lapresse.ca, Jean-Louis De La Vaissiere, 2015-09-05
Theo thống kê, Đức Giáo hoàng được 66% người Mỹ mến chuộng và 87% giáo dân công giáo Mỹ mến chuộng.
Đức Giáo hoàng chuẩn bị một chuyến đi tế nhị nhất trong triều giáo hoàng của mình, trong hai tuần sắp đến ngài sẽ đi từ Quảng trường Cách mạng La Havane đến Lưỡng viện Mỹ và Liên Hiệp Quốc.
Theo các nguồn tin ở Vatican thì nhân dịp có ít sinh hoạt vào mùa hè, Đức Phanxicô đã xem lại các bài diễn văn của mình, đặc biệt các bài ngài phải đọc trước các nghị sĩ, những người không phải ai cũng đồng ý với quan điểm của ngài và bài diễn văn ngài sẽ đọc ở Liên Hiệp Quốc.
Cuba nơi ngài sẽ đến đây ba ngày có vẻ đây là giai đoạn dễ dàng hơn. Sự đón tiếp sẽ cực kỳ thuận lợi vì chế độ Castro chỉ có thể rút lợi về phần mình cho chuyến đi này mà thôi, họ vẫn còn biết ơn Đức Giáo hoàng về việc ngài giúp họ giải hòa với nước Mỹ.
Sau khi đón Đức Gioan-Phaolô II và Đức Bênêđictô XVI, dân chúng Cuba sẽ đến nghe ngài nói về các giai đoạn giải hòa ở La Havane, ở Holguin và ở Santiago.
Nhưng ở Mỹ, sự tiếp đón vị Giáo hoàng được mến mộ và có quan điểm tiến bộ về xã hội này gợi sự chú ý và rất nhiều phản ứng trái ngược nhau.
Chắc chắn sẽ có một số người trong chính giới lạnh lùng đón ngài, họ không bằng lòng việc Đức Jorge Bergoglio chọn đi La Havane trước Washington khi Lưỡng viện chưa bỏ lệnh cấm vận Cuba.
Hơn nữa, Thông điệp “Chúc tụng Chúa” bảo vệ môi sinh và các bài diễn văn ác liệt về xã hội gần đây của ngài ở Nam Mỹ chống nền kinh tế tự do tuyệt đối, chống nền tài chánh mù quáng và sự khai thác vô độ các nguồn tài nhiên thiên nhiên của các đa quốc gia, đã làm cho một số người xem ngài theo chủ nghĩa “mác-xít”.
Trên chuyến máy bay về từ Paraguay tháng bảy vừa qua, trả lời các chỉ trích mà một người nói tin của đài truyền hình Mỹ cho ngài là “người nguy hiểm nhất hành tinh”, Đức Phanxicô hứa sẽ từ từ “nghiên cứu các lời chỉ trích này”.
Là giáo hoàng đầu tiên nói trước Lưỡng viện, Đức Phanxicô sẽ cứng rắn nhắc lại trách nhiệm của siêu cường để giới hạn sự ô nhiễm trên quả đất, nhất là việc chuyển năng lượng khí đốt qua các loại năng lượng có thể tái hồi được.
Cùng với những người bên lề
Và ở Liên Hiệp Quốc, đây là lần viếng thăm thứ năm của một giáo hoàng ở Dinh thự kiếng này, ở đây ngài sẽ nói về chương trình xã hội và môi sinh chống lại “văn hóa thải loại” và nạn “dửng dưng toàn cầu hóa”.
Các lời cần nhắc lại đang được mong chờ: Đức Phanxicô sẽ phải yêu cầu có những cam kết cụ thể trong kỳ họp COP 21 về khí hậu sắp tới tại Paris vào tháng 12 này. Ngài cũng sẽ kêu gọi có một giải pháp thương thuyết với Trung Đông để có sự đối thoại hỗ tương với Hồi giáo và để bảo vệ các tín hữu Kitô bị bách hại trên thế giới.
Ngài cũng sẽ yêu cầu có những hành động phối hợp để chống nạn buôn người và để đón nhận người tị nạn. Một chủ đề cực kỳ nhạy cảm ở Mỹ, nơi các chính trị gia bảo thủ muốn giới hạn số người nhập cư từ Nam Mỹ đến.
Các chính trị gia bảo thủ cũng ngại ngài sẽ đụng đến các chủ đề sôi sục như hiệp ước hạt nhân với Iran.
Chương trình cũng dự trù ngài sẽ đến thăm những người bên lề trong xã hội Mỹ: người vô gia cư, các gia đình di dân, những người bị tù, cộng đồng nói tiếng Tây Ban Nha…
Đức Giáo hoàng cũng sẽ đến “Ground Zero”, nơi xảy ra vụ tấn công 11 tháng 9-2001 và sẽ phong thánh cho nhà truyền giáo Jupinero Serra, tu sĩ Dòng Phanxicô người Tây Ban Nha, đã rao giảng Phúc Âm cho người thiểu số ở California vào thế kỷ thứ 18.
Tại Philadelphia, Đức Phanxicô sẽ kết thúc Đại hội Thế giới Gia đình công giáo: đám đông khổng lồ sẽ đến nghe ngài nói về hôn nhân và gia đình, trước khi mở lại Thượng Hội đồng Gia đình vào tháng 10 này với những chủ đề rất tế nhị.
Đức Giáo hoàng được 87% người công giáo Mỹ mến chuộng, 66 % người Mỹ mến chuộng nhưng không được tất cả các giám mục Mỹ mến chuộng, họ chiến đấu mãnh liệt trong các lãnh vực như nạn phá thai, ngừa thai và hôn nhân đồng tính, và họ cảm thấy ngài chưa ủng hộ họ đủ.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch