Đức Phanxicô đối thoại với Nhóm Ladarô
fr.zenit.org, Anne Kurian, 2020-06-05
Chúng tôi xin gom lại trọn buổi nói chuyện của Đức Phanxicô với Nhóm Ladarô tại Nhà Thánh Marta ngày 29 tháng 5 – 2020.
Nhóm Ladarô ngày 29 tháng 5 – 2020 © Facebook de Lazare
Đức Phanxicô nói chuyện với nhóm Nhà Ladarô: “Vùng ngoại vi là trọng tâm trái tim của Chúa. Chúa Giêsu muốn đến các vùng ngoại vi hiện sinh của chúng ta. Chính Ngài xuống thế đã trở nên một ngoại vi hiện sinh.”
Một nhóm thành viên của tổ chức Nhà Ladarô, một tổ chức gồm các người trẻ ở chung với người vô gia cư, Nhóm bắt đầu ở Pháp và bây giờ lan ra cả Âu châu. Nhóm được Đức Hồng y danh dự giáo phận Lyon, Philippe Barbarin hướng dẫn đến Nhà Thánh Marta ngày 29 tháng 5 – 2020. Trong buổi gặp này, Đức Phanxicô nói chuyện qua video với các bạn “cùng thuê nhà” của Nhà Ladarô trên thế giới.
Sau các chứng từ, đầu tiên là anh Loïc Luisetto, đại diện nhóm, Đức Phanxicô đã trả lời 10 câu hỏi. Chúng tôi đăng ở đây các chứng từ, phần dẫn đầu câu chuyện và các câu trả lời 1, 2 vàn3 của Đức Phanxicô.
Chứng từ
Loïc Luisetto –
Trọng kính Đức Thánh Cha,
Giáo hoàng Phanxicô rất yêu quý,
Con xin hết lòng cám ơn Cha đã tiếp nhóm Ladarô chúng con hôm nay. Nhóm Ladarô gồm những người sống ngoài đường và các bạn trẻ tích cực. Chúng con không có mong ước nào hơn là cùng sống chung với nhau, đơn giản là như thế. Trong căn nhà chúng con, Vực Thẳm ngăn cách mọi người theo nguồn gốc xã hội đã được san bằng qua hình thức ở chung này.
Thực chất ngoài các thảm kịch của các chuyện thời sự và dịch bệnh, câu hỏi lớn đặt ra cho thế hệ chúng con là biết chấp nhận ở gần những người đau khổ.
Các người cùng thuê nhà của nhóm Ladarô không những chia sẻ một chút thì giờ của họ mà còn chia sẻ cuộc sống, căn hộ, nhà bếp, nhà tắm.
Đáng lý chúng con có 200 bạn ở với Cha hôm nay, tất cả các nhà của chúng con. Và tất cả đều ở đó. Chuyến đi được Béatrice, vợ con, chuẩn bị chu đáo. Chúng con là những gia đình dấn thân, các người cùng thuê nhà ở Pháp, Bỉ và Tây Ban Nha, nhưng Covid-19 đã quyết định thay chúng con, đã thay đổi chương trình của chúng con!
Không sao, chúng con đã táo bạo chấp nhận sống chung đông người trong thời gian cách ly, bây giờ chúng ta gặp nhau qua video-hội thảo!
Chúng con cám ơn Cha thêm một lần nữa, Cha đã thích ứng và gần gũi với chúng con, một món quà cho chúng con nhân kỷ niệm 10 năm thành lập Nhà Ladarô chúng con!
Con xin hân hạnh giới thiệu anh Alain và cô Charlotte, hai người sẽ chia sẻ với Cha vài lời.
Charlotte
“Khi đó con không có nhà ở, không có việc làm. Con đến Nhà Ladarô cách đây một năm rưỡi. Đối với con, Nhà Ladarô là nơi lắng nghe, là an toàn, là sức mạnh. Ở Nhà Ladarô, không những con được gặp các bạn cùng thuê nhà mà con xem đây như gia đình của con. Chúng con cảm thấy được lắng nghe, được hiểu, không bị xét đoán. Với các trụ này, con có thể xây dựng lại cuộc đời của con. Sau 15 năm trị liệu, con không còn gì. Con đã tìm được một công việc chuyên nghề. Nhà Ladarô đã mang đến tương lai và đời sống cho con.”
Alain
“Nhà Ladarô đã đón nhận con sau 5 năm con ở ngoài đường. Nhờ Nhà Ladarô con đã lành bệnh phổi. Vì cứ phải ngủ ngoài lều, bị dơ bẩn nên con không thở được. Bây giờ con thở được rồi! Con có một căn hộ màu trắng sạch sẽ, con thích chùi sàn nhà. Trong thời gian cách ly, con tìm hiểu các bạn cùng thuê nhà nhiều hơn, con hiểu được tinh thần kitô giáo của họ. Một trong các bạn thuê chung nhà của con bị Covid-19, nhưng chúng con vẫn ở chung với nhau. Năm bạn cùng ở chung với nhau rất cá tính, nhưng con thích ứng với tính cách của họ và quyết tâm đi tới đàng trước của họ.”
Dạ, chúng con chân thành cám ơn Cha, Cha là Giáo hoàng nghèo của người nghèo, Cha luôn chia sẻ giấc mơ một Giáo hội nghèo cho người nghèo, cha đã truyền cảm hứng lối sống cho các căn nhà của chúng con, vì chúng con thích sống thanh đạm.
Để kỷ niệm sinh nhật lần thứ mười căn nhà của chúng con, cha đã đồng ý trả lời 10 câu hỏi của chúng con. Vào cuối buổi trao đổi, chúng con xin cầu nguyện với Cha, lời cầu nguyện được anh em chúng con chuẩn bị sẽ kết thúc kinh sáng mà chúng con đọc mỗi buổi sáng.
Chúng con xin cám ơn hồng y Barbarin là người đầu tiên đón nhận Nhà Ladarô trong giáo phận của ngài, ở ngay tại khuôn viên Tòa Tổng giám mục. Chúng con cám ơn tất cả các giám mục và các cộng đoàn đã tin tưởng chúng con. Và cuối cùng chúng con cám ơn những người đã bỏ thì giờ, bỏ công của để hỗ trợ cho Nhà Ladarô.
Trọng kính Đức Thánh Cha, xin Cha yên tâm, chúng con muốn đi ra khỏi tiện nghi của mình để đến các vùng ngoại vi hiện sinh của những Ladarô thời chúng con, nếm niềm vui Tin Mừng, thay đổi dụ ngôn Ladarô bằng cách xây dựng các cây cầu ngay bây giờ.
Và cuối cùng, cùng với Thánh Phanxicô Assisi và với Cha, chúng con xin hát:
Ca ngợi Chúa, Chúa của con, cho những người tha thứ vì tình yêu cho Chúa; những người chịu đựng thử thách và bệnh tật: phúc thay cho những người gìn giữ hòa bình, vì qua Chúa, Đấng Tối Cao, họ sẽ được vinh danh.
Đối thoại
Đức Phanxicô – Trước hết Cha chào các con và Cha xin cám ơn các con về chuyến thăm nồng ấm này. Khoảng cách đã được giảm vì không những Cha được nhìn khuôn mặt các con mà còn nghe câu chuyện của các bạn cùng thuê nhà với các con được kể ở đây. Ông giám đốc Pierre Durieux đã nói về các “vùng ngoại vi hiện sinh”. Và các vùng ngoại vi hiện sinh là trọng tâm trái tim của Chúa. Chúa Giêsu muốn đến các vùng ngoại vi hiện sinh của chúng ta. Chính Ngài xuống thế đã trở nên một ngoại vi hiện sinh. Cha cám ơn các con về cuộc gặp này và bây giờ chúng ta bắt đầu nói chuyện.
Trọng kính Đức Thánh Cha, chúng con rất đông với Cha trong hội thảo-video này. Với hơn 40 máy camera từ Pháp, Bỉ, Tây Ban Nha, Mêhicô và Thụy Sĩ. Chúng con có một vài câu hỏi muốn hỏi cha. Bạn Roland ở thành phố Lille, nước Pháp sẽ hỏi Cha đầu tiên.
Câu hỏi thứ 1:
Roland – Con xin chào Cha, con xin hỏi thăm sức khỏe cha?
(Đức Phanxicô trả lời bằng tiếng Pháp) Rất khỏe, còn con? (mọi người vỗ tay). Sau đó Đức Phanxicô trả lời bằng tiếng Tây Ban Nha, Cha xin cám ơn, cám ơn rất nhiều.
Câu hỏi thứ 2:
Domitille và Timothée ở Nantes , nước Pháp – Trọng kính Đức Thánh Cha, con xin chào Cha và con xin thay mặt các bạn ở Nantes cám ơn Cha rất nhiều. Tên hiệp hội của con lấy cảm hứng từ dụ ngôn người nghèo Ladarô và người giàu mà Chúa Giêsu giải thích. Với cha, Ladarô là biểu hiệu gì?
Đức Phanxicô – Trong dụ ngôn Chúa Giêsu nói về Ladarô, ông là người duy nhất có tên. Tổ phụ Áp-ra-ham cũng có tên. Nhưng những người khác không có tên, chỉ là tính từ: người giàu, những người đi dự tiệc, những người không có gì… Tất cả đều là tính từ. Con chó, chúng ta cũng không biết tên. Như thế toàn những người không có tên. Tên duy nhất là Ladarô. Theo cha, Ladarô là của dâng. Của dâng của nhân loại, của những gì là tốt nhất, nhận thức có những giới hạn. Và một trong các giới hạn đó là sự khinh bỉ, sự nghèo khó, bị gạt ra bên lề. Chính vì vậy Ladarô đối với cha có nghĩa là một người có khả năng nhận được một tên. Cha tự hỏi: Ladarô ở đâu trong tôi, người mà tôi mang trong mình, có đích thực không? Đó là việc đi tìm tên riêng của mình trong giới hạn. Và thật kỳ lạ, thường thường khi chúng ta ở trong giới hạn, ở vùng ngoại vi – cứ cho là như vậy – thì chúng ta có thể tìm được tên thật của mình. Và đó là những gì Ladarô có ý nghĩa với cha.
Câu hỏi thứ 3:
Cô Angela ở Bỉ.
Angela – Con xin chào Cha, nếu ngày mai Cha muốn đến ở nhà Ladarô. Cha sẽ nấu món gì cho các bạn của Cha?
Đức Phanxicô – Cha sẽ nấu món súp đậu “minestra di ceci.”
Phẩm giá là gì?
Sống như con của Chúa
Đức Phanxicô nói với các thành viên Nhóm Ladarô: “Nhân phẩm… là cách sống trước mặt Chúa và với người khác. Đó có nghĩa là ý thức về thực tại, khiêm nhường và nhu cầu của người khác… Sống với phẩm giá của giàu có, của khó nghèo, của đời sống lâu dài, đời sống ngắn ngủi, với sức khỏe hay bệnh tật. Nhưng hãy sống như con của Chúa.”
Sau các câu hỏi 1, 2 và 3, chúng tôi tiếp tục với câu hỏi thứ 4, Đức Phanxicô cho biết: “Khi vào buổi tối, cha nhận ra cha đã cư xử xấu, cha xấu hổ. Và xấu hổ là một ơn mà chúng ta phải xin.”
Câu hỏi thứ 4:
Anh Alexis ở thành phố Toulouse, Pháp:
“Làm sao có thể sống đúng phẩm giá khi mình bị tàn tật tinh thần, không mang lại cho người khác những gì họ muốn, chẳng hạn muốn làm việc nhưng khả năng tập trung lại quá yếu, nhận thức về thực tế quá thiên lệch, thể xác yếu khó làm việc mà không bị thương…v.v.? Có phải yếu và bệnh tự chính nó như một ơn gọi không?”
Có hai chữ trong câu hỏi của con làm cha xúc động: chữ đầu tiên, bệnh tật – bệnh tâm thần hoặc bệnh thể chất ngăn không cho mình làm việc như người khác mong muốn. Chữ thứ nhì: phẩm giá. Phẩm giá là chìa khóa để sống tốt, dù chúng ta có bệnh hay không. Con có thể có đầy đủ sức khỏe, con là nhà chơi thể thao giỏi nhất, có sức khỏe bằng sắt, nhưng con không có phẩm giá thì con cũng chẳng có giá trị gì. Nhân phẩm là chìa khóa để sống trong mọi hoàn cảnh nào của thể chất: dù mình khỏe mạnh hay bệnh tật. Bản thân cha, tối đến, cha làm phút hồi tâm, cha cầu nguyện xem những gì đã xảy ra trong ngày của mình, cha đã sống ngày hôm nay như thế nào. Có một câu hỏi luôn đến với cha: mình có sống xứng đáng không? Với phẩm giá không?
Chữ thứ nhì: phẩm giá, thế nào là phẩm giá? Có phải phẩm giá là ăn mặc lịch sự không? Có địa vị xã hội cao không? Có bằng đại học không? Có nhiều tiền không? Có một địa vị quan trọng trong xã hội chính trị không? Những điều này có phải là phẩm giá không? Không! Tất cả những người này có thể họ xứng đáng, họ có thể có nhân phẩm. Nhưng họ không nhất thiết xứng đáng với những gì họ làm. Để nói một cách đơn giản, nhân phẩm là một cách sống trước mặt Chúa và trước mặt người khác. Và khi chúng ta nói đến nhân phẩm, có nghĩa là ý thức thực tế các sự việc, khiêm nhường, cần đến người khác: sống phẩm giá là sống với ơn của mình, ơn mà chúng ta nhận được. Và ơn này, đó là ơn con Chúa. Sống với phẩm giá của giàu có, của khó nghèo, của đời sống lâu dài, đời sống ngắn ngủi, với sức khỏe hay bệnh tật. Nhưng hãy sống như con của Chúa. Với tất cả sức mạnh nội tâm Chúa ban để mình là con Chúa. Nhưng cũng với lòng khiêm tốn để biết mình không phải là cha của Chúa. Dường như theo cha, phải trả lời câu hỏi của con dưới khía cạnh: “Làm thế nào để sống dù mình bệnh tật?”, vậy nên trả lời dưới khía cạnh những gì mang lại ý nghĩa cho tất cả mọi sự: ơn của nhân phẩm. Khi vào buổi tối, cha nhận ra cha đã cư xử xấu, cha xấu hổ. Và xấu hổ là một ơn mà chúng ta phải xin. Ở nước Argentina của cha, người ta nói một người không quan tâm đến gì là người không biết “xấu hổ”. Ơn xấu hổ là ơn như Thánh Phêrô cảm nhận vào ngày Thứ Năm Tuần Thánh, sau khi chối Chúa ba lần và bắt gặp ánh mắt của Chúa. Tin Mừng nói ông ra ngoài khóc lóc thảm thiết. Thiếu nhân phẩm, xấu hổ và những giọt nước mắt nóng hổi. Xấu hổ và nước mắt mang lại ơn Chúa.
Đôi khi phải để cả một đời để tha thứ
Câu hỏi thứ 5: Tha thứ,
Félicie ở Vaumoise – Trọng kính Đức Thánh Cha, con xin chào Cha và con cám ơn Đức Thánh Cha nhiều. Chúng con có một bạn cùng thuê nhà đã trải qua nhiều năm sống khó khăn. Anh mất lòng tin vào Chúa và vào con người. Làm sao anh có thể giữ hy vọng và có thể tha thứ được?
Đức Phanxicô: Cha bắt đầu ở đoạn cuối: tha thứ. Tha thứ là một chuyện rất khó. Cha đã 83 tuổi mà nhiều khi cha vẫn thấy khó tha thứ cho một số chuyện. Cha xin Chúa ban cho cha ơn để cha có thể tha thứ. Cha xin nói với các con một khiếm khuyết về khả năng xây dựng: khả năng tha thứ. Bởi vì hận thù, cay đắng, việc không thể tha thứ là một cái gì rất dồi dào. Nhưng sự dồi dào này không tốt! Một sự dồi dào không sinh ích cho các con. nhưng đáng tiếc, chúng ta lại sống lâu ngày trong giới hạn này cho đến ngày tâm hồn chúng ta thay đổi. Điều này giúp chúng ta suy nghĩ về tất cả những lần chúng ta đã được tha thứ. Cha nghĩ đến, “người khác đã tha thứ cho mình, Chúa đã tha thứ cho mình chuyện này chuyện kia, xã hội đã tha thứ cho mình; như thế mình phải tha thứ!” Lý luận này giúp cha rất nhiều. Nhưng đó là ý tưởng phải thấm dần trong tâm thức như cơn mưa thầm lặng nhẹ giọt thấm vào đất. Và đôi khi phải để cả một đời để tha thứ.
Đó là lý do tại sao điều quan trọng là đi trên con đường tha thứ. Có nghĩa là đi trên con đường tin rằng mình đã được tha thứ. Và để đi trên con đường này, chúng ta phải xin ơn có thể tha thứ. Khi chúng ta đọc Kinh Lạy Cha, chúng ta đọc: “Và tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con.” Như tấm vé khứ hồi. Tha để được tha. Tôi đã được tha, lòng tôi tràn ngập niềm vui, và làm cho tôi tha thứ. Và đôi khi phải để cả đời để tha thứ. Đó là con đường khiêm nhường và lặng lẽ nhưng đó là con đường chữa lành tâm hồn. Đây là những gì cha nói với các con về tha thứ.
Cha xin đi ra khỏi câu hỏi. Cha có ba chữ kỳ diệu vừa đến trong đầu cha. Khi các cặp vợ chồng trẻ đến đây gặp cha, họ hỏi cha: “Làm thế nào chúng con có thể sống được đời sống vợ chồng? Cha trả lời cho họ: “Chà, có ba câu kỳ diệu mà anh chị phải nói và phải sống mỗi ngày: câu thứ nhất, xin vui lòng, tôi có thể làm được không? Câu thứ nhì: cám ơn. Câu thứ ba: xin lỗi.
Câu thứ nhất: xin phép để không xâm lấn quá trong đời sống vợ chồng. Câu thứ nhì – cám ơn – vì lòng biết ơn mở tâm hồn của hai vợ chồng. Sẵn cha nói với các con, trong cuộc sống có những người không biết nói cám ơn. Và câu thứ ba: xin lỗi về một chuyện mình đã làm không đúng, vì mình cư xử không tốt, vì đã gây nhau. Tất cả đều nói với cha: “Câu thứ ba là khó nhất”. Thỉnh thoảng cha hỏi họ: “Vì sao lại khó?” “Bởi vì bây giờ không thể nào không có gây gổ!” Nhưng cha nói với họ: “Gây gổ là chuyện bình thường trong hôn nhân. Và cũng bình thường nếu gây nhau mãnh liệt. Đôi khi chén đĩa có thể bay, cũng là chuyện bình thường. Nhưng với một điều kiện: mình làm hòa trước khi đêm về. Điều này có nghĩa: xin tha thứ. ‘Nhưng thưa Cha, chúng con xấu hổ khi xin tha thứ. Con không biết làm sao làm!’ Các con làm mà không cần phải nói, một vuốt ve và như vậy là đủ! Quan trọng là phải làm hòa trước khi đi ngủ vì Chiến tranh Lạnh ngày hôm sau sẽ rất nguy hiểm.
“Đó là vì sao xin lỗi là khó khăn”, họ nói.
Nhưng có một điều kiện khác, khi các con cãi nhau, đừng cãi nhau trước mặt con cái! Các con không hình dung được tâm trạng lo âu của một em bé khi thấy cha mẹ cãi nhau. có một phim ngày xưa của Ý của đạio diễn Vittorio de Sica có tên là “Trẻ con săn sóc cha mẹ” (I bambini ci guardano) nhưng cha đi ngoài đề rồi. Bây giờ chúng ta trở lại với tha thứ. Tha thứ là con đường của cả một đời. Cha đã nói nhiều rồi.
Sống theo tinh thần Tin Mừng. Làm chứng
Lời mời gọi của Đức Phanxicô với Nhóm Ladarô: “Sống theo tinh thần Tin Mừng. Làm chứng”
Câu hỏi thứ 6:
Marie-Germain, thành phố Lyon, nước Pháp – Con xin chào Cha. Chúng con ở Lyon, chúng con có ba câu hỏi. Câu hỏi đầu tiên là lời xin chữa lành của Christine. Khi chúng con sống ở Nhà Ladarô, làm sao để chúng con có hạnh phúc? Xin Cha cho chúng con lời khuyên để thực sự là chứng nhân đích thực của Chúa Giêsu ở thời buổi năm 2020 hiện nay?
Đức Phanxicô – Câu hỏi đầu tiên, cha nghĩ cha đã nói về ba chữ kỳ diệu, ba chữ này có thể dùng làm lời khuyên. Quan trọng là khi trao đổi ý tưởng, phải có tinh thần tôn trọng, không hung hăng. Cha xin trả lời câu hỏi thứ nhì của con: làm sao để là chứng nhân của Chúa Giêsu ở thế kỷ 21 này? Tất cả được nói lên trong từ ngữ: làm chứng.
Đời sống kitô hữu phải là đời sống chứng nhân. Sống với Tin Mừng trong tay và trong tâm hồn. Một lần nọ, trong Ngày Thế Giới Trẻ ở Krakow, Ba Lan, trong khi ăn với mười lăm bạn trẻ trên thế giới, có một anh sinh viên hỏi cha: “Con có các bạn ở trường đại học. Con phải nói với họ gì để họ tin ở Chúa Giêsu? “Cha trả lời: “Việc cuối cùng con làm là con nói một cái gì. Phải sống theo tinh thần Tin Mừng. Làm chứng. Khi đó người ta sẽ hỏi con: ‘Vì sao bạn sống như vậy?’ Lúc đó con mới bắt đầu nói cái gì. Chính vì vậy chữ ‘chứng nhân’, ‘làm chứng’ rất quan trọng. Vì Giáo hội không lớn lên bằng chiêu dụ, nhưng bằng làm chứng. Và đó là lời của Đức Bênêđictô XVI. Sống với Tin Mừng trong lòng và trên bàn tay. Cách đây vài ngày, thông báo về việc phong thánh của chân phước Charles de Foucauld đã được loan. Người quân nhân đã chiến đấu ở Bắc Phi, đã gặp Chúa Giêsu, đã sống cuộc đời còn lại của mình theo tinh thần Tin Mừng. Làm chứng là hành vi cao cả.”
Hoặc con thuộc về Chúa, hoặc con thuộc về của cải tiền bạc
“Nếu ai thuộc về của cải tiền bạc thì họ sẽ xa Chúa”
“Hoặc con thuộc về Chúa, hoặc con thuộc về của cải tiền bạc”: đó là câu mở đầu suy tư của Đức Phanxicô với các bạn cùng thuê phòng của Nhóm Ladarô, họ đặt cho ngài câu hỏi về “sự giàu có” trong Giáo hội.
Câu hỏi thứ 7:
François, ở Valence – Vì sao Giáo hội giàu như vậy trong khi có rất nhiều người nghèo trên thế giới?
Đức Phanxicô – Vì sao Giáo hội giàu? Một câu hỏi hay. Cám dỗ của tất cả tín hữu kitô – cha muốn nói cám dỗ cơ bản là cám dỗ giàu có. Có một chuyện làm cha nghĩ đến điều này: trong Tin Mừng, Chúa Giêsu chỉ nói về hai bậc thống trị: Chúa và tiền. Và Ngài nói: hoặc con thuộc về Chúa, hoặc con thuộc về tiền bạc. Theo một cách chung, chúng ta có thể nói ai thuộc về của cải tiền bạc thì người đó xa Chúa vì lòng của họ ở đó. Và ai càng gần Chúa thì họ càng nghèo. Đó là vào thời gian đầu.
Câu hỏi của con nói về “Giáo hội”. “Giáo hội” là một chữ quá chung chung. Chúng ta có thể nói Giáo hội và nghĩ đến các ngôi đền thờ lớn. Cha biết gì nào? Như nhà thờ chính tòa Strasbourg chẳng hạn. Đó là ngôi đền thờ rất nguy nga, rất giàu. Nhưng đó là nơi chúng ta cử hành các buổi lễ, đó không phải là Giáo hội. Khi chúng ta nói đến Giáo hội, chúng ta nói đến giáo dân. Và ở đó chúng ta có thể nói đến hai “hai bậc thống trị” mà cha đã nói ở trên. Có giáo dân lòng trí chỉ nghĩ đến tiền bạc và có giáo dân lòng trí nghĩ đến Chúa. Cũng có các giáo dân kiếm rất nhiều tiền, thừa hưởng của cải rất nhiều nhưng lòng trí họ không bám vào của cải. Họ quản lý của cải theo Tin Mừng, với quả tim của người tín hữu.
(Đức Phanxicô nói với cô thông dịch)
Con muốn một ly nước?
Dạ! Con xin cám ơn!
(Đức Phanxicô nói với các thành viên Zoom)
Xin cho một ít nước.
Cô cần uống một chút nước.
Còn các bạn Mêhicô nữa.
Các bạn Mêhicô?! Họ hát bài hát Mariachi!
Như thế, có những đền thờ giàu có về nghệ thuật, có các giáo dân có thể giàu hay nghèo, nhưng họ có trái tim khó nghèo, và có một cấp bậc thứ ba là các giáo sĩ. Dù giáo hoàng, giám mục, linh mục, tu sĩ nam nữ, khi một trong các người này giàu thì đó là chuyện bê bối cho Giáo hội. Những người được gọi theo sát Chúa Giêsu phải là những người ở xa tất cả mọi giàu có. Với một tâm hồn khó nghèo. Nếu họ quản trị của cải thì đó là để phục vụ cho người khác, cho Giáo hội chứ không phải cho chính họ. Đức tính cao cả mà cha mong mọi người, bắt đầu từ giáo hoàng, các hồng y, các giám mục, các linh mục, các tu sĩ nam nữ là đức tính khó nghèo.
Thánh I-Nhã đã nói, trong hàng tu sĩ, đức tính khó nghèo là mẹ và là tường thành của sự sống. Vì sao đức tính khó nghèo là mẹ? Vì đức tính khó nghèo sinh ra lòng độ lượng, ơn trao hiến bản thân mình cho người khác, sống cho người khác, ca ngợi Chúa, đó là lý do tại sao đức tính khó nghèo là mẹ. Đức tính khó nghèo là tường thành bảo vệ cuộc sống là để chống chúa tể của thế giới là sự giàu có. Và nếu ai thấy một tu sĩ giàu có thì trước hết hãy cầu nguyện cho họ, sau đó, nếu có thể thì nói với họ. Đó là những gì cha có thể nói với con về câu hỏi rắc rối, vì sao Giáo hội lại giàu? Câu hỏi này cha cũng đã được một nhóm nhiều tu sĩ đặt ra. Cha đã trả lời với họ: “Chúa nhân lành, vì nếu một trong các tổ chức của quý vị quá giàu, Ngài gởi đến cho quý vị một người quản lý vô dụng thì sẽ dẫn tổ chức của quý vị đến chỗ phá sản.”
Nhóm Ladarô ở Vatican?
Đức Phanxicô đặt câu hỏi cho Nhóm Ladarô để trả lời cho câu hỏi của Nhóm hỏi Ngài xem Nhóm có thể thuê nhà chung ở Vatican được không: “Đâu là phẩm chất của lòng độ lượng của tôi, để đáp trả với lòng độ lượng và tình yêu mà tôi nhận được?”
Đây là câu trả lời của Đức Phanxicô cho các câu hỏi 8, 9, 10 của Nhóm.
Sau “lời cầu nguyện Ladarô”, Đức Phanxicô đã ban phép lành cho Nhóm và tất cả các bạn tham dự hội thảo-video, Ngài xin họ cầu nguyện cho ngài.
Câu hỏi thứ 8:
Régine, ở Angers – Cha có sẵn sàng cho phép mở một nhà Ladarô ở Vatican không?
Đức Phanxicô – Có rất nhiều chỗ ở đây. Có rất nhiều người sẽ sống ở đây trong Nhà Ladarô. Chúng ta thiếu cái gì? Mong cho Giáo hoàng có can đảm! Còn cha, cha cầu nguyện để cha có can đảm!
Câu hỏi thứ 9:
Pepa, ở Madrid – Đáng lý cuối tuần này tất cả chúng con có mặt ở đây. Chúng con 200 người muốn trở lại đây năm 2021. Cha có tiếp chúng con không?
Đức Phanxicô – Tất nhiên! Tât nhiên rồi, cha sẽ rất vui! Với một điều kiện: các bạn Mêhicô hát đúng hơn!
Trọng kính Đức Thánh Cha, chúng con còn một câu hỏi thứ 10. Còn cha, cha có đặt cho Nhóm Ladarô câu hỏi nào không?
Đức Phanxicô – Một câu hỏi mà mỗi người chúng ta phải đặt trong chính tâm hồn mình. Các con không cần phải nói các con từ đâu đến. Ai trong các con cũng đã trải nghiệm cuộc sống của mình ở vùng ngoại vi. Và bây giờ chúng con có kinh nghiệm sống nhóm, trong nhà Ladarô. Câu hỏi của cha là: Đâu là phẩm chất lòng độ lượng của tôi, đối với các nhà Ladarô, đối với ngôi nhà Ladarô của tôi, đối với tất cả các bạn trong nhà Ladarô? Tình yêu được đáp lại bằng tình yêu. Đây là câu hỏi cha đặt cho chúng con: Đâu là phẩm chất lòng độ lượng của tôi, tình yêu của tôi, để đáp trả với lòng độ lượng và với tình yêu mà tôi nhận được?
Lời cầu nguyện Ladarô
Lạy Chúa, chúng con tôn thờ Chúa,
Chúa hiện diện trong Nhà Tạm cùng với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần
Trong ngôi nhà duy nhất Chúa chuẩn bị cho chúng con một chỗ.
Lạy Chúa, chúng con muốn làm một ngôi nhà đẹp ở đây, cùng với các cuộc đời gập ghềnh của chúng con.
Xin Chúa chỉ cho chúng con thấy, các khác biệt trong gia đình là một ơn, cho chúng con thấy dấu chỉ tình yêu của Chúa,
Lạy Chúa, chúng con xin cám ơn các bạn cùng ở với chúng con đã dạy cho chúng con biết lắng nghe Chúa, qua lắng nghe họ,
Nhìn Chúa khi nhìn họ,
Yêu Chúa khi yêu họ,
Xin Chúa dạy cho chúng con biết đốt lửa bác ái giữa chúng con,
Để xin tha thứ và tha thứ.
Lạy Chúa, chúng con là các môn đệ bất toàn,
Nhưng chúng con quyết định vun trồng niềm vui và đi ra khỏi các nấm mồ của chúng con.
Chúng con muốn nhận từ các bạn ở chung nhà với chúng con sự Phục sinh và Sự sống.
Lạy Chúa, xin xin ban cho chúng con ơn truyền giáo,
Qua tình bạn, và qua đời sống chung của chúng con.
Lạy Chúa, chúng con không được gọi để thành công, nhưng được gọi để là người tín hữu trung thành.
Hôm nay chúng con muốn trung thành với Chúa, Chúa là người bạn cùng phòng nội tâm của chúng con.
Amen!
Đức Phanxicô ban phép lành
Xin Chúa ban phép lành cho tất cả chúng con, Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. Amen.
Xin các con cầu nguyện cho cha, cha rất cần, công việc này không phải dễ!
Marta An Nguyễn dịch
Hết