Chương 1: Bệnh kiêu ngạo (2/6)
Trích sách Bảy căn bệnh thiêng liêng, Sept maladies spirituelles, Sơ Catherine Aubin.
Hỡi con người, hãy đứng cho vững, Ta sắp nói với ngươi đây (Ed 2, 1).
Một cách nào đó, khiêm tốn là bước vào cuộc chiến cự lại nọc độc biếng nhác hay buồn bã. Đó cũng là nhận biết chính mình và nhận ra chính mình trong tính “tham ăn, hà tiện, dâm dục” của mình, cự lại với sự giúp đỡ của Chúa. Khiêm tốn là biết một cách sâu sắc mình sẽ bị oằn xuống vì một trong các bệnh này, nhưng được nâng dậy nhờ một cử chỉ, một cú chạm của Chúa Kitô và ánh sáng của Ngài. khiêm tốn không có nghĩa là ở trên hay ở dưới tất cả, ngược với lời giảng dạy của các Giáo phụ, nhưng là tìm vị trí trung dung, vượt lên các cám dỗ để tiếp tục vui vẻ tiến bước về đàng trước.
Khiêm tốn là hành vi đơn giản của nhà tiên tri xin vua Naaman người Syria, xuống tắm dưới dòng sông Jordania bảy lần để được lành (2 R 5, 10-16). Nhà vua thất vọng vì nghĩ mình sẽ bị đòi hỏi một cái gì khó khăn hơn, ông không tin chỉ cần xuống nhúng nước dưới dòng nước này là lành; dù vậy ông cũng nghe lời và được chữa lành. Cũng thế, đức khiêm tốn đòi hỏi chúng ta đơn sơ trong tương quan với chính mình và với người khác. Thường thường chúng ta thích nịnh hót, thích cái gì sáng chói, thích cái gì gây ảo tưởng. Đó là các mục đồng ở Bêlem, những người đầu tiên tin vào Chúa Cứu Thế sinh ra đời (Lc 2, 15-17). Các mục đồng đến đó, nhận biết Chúa, ra về lòng hân hoan. Đôi khi khiêm tốn đòi hỏi chúng ta làm những điều đơn sơ, cởi mở và không hậu ý. Khiêm tốn mềm dẻo, thích ứng với thực tế không chờ đợi, không đòi hỏi, không giả định. Chúng ta cần được khiêm tốn hay cần những người khiêm tốn thu hút (Jean Vanier), vì các tấm gương này sẽ làm cho chúng ta mong muốn được khiêm tốn.
Có một ý thức tốt và đúng về chính mình sẽ giúp chúng ta chịu được sỉ nhục và giúp chúng ta nghe được các lời sỉ nhục mà không làm chúng ta quá đau buồn, tính khiêm tốn làm cho tâm hồn chúng ta mềm mại, dễ tiếp nhận, kể cả các lời chỉ trích. Ai tìm kiếm sự khiêm tốn dịu dàng này sẽ nghe, sẽ thấy và phân định điều gì đó khác với những gì được nói hay được trình bày. Họ thấy ở đó một hình thức dạy học để học cách nhận biết. Một bác sĩ danh tiếng nói, chính kẻ thù dạy cho chúng ta nhiều hơn là bạn bè, vì ông nói “trước kẻ thù, chúng ta phải liên tục cảnh giác với chính mình, với các khuynh hướng của mình”. Sự sỉ nhục làm cho quả tim bị đau và làm cho nó để ý đến các lý luận bên trong bản ngã của nó.
Phải thừa nhận mình bị bệnh trước mặt Chúa, chứ không phải trước bản ngã của mình
Anh em hãy hạ mình xuống trước mặt Chúa và Người sẽ cất nhắc anh em lên (Gc 4, 10).
Một sự hiểu biết lành mạnh về mình chưa hẳn là khiêm tốn nhưng nó làm cho chúng ta biết các điểm yếu của mình. Chúng ta phải chấp nhận chúng ta là những con người cần được biến đổi và Chúa Kitô chữa lành chúng ta. Sự bất lực tự nhiên của chúng ta không được làm chúng ta bị tổn thương, bị thất vọng, bị tha hóa, nhưng đó là ơn để chúng ta đi ra khỏi lỗ rún của mình, để mở lòng ra với anh em và với Chúa. Nhận ra mình bị bệnh, thấy rõ, đó là khiêm tốn trước mặt Chúa, chứ không phải trước bản ngã của mình. Thần Khí ban cho chúng ta tính khiêm nhường, Ngài mở một kẻ hở để chúng ta thấy rõ tình trạng tâm hồn mình, để phân định, để định danh. Lòng khiêm tốn, qua ơn của Chúa Thánh Thần đến từ bước này qua bước khác để thấy rõ cái gì làm chúng ta ngăn cách Chúa. Chính trong sỉ nhục, các dự án không thành công, các nghịch lý, các phản bội mà Chúa Thánh Thần mở một kẻ hở.
Trước hết chúng ta phải để ý đến những gì đang xảy ra trước khi dần dần tháo gỡ các nút thắt của suy nghĩ, của cảm xúc, định danh các cám dỗ, các xung năng, các vi phạm dẫn đến mình bị nuốt chửng trong kiêu ngạo, rồi sau đó theo dõi các xáo trộn, các tai họa xảy ra nơi mình và chung quanh mình. Chính Chúa Thánh Thần soi sáng lương tâm, và chính trước mặt Chúa, chúng ta mới nhận ra sự đau khổ và bất hạnh của mình, là do mình bị giam hãm trong việc tự cho mình là mạnh. Đức khiêm tốn là nhận biết, không có sự giúp đỡ của Chúa thì chúng ta không thể làm gì tốt được, rằng tất cả những gì tốt chúng ta làm đều đến từ Chúa, mọi tiến bộ chúng ta có được cũng nhờ Chúa, không có gì có thể quy cho giá trị hay công trạng riêng của mình, và chúng ta cũng không giữ được gì nếu không có sự giúp đỡ của ngài.
Khiêm tốn, một yếu tố chữa lành tâm linh
Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu ngạo, nhưng ban ơn cho kẻ khiêm nhường (1Pr 5, 5)
Trong chừng mực mà kiêu ngạo xuất hiện như nguyên do đầu tiên của sa ngã, thì đức khiêm tốn có thể xem như nguyên do đầu tiên của cứu rỗi. Không có khiêm tốn thì không thể vượt qua cái xấu. Qua đức khiêm tốn, hơn bất cứ phương tiện nào khác, con người mới có thể chữa lành các bệnh của mình. Khiêm tốn là một trong các phương thuốc chính mà Chúa Kitô cho con người để chữa lành các bệnh thiêng liêng. Đó là lý do vì sao đức khiêm tốn được xem như đức hạnh chính để cứu con người. Chữa lành mọi bệnh cho con người và bao gồm các đức tính khác, đức khiêm tốn làm cho con người trở thành con người đích thực lại. Các hiệu quả của đức khiêm tốn thì rất quan trọng, vì đối với con người, đức khiêm tốn là một trong nguồn cội chính để nhận ơn Chúa, cũng như kiêu ngạo là một trong nguồn cội chính để không có ơn Chúa. Qua đức khiêm tốn, con người thấm nhuần hành động của bàn tay Thiên Chúa, con người không còn chỉ biết có mình, nhưng mở lòng ra với Chúa. Khi con người tưởng mình làm chủ mình thì con người làm biến dạng mình. Ngược lại, khi con người nhận biết mình là sinh vật được tạo ra từ đất thì nó không làm gì phi thường, nhưng nó nói sự thật và sự thật này trở thành liều thuốc giải độc cho căn bệnh kiêu ngạo. Đôi khi cần cả một chuỗi thất bại để nhận ra sự bất lực khi mình muốn làm chủ đời sống và để trở nên hạt giống đang chờ mùa xuân của Chúa Thánh Thần.
Marta An Nguyễn dịch(Còn tiếp)
Xin đọc thêm: Từ kiêu ngạo đến khiêm nhường. Từ thông minh đến kênh kiệu (1-6)