Hàng năm cứ đến ngày thứ hai của tuần lễ thứ hai tháng 10, đất nước Canada mừng Lễ Tạ Ơn.
Từ khi còn nhỏ tôi đã được dạy phải có lòng biết ơn, những câu châm ngôn như “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây,” “Uống nước phải nhớ nguồn” đã ăn sâu vào tâm trí chúng tôi. Văn hóa dân gian chúng tôi khuyến khích một khi có ai thiếu thốn xin mình thì ít nhiều mình cũng phải cho, vì đây cũng là một hình thức biểu lộ lòng biết ơn, vì trong muôn vạn kiếp trước, đã có người làm ơn cho mình, biết đâu người đang cần đến mình giúp lại là người mình đã chịu ơn.
Tuy lòng biết ơn là một trong những đức hạnh hàng đầu nhưng chúng tôi lại không có một ngày đặc biệt để vinh danh lòng biết ơn như ngày Thanksgiving của Mỹ và của Canada.
Với cơn khủng hoảng của người di dân trên toàn thế giới hiện nay, bốn mươi năm đã qua, nhìn lại chặng đường đã đi, tôi không hình dung được mình đang ở đất nước Canada này, cũng không thể tưởng tượng với một chút ít hành trang đem theo, từ vật chất đến trí tuệ, chúng tôi đã xây dựng được sự nghiệp ở đây. Con đường của chúng tôi chắc chắn là gay go, bây giờ nhìn những ai phải đi lại con đường này tôi thật ái ngại.
Nhắc đến người tị nạn, tôi không thể không nhớ đến cha tôi, trong những năm 1980, khi làn sóng thuyền nhân tị nạn lên cao, cha tôi đã đóng vào Quỹ tị nạn một số tiền để bảo lãnh cho mười người tị nạn. Trong tang lễ của cha tôi năm 2003, một người đã được cha tôi giúp qua Canada, anh đến trước linh cữu cha tôi với một bó hoa hồng thật đẹp, anh khóc và nói: “Nếu không có bác, con không có ngày nay.” Chúng tôi thật xúc động.
Chúng tôi đến Canada vào thời điểm sau những năm 1968, khi phong trào phản chiến còn đang sôi sục bực mình nước Mỹ, chúng tôi như những đứa con cưng, được đón nhận, được giúp đỡ, được khuyến khích đủ mọi mặt dù lúc đó chúng tôi chưa lượng định được tầm mức rộng lớn của lòng quảng đại này. Từ một đất nước thiếu thốn đủ mọi chuyện, nhất là các tổ chức hạ tầng cơ sở, chúng tôi đến một đất nước văn minh, chúng tôi đi từ bỡ ngỡ này đến bỡ ngỡ khác nhưng nhất là bỡ ngỡ trước tấm lòng vị tha của người bản xứ. Có lẽ chúng tôi “kỳ thị” người bản xứ hơn người bản xứ “kỳ thị” chúng tôi vì chúng tôi lúc nào cũng e dè, cũng sợ tiếp xúc với người bản xứ.
Bây giờ đứng trước làn sóng di dân của người Syria, với bối cảnh phức tạp địa chính trị của họ, chúng tôi chỉ thấy họ ở trong hoàn cảnh của chúng tôi bốn mươi năm trước đây, hoang mang không biết đi về đâu, tương lai bất định đi lui không được và đi tới thì không biết ai sẽ nhận mình, tiền bạc không có, con cái không được đi học, những tâm trạng này, một đời người không nên có chút nào. Chúng tôi đã trải qua những đêm trắng nằm thao thức vì sao đời mình khổ thế này, mình đã làm gì nên tội? Một chấp nhận thụ động, chờ cho may rủi quyết định, vì thế khi đến được Canada, chúng tôi như được sinh ra lần thứ nhì, chỉ biết cám ơn, cám ơn và cám ơn. Lúc nào chúng tôi cũng có tâm trạng của người không biết lấy gì để đền ơn cho đất nước Canada, cho người dân Canada. Cảm nhận đầu tiên khi chúng tôi gặp người Canada là thấy sao người dân Canada hiền thế, vì chúng tôi đi từ một đất nước có chiến tranh liên tục nên chúng tôi nghĩ, chắc vì nước Canada không có chiến tranh nên người Canada hiền.
Chính vì thấy người Canada hiền nên chúng tôi “ăn hiếp”, tôi xin kể một giai thoại tôi được biết. Trong những năm 90, có một gia đình người Việt tị nạn đến Canada, được người đi trước cho biết: “Người Canada tin người lắm, mình khai gì họ cũng tin.” Vì qua theo diện bảo lãnh nên dù trên 65 tuổi nhưng phải sau 10 năm mới được hưởng tiền già. Ông bà khai với văn phòng xã hội: “Con cái chúng tôi không đối xử tốt với chúng tôi, chúng đánh đập và đuổi chúng tôi ra khỏi nhà.” Văn phòng xã hội vội cho trợ cấp ngay. Hai năm sau, ông bà được mời đến văn phòng, họ cho biết, sau khi điều tra, họ biết ông bà không bị đánh đập, không bị đuổi ra khỏi nhà, văn hóa Đông phương của ông bà có truyền thốg co cái kính trọng cha mẹ, phụng dưỡng cha mẹ, vậy ông bà phải bồi thường hai năm được trợ cấp, cọng tiền chi phí…, tổng cộng trên 35 000 ngàn! May thay chúng tôi luôn có thiên thần hộ thủ, đó là các linh mục Québec Dòng Tên truyền giáo, những người đã từng qua Việt Nam trước đây, sau 75 họ không còn được ở Việt Nam và sau khi đi hoạt động khắp nơi trên thế giới, đến tuổi hưu họ về Quebec sống. Và linh mục André Lamothe, Dòng Tên đã đến văn phòng xã hội trình bày hoàn cảnh của hai ông bà, vì không hiểu biết nên đã làm như vậy, cha xin giảm tiền phạt và họ chỉ còn đóng một nửa!
Những ơn lớn như thế này biết bao giờ chúng tôi sẽ trả xong?
Thật sự chúng tôi chẳng bao giờ trả ơn đất nước đã cưu mang mình cho đủ, cũng như gánh giùm gánh nặng di dân của Canada, nói chi giúp người tha nhân trong cảnh hoạn nạn. Vì thế chúng tôi như người thanh niên giàu trong Phúc Âm, anh đến hỏi Chúa Giêsu bây giờ anh phải làm gì để được vào Nước Trời. Chúa trả lời: “Chỉ cần giữ các điều răn.” Anh trả lời: “Con đã giữ các điều răn tù khi còn nhỏ.” “Vậy thì con bán hết mọi sự rồi đi theo Ta!” Anh buồn rầu bỏ ra đi.
Chúng tôi lơ đi trước các khó khăn của tha nhân. Chúng tôi chỉ cần đặt câu hỏi mình phải làm gì cho đất nước Canada, cho người tha nhân đang cần giúp đỡ, dĩ nhiên chúng tôi biết câu trả lời nhưng không dám thực hiện. Tôi nhớ trong một lần đi tĩnh tâm ở Villa St-Martin, Montréal, bài Phúc Âm hôm đó là bài nói về người thanh niên giàu có bỏ đi, sư huynh Rémi Laforest Dòng Tên nói với chúng tôi: “Con ơi, con biết loại thể thao cực kỳ khó không (sport extrême), bài Phúc Âm này dành cho các lực sĩ của loại thể thao này.” Chúng tôi tạm an ủi khi nghe thầy Rémi nói như vậy nhưng nhưng lòng chúng tôi không thể nào không buồn khi nghĩ đến những chuyện này. Có ai mang nợ mà lòng thanh thản được không?
Đứng trước lời kêu gọi xin mở cửa đón nhận người tị nạn Syria của Đức Phanxicô, chúng tôi đang làm thủ tục để bảo lãnh cho một vài gia đình Syria qua Canada. Chúng tôi biết chuyện này không phải dễ nhưng chẳng lẽ cứ để lòng mình buồn hoài sao!
Marta An Nguyễn