Cái nhìn của bác sĩ Boris Cyrulnik về tác hại của việc cách ly lâu dài

277

Cái nhìn của bác sĩ Boris Cyrulnik về tác hại của việc cách ly lâu dài

franceinter.fr, Claire Servajean, 2020-04-27

Bác sĩ tâm thần Boris Cyrulnik, chuyên về thần kinh trả lời phỏng vấn trên kênh Franceinter về đại dịch Covid-19 và biện pháp cách ly đã làm xáo trộn đời sống chúng ta ở cả lãnh vực cá nhân cũng như tập thể.

Claire Servajean: Việc cách ly này tuyệt đối không tự nhiên. Bác sĩ có cho rằng tâm lý bị gây hấn không?

Boris Cyrulnik: Đây là một hình thức tấn công tâm lý và thần kinh. Chúng ta không sinh ra để sống một mình. Đôi khi chúng ta có thể xa lánh xã hội để nghỉ ngơi khi bị kích thích. Nhưng đây không phải là cách ly.

Nhốt mình là khép mình, là bị tù… Khi cưỡng bức ai đó phải cô lập mà họ không muốn thì sẽ hạn chế kích thích não bộ. Nếu chuyện này kéo dài lâu thì sẽ tạo lo âu và mất thăng bằng tâm lý. Và quá lâu não bộ sẽ bị thay đổi.

Có những thay đổi nào trong não bộ chúng ta liên quan đến cách ly không?

Nếu không có tương tác với “người khác”, não sẽ tắt. Bây giờ chúng ta có thể thấy trong các bức scan thần kinh.

Ngược lại, khi cách ly nhiều người trong một căn phòng nhỏ thì sẽ có một sự kích thích quá mức và chúng ta không thể xử lý tất cả thông tin. Nhịp sống tự nhiên hoàn toàn bị phá vỡ. Trong cả hai trường hợp, ở một mình hay ở đông người trong căn phòng nhỏ đều không tốt.

Như thế cách ly đóng một vai trò trên cách ứng xử là chuyện bình thường?

Đúng, ứng xử là cách chúng ta diễn tả cảm xúc. Nếu chúng ta không học cách kiểm soát chúng khi còn nhỏ, chúng ta sẽ bị bùng nổ. Đó là điều chúng ta thấy có sự gia tăng các lạm dụng trong gia đình và hôn nhân hiện nay.

Về mặt tâm lý, chúng ta không bằng nhau. có phải vì vậy mà một số người sống cách ly tốt hơn người khác không?

Chúng ta không bằng nhau vì có những người ở trong các căn nhà lớn, họ ít bị đau khổ hơn những người ở trong căn phòng nhỏ. Nhưng nhất là trước khi cách ly, một số người đã có các yếu tố bảo vệ: gia đình ổn định, an toàn, có khả năng ngôn ngữ diễn đạt tốt, có bằng cấp giúp họ có một nghề tốt vì thế họ có căn hộ khá lớn… Những người này ít đau khổ. Và khi hết cách ly, họ sẽ tiếp tục phát triển tốt. Đó là định nghĩa của khả năng bền va.

Ngược lại những người đã có đời sống bấp bênh trước cách ly (gia đình đối xử tệ với nhau, bệnh tật liên miên, đời sống xã hội bất an, không có bằng cấp, khả năng diễn đạt kém, nghề nghiệp không ổn định, vì thế họ chỉ có căn hộ nhỏ…), những người này sẽ khổ nhiều hơn khi cách ly. Khi hết cách ly, chấn thương do cách ly sẽ làm cho họ khó bắt đầu tiến trình phục hồi.

Bác sĩ khuyên gì cho những người bắt đầu thấy thời gian dài?

Mọi người đều thấy thời gian cách ly dài. Chúng ta thử tìm nguồn trợ lực nơi tận tâm hồn mỗi người và chung quanh mình. Ai đã bỏ âm nhạc thì tìm về âm nhạc. Và đầu ngày cũng nên lên chương trình, viết một giờ, sau đó nghe nhạc rồi điện thoại thăm bạn bè.

Nhưng cũng ngược đời, trước đây chúng ta thường hay than không có giờ. Bây giờ thì lại có quá nhiều…

Nhịp điệu là một phần của cuộc sống. Có ngày có đêm, có nước triều lên nước triều xuống… Cây nở ra rồi khép lại, động vật ngủ rồi dậy. Và nhịp sống của chúng ta bị mất thăng bằng vì cách ly.

Trong những năm 1960, nhà nghiên cứu hang động Antoine Spire tự cô lập trong các hang động sâu, cắt đứt với nhịp sống thường nhật. Sau vài ngày nhịp sống của ông bị xáo trộn. Ông sống 25, 26 giờ một ngày thay vì 24.

Khi chúng ta cô lập quá lâu, giống như các quân nhân bị tra tấn trong chiến tranh Việt Nam, rồi thì chúng ta luôn bị lo âu, thậm chí còn bị ảo giác. Và nếu nó kéo dài quá lâu, tất cả chúng ta đều bị.

Trẻ em

Trẻ em thích ứng tốt hơn với cách ly không?

Có, trẻ em dễ bị tổn thương nhưng cũng dễ phục hồi. Sự sôi bỏng của tế bào thần kinh ở tuổi trẻ con rất dữ dội và một chấn thương sẽ nhanh chóng được an toàn. Dù không phải lúc nào cũng dễ cho cha mẹ, trẻ con luôn sinh động và chúng năng động là dấu hiệu tốt. Nhân dịp này, trẻ con sẽ mong muốn trở lại trường, mong gặp bạn bè.

Một kinh nghiệm như vậy sẽ để lại dấu ấn nơi trẻ con không?

Khi cách ly, dấu ấn chỉ để lại trong đầu trẻ con khi chúng bị ngược đãi hoặc bị cách ly quá lâu.

Nhưng trí nhớ là một cái gì khác. Ký ức có ý thức tùy thuộc vào ký ức tập thể. Nếu chúng ta không nói về sự kiện này, nhiều em sẽ quên. Nhưng nếu chúng ta nói với các em, chúng sẽ nhớ những gì chúng đã được nghe: nếu chúng ta tỏ ra lo âu kinh hoàng thì chúng sẽ nhớ sự khủng khiếp này trong ký ức.

Giải pháp duy nhất là nói với chúng có một mối nguy hiểm, nhưng cũng cho chúng biết làm sao để vượt lên – tôn trọng các biện pháp ngăn chặn. Nếu chúng ta lên cho các em một chương trình, chúng sẽ vượt qua thử thách.

Người lớn tuổi …

Cách ly thì rất khó cho người lớn tuổi. Họ có thể chết trong cô đơn. Chúng ta gọi đó là hội chứng trượt. Người ta nói đây là cái chết tự nhiên, nhưng thật sự là cái chết do thiếu thốn tình cảm.

Chúng ta có thể bù đắp cho sự cô đơn này bằng cách giao tiếp qua Skype. Có còn hơn không, nhưng vẫn thiếu phần giao tiếp bằng cảm giác: nghe, nhìn, thấy trẻ em đang vui đùa…

Bác sĩ nghĩ gì về kinh nghiệm của các nhà hưu dưỡng mà nhân viên cùng cách ly với bệnh nhân?

Đó là một kinh nghiệm tuyệt vời, tôi thán phục! Tôi tin chắc các người lớn tuổi ở đó sẽ rất vui với sự hiện diện này và nhân viên sẽ tự hào rất lâu qua kinh nghiệm này. Họ thật can đảm. Trong các tình huống thảm thương, người ta thường nói nhiều đến những người lạm dụng để ăn cắp, để lừa bịp nhưng luôn có những người can đảm.

Anh hùng… và những người khác

Vì sao trong tình huống như chúng ta đang trải qua hiện nay, một số người lại vị tha nhưng có một số khác lại sống ích kỷ?

Trong tình huống này, luôn có những người đến giúp người bị tổn thương, bị đói. Nhưng cũng luôn có một thiểu số lợi dụng để khai thác người bất hạnh. Trong thời chiến tranh 1940 cũng vậy, trong các sự kiện nhỏ hàng ngày cũng vậy. Cách đây vài năm xa lộ Lyon-Marseille bị kẹt vì tuyết, nhiều người đem cuốc xẻng, áo quần ấm đến giúp, nhưng cũng có người đem nước đến bán với giá cắt cổ.

Marta An Nguyễn dịch

Bài đọc thêm: Thay đổi hệ thống kinh tế: bài học của giáo sư Cyrulnik
Các suy tư của giáo sư bác sĩ Boris Cyrulnik về dỡ bỏ cách ly