Hồi tưởng lại như cuộc giải phẫu

190

Hồi tưởng lại như cuộc giải phẫu

Trích sách Tập sống vượt lên nỗi sợ, Forgotten among the Lilies, Learning to Love Beyond Our Fears, Ronald Rolheiser

Có một ranh giới mong manh giữa luyến tiếc và khát vọng cho một ngây thơ đã mất. Cái đầu tiên không lành mạnh, cái thứ nhì lành mạnh.

Luyến tiếc là tình trạng suy thoái bệnh hoạn, đa cảm của tuổi mới lớn, níu kéo chúng ta về quá khứ, ngăn không cho chúng ta hăng say làm việc trong hiện tại. Cuối cùng, đó chỉ là cái xác khô đem xức hương xức hoa để ướp.

Đối với người ki-tô hữu, thách đố đi xa hơn, buông bỏ, không bám dính, chấp nhận cái chết, mất mát, thối nát để mở lòng ra đón nhận một cuộc sống mới, một tinh thần mới mà hiện tại mang đến.

Khổ thay, giống như thủ dâm, nó không bao giờ giải quyết sâu đậm được một cái gì. Tự chính nó, nó chỉ làm chúng ta quay lưng với sự thật để thích thú với hoang tưởng. Và tự nhiên, nó sẽ kéo theo tình trạng suy thoái tinh thần. Những lời này khó nghe, nhưng nó cần thiết để mở đầu cho những lời nói sau.

Thỉnh thoảng, chúng ta cần làm một chuyến hành trình ngược về nguồn, về tuổi trẻ, tuổi ngây thơ, về với thời gian, nơi chốn khi quả tim chúng ta chưa mang dấu thời gian, khi chúng ta còn trẻ, đơn sơ và hạnh phúc. Chuyến hành trình này giúp chúng ta điều chỉnh lại trọng tâm và đặt lại giá trị cái gì là chân thật nhất.

Nhưng chuyến hành trình này không phải là cuộc dạo chơi cảm tính để chúng ta khơi gợi lại tuổi trẻ, tính giản dị và ngây thơ trong mục đích răn dạy và hoặc chuốc thêm mặc cảm tội lỗi. Làm như vậy nó chỉ đẩy chúng ta đến tình trạng suy thoái tinh thần.

Việc đi lui này là để nhìn lại cái gì là có thật trong con người chúng ta. Tận sâu thẳm tâm hồn mình là gốc rễ đích thực của mình. Đến cuối chuyến hành trình, chúng ta nhận ra cuộc sống mình không bị phung phí, hư hỏng, không thay đổi được, chỉ còn biết buồn vì tội lỗi, vì mất mát, vì chết.

Chuyến hành trình hồi tưởng lại để nhớ nguồn cội không phải là chuyện làm theo cảm tính, nhưng là một cuộc giải phẫu, là cắt bỏ tế bào ung thư để đem lại cho quả tim một sức sống mới, trường thọ, tự do và một tấm lòng ngây thơ trong sáng.

Gần đây tôi đã có một chuyến hành trình như thế. Tôi hồi tưởng lại. Một phần là nỗi luyến tiếc, một phần là cuộc giải phẫu.

Tôi vừa e dè vừa tủi nhục khi nhìn lại mình như một đứa trẻ; nhưng nhất là e dè. Lúc đó gia đình tôi nghèo và đông anh em, chúng tôi thường ngồi quây quần quanh chiếc bàn gỗ trong một vùng dành cho di dân ở bang Saskatchewan. Trong trang trại nhỏ bé, chúng tôi nỗ lực học ngôn ngữ mới, để thành người có học, để tự xoay xở, nhưng trong nhiều năm trời, chúng tôi đã vật lộn chỉ để tồn tại.

Tôi lúc đó chưa biết nạn kinh tế suy sụp, nhưng tôi nhớ mùa đông năm 1955, khi đó chúng tôi quá nghèo. Gia đình tôi lúc nào cũng nghèo.

Ký ức khó phai nhất về thời thơ ấu của tôi là ký ức về cái đói, không phải không cần thức ăn, nhưng cái đói của một thế giới nghèo nàn về kinh tế và xã hội, nghèo nàn về mặt đời sống và kinh nghiệm, một trang trại hẻo lánh, nơi không có vòi nước nóng, và ngay cả không biết cách nào ăn mặc, nói năng cho đúng.

Cảm giác nghèo đè nặng lên tôi như một lời nguyền. Khi đó tôi mặc áo quần cũ vá đi vá lại của các anh lớn, áo quần lại còn hôi mùi nông trại và chuồng súc vật. Xấu hổ vì nghèo là chuyện hung ác nhất của tuổi vị thành niên.

Nhìn lại thời kỳ này tôi vẫn còn thấy tủi nhục. Nhưng nó cũng có một cái gì làm tôi tỉnh người và khỏe lại, tôi cảm thấy mình giàu như hũ bột của ông Ê-li-a.

Trên thực tế chúng tôi giàu dù chúng tôi lớn lên khó nghèo trong trang trại của những người di dân. Nhà cửa và quả tim chúng tôi đầy cả những gì là quan trọng thật sự.

Chân dơ, chân trần, giọng nói quê mùa nhưng lòng chúng tôi đầy hăng say. Chúng tôi có quả tim nồng, trong sáng, ham học và dễ dàng thích thú mọi chuyện. Chung quanh chúng tôi đầy cả tình thương và trong trắng.

Từ đó, tôi may mắn có nhiều gia sản và gặt hái nhiều thành công. Du lịch, thuyết trình, giảng dạy, tình bằng hữu đã cho tôi có cơ hội biết thực tế hầu hết những gì tôi mơ ước lúc còn là đứa trẻ hỉ mũi chưa sạch với đôi mắt mở lớn.

Nhưng đi cùng với thành công và kinh nghiệm này là một tâm trạng tê cứng, thiếu tự do, hết ngây thơ, mệt mỏi tinh thần, và nỗi sợ chuyến du hành về nguồn cội sẽ làm tôi bị suy thoái tinh thần. Nhiệt tình, hạnh phúc, ngây thơ vì sao lại hay vắng mặt?

Gần đây tôi đã phải bắt đầu mơ lại.

Khi có chuyện, đó là lúc lên đường về lại nông trại, nhớ lại nguồn gốc của tôi. Công việc của kỷ niệm là giải phẫu. Khi còn nhỏ, lòng chúng tôi ham học, trí chúng tôi khao khát hiểu biết. Bao nhiêu là ân huệ.

Lạy Chúa, xin Chúa làm cho tất cả trở thành ân huệ lại! 

Nguyễn Kim An dịch