Dạy đạo đức ở trường: Chính quyền kết nối lại với truyền thống cổ xưa

266

la-croix.com, Nolwenn Jaumouillé, 2015-08-31

Một nhà giáo dạy bài học luân lý về chủ đề “Làm sao tiết kiệm” ở một trường tiểu học năm 1909
Một nhà giáo dạy bài học luân lý về chủ đề “Làm sao tiết kiệm” ở một trường tiểu học năm 1909

Đây là một trong những điểm mới của mùa tựu trường năm nay: các lớp luân lý và công dân sẽ được dạy từ tiểu học đến hết cấp trung học, với mục đích sống lại theo các giá trị đã xây dựng xã hội chúng ta. Sống theo các giá trị đạo đức là cả một thách đố cho trường học ngày nay.

Dạy đạo đức ở trường lớp, đó là cả một lịch sử, nó liên kết một cách chặt chẽ với các giá trị của Giáo hội. Một truyền thống của nước Pháp ở thế kỷ thứ 19 đã được đưa lại vào trường học theo lối trường thường để củng cố nền móng của mình.

“Trong suốt thế kỷ 19, mục tiêu hàng đầu của trường tiểu học là dạy môn đạo đức, làm sao để ghi sâu vào tri não học sinh các giá trị đạo đức trước khi cho các học sinh học các kiến thức sơ đẳng đầu tiên như học đọc, học viết, học đếm. Các bộ trưởng Guizot và Falloux với chỉ đạo dạy đạo đức và tôn giáo, sau đó với bộ trưởng Ferry năm 1882 với chỉ đạo dạy đạo đức và công dân”. Đối với ông Claude Lelièvre, sử gia về giáo dục, ý tưởng rút môn đạo đức ra khỏi trường học là một ý tưởng sai lầm mang tính lịch sử.

Một “giáo dục đạo đức thuần túy nhân bản”

Trước thể chế Cộng Hòa thứ ba, ai cũng nghĩ đạo đức dính liền tôn giáo. Ngược lại, năm 1883, bộ trưởng Ferry cổ động cho việc dạy một “giáo dục đạo đức thuần túy nhân bản”. Dù chủ ý không mang tính tôn giáo, nhưng dù sao, chung chung các giá trị này vẫn là các giá trị Kitô.

Năm 1882, bức thư của bộ trưởng Ferry gởi cho các nhà giáo cho thấy: “Tôi đồng ý, đây là một nền đạo đức tốt và xưa (…) được nhận từ cha ông chúng ta”. Đối với ông, “giáo dục tôn giáo thuộc về gia đình và Giáo hội, giáo dục luân lý thuộc về trường học”. Quan điểm này đánh dấu bởi một sự “dấn thân dứt khoát có chủ trương” của chế độ Cộng hòa, nhưng đã không được mọi người đồng ý nên đã là chủ đề của một cuộc tranh luận dữ dội với Giáo hội, Giáo hội từ chối bổn phận chia sẻ với Nhà nước việc trao truyền đạo đức.

Ngoài ra, người ta còn lên án “dạy giáo lý kiểu nhà nước” thời đó với các phương pháp dùng châm ngôn, sử gia Claude Lelièvre giải thích. Suốt mười lăm phút dạy luân lý ở các lớp tiểu học, trẻ con nghe các “kỵ binh áo đen nghiêm khắc,” từ của nhà văn Charles Péguy, kể những “câu chuyện xây dựng” hay giải thích mỗi ngày một câu kiểu: “Ăn để sống chứ không phải sống để ăn” hay “Đi học là vâng lời tổ quốc”. Lên trung học, thì qua bản chất con người mà nhấn mạnh đến các giá trị lớn.

Bắt đầu từ Tháng Năm 68, môn luân lý là môn học không bắt buộc

Sau Tháng Năm 1968, khi có khẩu hiệu “cấm không được cấm” thì môn học này không còn bắt buộc và trong bối cảnh bài trừ thực dân, thì người ta cảm thấy không thoải mái khi đề cao các ý tưởng phổ quát mà chế độ Cộng Hòa nhận là của mình. Năm 1986, ông Jean-Pierre Chevènement lúc đó là Bộ trưởng Giáo dục đã cho thiết lập lại “môn công dân” mà bây giờ vẫn còn dạy cho đến cấp trung học. Ông Claude Lelièvre cho rằng, việc dùng từ trại ra chỉ là một cách đi vòng nhưng mục đích vẫn là giữ gìn đạo đức, chỉ ẩn giấu dưới một tên khác.

Năm 2008, dưới thời bộ trưởng Xavier Darcos, rồi năm 2011 dưới thời bộ trưởng Luc Chatel, có một thông báo cho biết, từ nay Quốc gia đảm trách dạy môn đạo đức ở trường. Sự nhấn mạnh về tính cách thế tục chỉ xuất hiện với bộ trưởng Vincent Peillon, ông muốn đặt môn đạo đức “thế tục” vào trọng tâm của việc “tái xây móng” lại trường học.

Công thức này đã bị bỏ để theo “môn giảng dạy đạo đức và công dân”. Vào đầu thể chế Cộng Hòa thứ ba, đó là việc giảng dạy ở các trường công môn đạo đức phổ quát cho tất cả học sinh mà năm 1883 bộ trưởng Ferry đặt ưu tiên.

Marta An Nguyễn chuyển dịch