phải mơ về một thế giới mà tất cả chúng ta, đen hay trắng, trẻ hay già, đàn ông hay phụ nữ, người tin hay không tin, người có ảnh hưởng hay không có ảnh hưởng, phải tự do, có khả năng yêu thương người khác hơn chúng ta yêu thương bản thân.
Đó là những gì tôi nghe cha tôi nói trong đầu tôi từ mấy ngày nay. Trong tâm hồn tôi.
“Vì cách chúng ta yêu là cách chúng ta thắng con ạ”.
Marta An Nguyễn dịch