Đức Phanxicô có sắp đặt công việc của ngài theo thứ trật không?

623

Đức Phanxicô có sắp đặt công việc của ngài theo thứ trật không?

lavie.fr, Marie-Lucile Kubacki, Rôma, 2019-12-27

Đức Phanxicô tại Vatican tháng 11 năm 2019, Maria Laura Antonelli/AGF/SIPA

Các tuần gần đây, Đức Phanxicô đã có một số hành động rất tượng trưng, các dấu hiệu khác đang làm dấy lên tin đồn ở Rôma ngài chuẩn bị ra đi…

Ở Rôma, trong những tuần vừa qua, có tin đồn sắp có mật nghị. Một số nguồn tin thân cận Vatican cho biết, “Đức Phanxicô cho cảm tưởng ngài chuẩn bị ra đi.” Trong hành lang, một số quan sát viên tự hỏi: ngài có đang sắp xếp công việc của ngài theo thứ trật đây không? Linh mục Thụy Sĩ Dominique Fabien Rimaz viết bầu khí này trên trang blog Le Pendolino của ngài và đưa ra một số dấu hiệu đáng lo ngại: không một chuyến đi nào được dự trù cho năm 2020, việc  kết thúc nhiệm kỳ của một trong hai thư ký riêng của ngài – linh mục Argentina Fabián Pedacchio Leániz, 55 tuổi được bổ nhiệm làm việc toàn thời gian ở Bộ Giám mục mà không có người thay thế và cuối cùng là bổ nhiệm Đức Hồng y Phi Luật Tân Luis Antonio Tagle, đôi khi ngài còn được gọi là “Phanxicô Á châu”, đứng đầu một bộ rất quan trọng là Bộ Truyền giáo các Dân tộc, mà bộ trưởng thường được gọi là “giáo hoàng đỏ”. Linh mục Rimaz viết: “Sự tích tụ các dấu hiệu nhỏ gieo rắc trên con đường của giáo hoàng đánh dấu cho các chú bé tí hon biết đường” (ám chỉ chuyện cổ tích mười anh chị em bị cha mẹ bỏ vào rừng vì không có gì ăn, nhờ chú bé tí hon bằng ngón trỏ, Le Petit Poucet, biết được và rải đá cuội trên đường đi để sau đó các anh chị em mình biết đường về).

Tin đồn, một nghệ thuật phổ biến ở Vatican

Về phần mình, nhà vatican học người Ý Sandro Magister nổi tiếng với những ý kiến rất phê phán với triều giáo hoàng Đức Phanxicô, ông vừa viết một bài phân tích có tựa đề “Tập dợt cho mật nghị sắp đến” trong đó ông đưa ra danh sách các hồng y có khả năng làm giáo hoàng. Và ông bình luận: “Việc một giáo hoàng bảo vệ thư ký riêng của mình để phòng ngừa các hậu quả gián tiếp trong việc kế vị là chuyện kinh điển thường thấy ở Vatican và Jorge Mario Bergoglio thấy rằng cần phải làm, không để trễ hơn.”

Làm thế nào Đức Phanxicô chuẩn bị mật nghị sắp đến

Đối với nhà báo người Mỹ John Allen, tương thích với Đức Phanxicô hơn thì việc bổ nhiệm hồng y thiện cảm Phi Luật Tân Luis Antonio Tagle vào địa vị chiến lược sẽ đặt hồng y vào vị trí của một người kế vị nghiêm túc, hoặc, ít nhất cho ngài có cơ hội để thử thách.

Tông hiến mới phải là hòn đá tảng của việc cải cách Giáo triều được khởi xướng từ đầu triều giáo hoàng của Đức Phanxicô chưa làm xong.

Nhưng chúng ta có nên thực sự lo không, tin đồn ở Vatican có thật là một nghệ thuật đặc biệt phổ biến không? Phải thừa nhận rằng, không có một chuyến đi nào đưọc dự trù cho năm 2020, nhưng dù vậy, ngài đặc biệt muốn đến ít nhất hai nước trong năm tới. Tháng 6 năm 2019, trong bài diễn văn đọc tại Vatican trước các đại diện của Buổi họp các cơ quan giúp đỡ Giáo hội Đông phương, ngài tuyên bố sẵn sàng đi Irak. Vào giữa  tháng 11, ngài cũng loan báo mình sẽ đi Nam Xu-đăng năm 2020 cùng với Đức Tổng Giám mục Anh giáo Canterbury, Justin Welby, nếu đạt được thỏa thuận thành lập chính phủ đoàn kết dân tộc trong vòng 100 ngày và hạn cuối là vào tháng 2 năm 2020.

Một quan sát viên thông thạo tóm tắt: “Trong cả hai trường hợp, các chuyến đi ngài mong muốn rất khó tổ chức vì bối cảnh chính trị của cả hai nước. Vì thế “bình thường” là không có một ngày cụ thể nào được đưa ra. Ông nói thêm: “Tuy nhiên, có nhiều công việc quan trọng ngài chưa làm xong, đặc biệt là những công việc thiết thân của ngài, và cũng khó hình dung ngài quyết định ra đi khi chưa làm xong việc”.

Các công việc đang làm

Công việc thứ nhất là tông hiến, đây là hòn đá tảng của việc cải cách Giáo triều được khởi xướng từ đầu triều giáo hoàng và công việc này chưa xong. Một bản thảo của tông hiến đã được gửi đến các hội đồng giám mục tất cả các nước trong năm 2019. Thật vậy, một trong các điểm chính của văn bản liên quan đến quan hệ giữa Rôma và các Giáo hội địa phương mà Đức Phanxicô mong trao quyền tự chủ lớn hơn cho họ.

Các đề xuất hiện đang gởi về Vatican và sẽ được bàn đến trong phiên họp của hội đồng hồng y vào tháng hai sắp tới. Do đó văn bản nằm trong đường hướng của ngài, nhưng vẫn còn một ít công việc phải làm trước khi hoàn thành.

Công việc thứ nhì là cuộc họp lớn về Kinh Tế của Phanxicô ở Asisi ngày 26 đến 28 tháng 3. Chính ở thành phố của Thánh Phanxicô mà Đức Phanxicô có cuộc gặp với các nhà kinh tế trẻ và các doanh nhân để tạo một diễn đàn đầy tham vọng: thách thức của ngài là thay đổi nền kinh tế hiện nay, sáng tạo các mô hình mới. Một kiểu triển khai Thông điệp Chúc tụng Chúa Laudato si’, để đảm bảo thông điệp sáng tạo mà ngài khai sinh, vượt ra ngoài một số nhận thức lương tâm và cố gắng cá nhân để đưa đến một tầm mức áp dụng rộng lớn.

Công việc thứ ba và cũng là công việc cuối cùng là ngài mong muốn có một “hiệp ước giáo dục toàn cầu”, một sự kiện toàn cầu sẽ được phát động vào ngày 14 tháng 5 tại Rôma, Đức Phanxicô đã mời các nhà giáo và các nhân vật quần chúng về tham dự.

Có bao nhiêu giáo hoàng danh dự?

Ngoài ra liệu Đức Phanxicô có quyết định ra đi khi mình còn sống như Đức Bênêđictô XVI không? Có rất nhiều ý kiến chia sẻ. Năm 2014, chính ngài đã thừa nhận trong một cuộc phỏng vấn với truyền thông Tây Ban Nha: “Đức Bênêđictô XVI đã làm một hành vi lớn, ngài đã mở một cánh cửa và chính ngài cũng đã công nhận. Đức Bênêđictô XVI không vi phạm truyền thống, ngài đã tạo một thể chế, thể chế bây giờ có thể có nhiều giáo hoàng danh dự.” Đức Phanxicô nói thêm: “Tôi cũng sẽ làm như ngài, khi thời điểm đến, tôi xin Chúa soi sáng cho tôi và Ngài sẽ nói cho tôi biết, tôi sẽ làm gì. Và tôi tin chắc Ngài sẽ nói cho tôi!”

Nhưng kể từ năm 2014, lịch sử đã cho thấy việc hai giáo hoàng cùng ở chung, một giáo hoàng tại chức và một giáo hoàng danh dự không phải là chuyện dễ dàng, nhất là khi có sự cạnh tranh của những người chung quanh các ngài. Đó là chưa kể Đức Phanxicô phải đối diện với các chỉ trích và thù nghịch có thể cho cảm giác khi từ nhiệm, ngài đầu hàng trước áp lực.  

Đức Bênêđictô XVI đã làm một hành vi lớn, ngài đã mở một cánh cửa và chính ngài cũng đã công nhận. Đức Bênêđictô XVI không vi phạm truyền thống, ngài đã tạo một thể chế, thể chế bây giờ có thể có nhiều giáo hoàng danh dự.”  Đức Phanxicô

Gần đây Đức Phanxicô có những lời nói khó hiểu, xen kẽ với các thời gian nghỉ khi ngài từ Nhật về. Một chuyến đi mang tính biểu tượng, nếu chúng ta xem rằng thánh lễ ngài cử hành trước 50.000 giáo dân ở thủ đô Tokyo, giáo hoàng 83 tuổi đã thực hiện giấc mơ tuổi trẻ khi còn là chủng sinh Dòng Tên mong được đi truyền giáo ở Nhật, nhưng rồi không được vì lý do sức khỏe. Khi được một nhà báo hỏi trên chuyến bay từ Nhật về Rôma, ngài có sẽ viết một tông huấn về bất bạo lực không, ngài trả lời: “Có, dự án vẫn còn, nhưng giáo hoàng tương lai sẽ làm, vì gần như tôi không có thời gian… Có những dự án còn nằm trong hộc tủ… một về hòa bình, và khi nó chín muồi và khi đến lúc, tôi sẽ làm.” Sự ám chỉ về thời gian không còn nhiều này đã gieo rắc rối. Và bây giờ đã có bàn tán xôn xao về các tiếng ồn ào này.

Tuổi chín muồi

Cũng không loại trừ khả thể ngài muốn làm minh bạch và đẩy nhanh tiến trình, hoàn toàn do thận trọng. Rất nhiều người thấy thời gian gần đây ngài mệt mỏi hơn và suy niệm của ngài về cái chết trong bài giảng trong thánh lễ vào cuối tháng 11 vừa qua ở Nhà nguyện Thánh Marta đã được chú ý. Lời suy niệm kết thúc bằng lời cầu nguyện sau: “Lạy Chúa, xin chuẩn bị tâm hồn con, để con được chết trong bình an, được chết trong hy vọng.” Các lời sâu sắc muốn nói triều giáo hoàng của mình đã bước vào một kỷ nguyên mới, mà chúng ta có thể cho đó là lúc chín chắn, nhẹ nhàng hơn, bình yên hơn, nhưng không kém phần quyết định.

Đến giờ này, các “dấu hiệu” cuối cùng là: Trước ngày lễ Giáng Sinh, Đức Phanxicô chấp nhận để hồng y gây nhiều tranh cãi Angelo Sodano từ chức, ngài đã 92 tuổi, ngài thường lên án việc bao che các vụ lạm dụng tình dụng, ngài là niên trưởng hồng y đoàn và điều này, ngay sau khi dỡ bỏ bí mật giáo hoàng về các vụ lạm dụng tình dụng, đã là hai trong số các biện pháp mạnh nhất triều giáo hoàng của ngài. Hồng y niên trưởng trong trường hợp giáo hoàng từ nhiệm hay qua đời, sẽ là người có nhiệm vụ loan tin cho các nguyên thủ Quốc gia, chủ trì các cuộc họp trước mật nghị, một tầm quan trọng thiết yếu trong việc bầu chọn.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch