Theo Đức Phanxicô, kiêu ngạo và phù phiếm là hai cám dỗ lớn của đời sống kitô

434

Theo Đức Phanxicô, kiêu ngạo và phù phiếm là hai cám dỗ lớn của đời sống kitô

cath.ch, 2019-04-10

Trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư 10 tháng 4-2019, Đức Phanxicô nhắc lại: “Chúng ta luôn là những đứa con mãi mãi mang nợ Cha mình mọi sự.” Ngài tiếp tục chu kỳ giáo lý về “Kinh Lạy Cha”, ngài cảnh báo chống lại cám dỗ của kiêu ngạo và phù phiếm. 

Dù trời mưa nặng hạt nhưng buổi tiếp kiến chung vẫn diễn ra ở quảng trường Thánh Phêrô. Trước bục của Đức Phanxicô là một rừng dù che đủ mọi màu sắc. Vì trời mưa, giáo dân tham dự có vẻ ít hơn thường lệ và vòng xe giáo hoàng cũng ngắn hơn.

“Chúng ta cần lương thực như thế nào thì chúng ta cũng cần tha thứ như thế đó”

Ngài bắt đầu bài giảng: “Chúng ta cần lương thực như thế nào thì chúng ta cũng cần tha thứ như thế. Trước mặt Chúa, tất cả chúng ta đều là kẻ có tội. Và ngay cả các vị ‘thánh tinh khiết’, họ cũng vẫn là những người mang nợ trước mặt Chúa. Thật vậy, chúng ta luôn là những đứa con mãi mãi mang nợ Cha mình mọi sự.”

“Kiêu căng hợm mình như quỷ”

Vì thế người tín hữu kitô phải luôn đề phòng tội kiêu ngạo. Đó là thái độ nguy hiểm nhất, vì người kiêu ngạo khi đứng trước mặt Chúa họ nghĩ mình chẳng nợ Chúa gì. cũng vậy với thói hợm mình, điều xấu xa nhất trong các “tội tinh vi”.

Điều này có thể xảy ra trong một đời sống rất đạo hạnh. Đức Phanxicô nhắc lại ví dụ về một tu viện thời thế kỷ 17, nơi các nữ tu luôn sống trong cầu nguyện nhưng “kiêu căng hợm mình như quỷ”. 

“Không ai có thể yêu bằng chính sức lực mình”

Ngược lại với các thái độ này, Đức Phanxicô kêu gọi chúng ta luôn nhớ lại, sự sống là một ơn ban, một “phép lạ Chúa kéo ra từ hư không”. Cũng vậy, chúng ta phải nhớ không ai có thể yêu bằng chính sức lực mình.

Nếu người nào có khả năng yêu thương, người đó đã học thế nào là ý nghĩa của sự hiện hữu. Đức Phanxicô đặt câu hỏi: “Làm thế nào chúng ta không nhận ra sự hiện diện quan phòng của tình yêu của Chúa?”

Vì vậy ngài mời gọi chúng ta nhìn vào câu chuyện của những người đã rơi vào sai lầm như các tù nhân hay các người nghiện ma túy. Đức Phanxicô nài nỉ: “Đàng sau trách nhiệm luôn là cá nhân, chúng ta phải tự hỏi, liệu chuyện này có phải là thành quả của “hận thù và từ bỏ không”.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch