Home Covid Vatican chuẩn bị cho hậu quả tài chính của cuộc khủng hoảng...
cath.ch, 2020-05-11
Theo ước tính của nhà báo Andrea Gagliarducci của hãng tin công giáo ACI Stampa thì với cuộc khủng hoảng sức khỏe hiện tại, Vatican có thể mất thu nhập khoảng 25 triệu âu kim. Theo nguồn tin thân cận Tòa Thánh, một cuộc họp liên bộ đã được Đức Phanxicô triệu tập vào ngày 4 tháng 5 năm 2020 để giải quyết vấn đề này.
Ngày 22 tháng 4 vừa qua, Đức Hồng Y Quốc vụ khanh Pietro Parolin tuyên bố “giai đoạn 2” (tên được đặt cho việc dỡ bỏ cách ly ở Ý và ở Vatican) sẽ liên quan đến việc “tái hoạt động dần dần các dịch vụ thông thường. Nhu cầu phục hồi kinh tế giải thích cụ thể bằng nhu cầu tài chính để đáp ứng với các tổn thất do các biện pháp ngăn chặn ở quốc gia nhỏ nhất thế giới này”.
Các biện pháp hạn chế chi tiêu
Ngày 4 tháng 5, Đức Phanxicô đã chủ trì cuộc họp quy tụ tất cả các người đứng đầu các bộ và các cơ quan phụ thuộc của Tòa Thánh và Thành đô Vatican để giải quyết vấn đề tài chính do những mất mát này gây ra cho Vatican.
Theo nguồn tin của I. Media, các mất mát do đại dịch gây ra khoảng 30 triệu âu kim. Về phần mình, nhà báo Ý Andrea Gagliarducci ước lượng khoảng 25 triệu âu kim.
Dù là số tiền nào, các mất mát này đã làm cho Tòa Thánh phải có biện pháp hạn chế chi phí. Thông qua một thông tư hành chính được công bố ngày 17 tháng 4 và được gửi đến các ban bộ, ban quản trị dự trù hủy tất cả các chuyến công tác, bỏ các sự kiện tổ chức trong năm 2020 đòi hỏi một chuyến đi. Kế hoạch này cũng ngưng các việc cổ động và tuyển nhân viên, đình chỉ các hợp đồng có thời hạn và cắt giảm “triệt để” các chi tiêu trong việc tư vấn và tham khảo.
Ba “lỗ hổng” trong các tài khoản của Vatican
Lý do của các biện pháp này là Vatican mất ba nguồn thu nhập chính, bắt đầu bằng nguồn thu nhập chính là các Viện bảo tàng đã đóng cửa kể từ ngày 8 tháng 3. Theo nhà báo Andrea Gagliarducci, sự thiếu hụt này ước tính vào khoảng 17 triệu euro, từ 57% đến 68% tổng thiệt hại. Vào ngày 9 tháng 5, Tổng thư ký của Chính quyền Nhà nước Thành đô Vatican, Đức ông Fernando Vérgez Alpaga đã tuyên bố việc mở lại Bảo tàng, nhưng chưa ấn định ngày.
Một nguồn thu nhập khác bị giảm: trong nỗ lực đoàn kết đưa ra ngày 21 tháng 4, Vatican giảm đến hai phần ba giá thuê nhà cho các cơ sở thương mại và cho các cá nhân ở Rôma bị mất thu nhập vì khủng hoảng sức khỏe.
Và cuối cùng là Tòa Thánh dời ngày thu Quỹ Thánh Phêrô hàng năm vào ngày 29 tháng 6 đến ngày 4 tháng 10. Phần thu nhập này khoảng 71 triệu âu kim trong năm 2013, lần cuối số tiền được công khai công bố.
Một thách thức tài chính lớn
Đồng thời, Tòa Thánh quyết định tiếp tục trả lương cho 3.000 nhân viên của mình. Ngoài ra Vatican đã tăng chi tiêu trong các lãnh vực tương trợ, mua các thiết bị y tế đắt tiền cho nhiều bệnh viện ở Ý, Châu Âu và Trung Đông vào tháng 3 và tháng 4.
Tòa Thánh cũng đứng sau việc thành lập một quỹ đoàn kết cho các Giáo hội Cận Đông vào ngày 18 tháng 4 và một quỹ khẩn cấp cho các quốc gia miền Nam vào ngày 6 tháng 4. Đức Phanxicô đã trả 750.000 đô la tiền cá nhân của ngài trong việc này.
Lương hướng được nhường để giúp người nghèo
Cuối cùng là việc giảm thu nhập của Ngân hàng Vatican (IOR) từ 86 triệu năm 2012 xuống còn 17,5 triệu năm 2018. Ngoài ra, 250 giám chức cao cấp và các giám chức khác của Giáo triều đã theo yêu cầu của Đức Phanxicô nhường lương của mình hoặc đóng một số tiền lớn của họ cho Cơ quan Từ thiện của Đức Giáo hoàng để giúp người nghèo.
Trong cuộc phỏng vấn ngày 9 tháng 4, Đức Hồng y Reinhard Marx, điều phối viên của Hội đồng Kinh tế và là Tổng Giám mục giáo phận Munich và Freising cho biết: “Coronavirus là thách thức tài chính lớn đối với Vatican và Giáo hội Đức.” Tuy nhiên, ngài lạc quan và loại bỏ mọi nguy cơ “phá sản”.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Thích điều này:
Thích Đang tải...