Xin anh chị em đừng sợ

278

Xin anh chị em đừng sợ

vaticannews.va/fr, Linh mục Dòng Tên Federico Lombardi, 2020-05-09

Bài thứ tám trong loạt bài “Cái nhìn về cuộc khủng hoảng” của linh mục Federico Lombardi để có một cái nhìn về hậu-đại dịch: thế giới đầy những chuyện tốt đẹp. Đó là nhiệm vụ chúng ta phải nhận ra và làm cho chúng được biết đến vì đó là những chuyện mở một con đường và hướng mắt nhìn lên cao.

“Các con đừng sợ! Vì Ta sẽ ở với các con!” Đó là  lời được chính Thiên Chúa nói đến nhiều lần trong Kinh Thánh. Đó là lời chính Chúa hoặc được nhân danh Ngài để nói với những người Ngài giao cho họ một sứ vụ đòi hỏi và bất ngờ, qua các con đường vẫn chưa còn biết đến như Chúa gọi ông Môsê trong bụi cây cháy hay Mẹ Maria với Thiên thần. “Xin đừng sợ!” Đó là lời các tiên tri nói với dân bị áp bức, bị lo âu khi họ ở đường cùng ở Biển đỏ, khi chiến xa của người Ai Cập đuổi theo họ. Chúa Giêsu cũng lặp lại lời này nhiều lần, Ngài nói với các môn đệ, các nhóm đi theo Ngài hay những người bị bách hại vì danh Ngài. Với những người này, Chúa Giêsu nhấn mạnh họ không nên sợ trước thế lực của con người, bởi vì thế lực này chỉ có thể lấy đi sự sống thể xác chứ không lấy được tâm hồn của họ và vì trong cơn thử thách, Chúa không bỏ rơi họ.

Câu nói “Xin anh chị em đừng sợ” gần đây là câu Thánh Giáo hoàng Gioan-Phaolô II nói ngay từ đầu triều giáo hoàng của ngài và ngài nói với cả thế giới: “Xin anh chị em đừng sợ!” Xin anh chị em mở cửa ra cho Chúa Kitô!” Trên tất cả, cho tất cả mọi người, đức tin vào Chúa Kitô chính xác là sự giải phóng lớn nhất và triệt để nhất để khỏi sợ hãi.

Đại dịch, dù khi nó được khắc phục vĩnh viễn nhờ vắc-xin hiệu quả, nhưng nó vẫn để lại một nỗi bất an trong lòng chúng ta, chúng ta vẫn còn sợ đại dịch tái phát. Dù với tất cả cố gắng và quyết tâm chận đứng các rủi ro, chúng ta biết vẫn còn các con virus khác hay các lực khác có thể bất ngờ phá hoại sự bình an và an toàn của chúng ta, nó xuất hiện và ở ngoài mọi kiểm soát của chúng ta. An toàn tuyệt đối không có trên trần gian này, lại cũng không thể có được. Và nó cũng sẽ không bao giờ có trong tương lai.

Chắc chắn, chúng ta phải chờ từ khoa học, từ tổ chức xã hội chính trị, nói chung từ lý trí của con người, một sự trợ giúp thiết yếu để tìm sự yên tĩnh cần thiết cho một cuộc sống cá nhân và xã hội “bình thường.” Nhưng chúng ta vẫn phải đi xa hơn, và như thế những câu trả lời này là không đủ.

Chúng ta có thể sống tự do thoát khỏi nỗi sợ hãi triệt để nhất cho bản thân và những người thân yêu, cho tương lai của chúng ta không? Đâu là chìa khóa để sống bình an và từ đó có một cuộc sống thực sự tốt, ngay cả trên trái đất này, bất chấp mọi khó khăn không thể tránh khỏi phát sinh mỗi ngày? Chúng ta nhận thức rõ, mỗi chúng ta đều có nhân cách, cá tính, cuộc đời riêng của mình, những chuyện có ảnh hưởng sâu đậm đến thái độ chúng ta. Có những người lo âu hơn, mong manh hơn nhưng đó không phải là lỗi của họ, có những người tính tình thoải mái tự nhiên, điềm đạm hơn, lạc quan hơn và đó là một ơn. Nhưng Lời Chúa được gởi đến cho tất cả mọi người, lời mời gọi cho mọi người tin tưởng vào một tình yêu có trước chúng ta, nhìn đến và cùng đồng hành với chúng ta.

Ngày nay chúng ta thường có xu hướng không nói về “sự quan phòng” của Chúa. Dường như với chúng ta, chữ này gây nguy hiểm cho sự dấn thân theo tinh thần kitô giáo, làm cho chúng ta thụ động và ít trách nhiệm hơn.

Nhưng đó là cái bẫy. Quên sự quan phòng của Chúa là đánh mất cảm nhận tình yêu của Chúa bao trùm và đồng hành chúng ta, ngay cả khi đôi mắt chúng ta vẫn thường không thể nhận ra nó. Trong Bài giảng trên núi, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta mở mắt – “Hãy xem chim trời, hãy xem  hoa huệ ngoài đồng…” – và đừng để chúng ta hoàn toàn bị cuốn vào các lo âu trước mắt cho sự thoải mái nhất thời của mình. Ngoài chim trời và hoa huệ, hàng ngày chúng ta có thể nhìn nhiều dấu hiệu khác của tình yêu và hy vọng gieo trên đường đi chúng ta, trong các hoàn cảnh và nơi những người chúng ta gặp, qua lời nói và hành động của họ. Mỗi chúng ta xem đó là ân sủng khi gặp những người biết nhận ra những điều này và giúp chúng ta thấy với đôi mắt sâu đậm và với cái nhìn thanh thản. Thế giới đầy những chuyện xấu, nhưng cũng đầy chuyện tốt. Bổn phận chúng ta là nhận ra chúng, và làm cho chúng được biết đến, bởi vì đó là những chuyện hướng dẫn chúng ta đi xa nhất và hướng cái nhìn chúng ta lên cao, nguồn của tình yêu, của hy vọng.

Sau đó, Chúa Giêsu kết thúc lời nói của Ngài về sự quan phòng bằng một lời khuyên rất khôn ngoan: “Ngày nào có cái khổ của ngày ấy.” Chúng ta không được để cho các lo lắng ngày hôm nay, ngày mai và tất cả tương lai trước mắt chồng chất lên chúng ta: chúng sẽ đè bẹp chúng ta. Chúng ta phải nghĩ, mỗi ngày có nỗi lo ngày đó và cũng có ân sủng cho ngày đó.

Chúng ta phải nghĩ mỗi ngày có ân sủng cần thiết cho ngày đó để chịu đựng nỗi lo. Ân sủng cần thiết để tìm nước Chúa và công chính của Ngài ở đời này và ở đời sau. Thánh Têrêxa Avila đã có lời kêu gọi mở tâm hồn để vượt lên mọi trở ngại: “Đừng để gì làm con xao xuyến, làm con hãi sợ. Mọi sự sẽ qua. Chỉ có Chúa là không thay đổi. Với lòng nhẫn nại, chúng ta có tất cả. Ai có Chúa thì không thiếu gì. Chỉ có Chúa là đủ.”

Đức tin của chúng ta có biết hướng chúng ta trên con đường dài đang chờ chúng ta, để con đường này là con đường thông minh và khôn ngoan, có thật sự giải thoát chúng ta khỏi các tư tưởng xấu của nỗi sợ, có giải thoát chúng ta khỏi nỗi sợ cái chết không?

 

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Bài đọc thêm: Đại dịch, dịp để chúng ta đặt lại thứ trật trong đời sống của mình

Với cái nhìn nào chúng ta sẽ gặp nhau?