Sau khi gặp Đức Phanxicô, Hồng y Barbarin trả lời phỏng vấn trên kênh truyền hình KTO
la-croix.com, 2019-03-19
Hồng y Barbarin trong lần gặp Đức Phanxicô ngày thứ hai 18 tháng 3-2019.
Sau khi Đức Phanxicô từ chối đơn xin từ chức của hồng y Barbarin, ngày 19 tháng 3, nhà báo Étienne Loraillère có cuộc phỏng vấn hồng y trên kênh truyền hình KTO.
Vì sao Đức Phanxicô không muốn chấp nhận đơn từ chức của cha?
Hồng y Philippe Barbarin: Vì một lý do rất đơn giản: ngài nói với tôi, “khi bản án sẽ kháng cáo thì có sự suy đoán vô tội. Vì thế, nếu tôi chấp nhận cho cha từ chức thì tôi công nhận cha có tội. Tôi không thể làm như vậy. Nhưng tôi có thể hiểu cha muốn rút lui.”
Đệ đơn từ chức lên giáo hoàng là một quyết định cha đã có trước khi tòa lên án?
Đúng, đó là sự thật, tôi đã liên lạc với ngài trước và trong phiên tòa. Tôi đã nói với ngài là tôi muốn giao lại cho ngài sứ vụ của tôi. Tôi không nghĩ là một cách diễn tả tốt khi nói một giám mục “từ chức” : giám mục nhận một sứ vụ, và giám mục giao lại sứ vụ.
Vì sao cha gởi cho giáo hoàng một ghi chú bằng tiếng Tây Ban Nha giải thích thủ tục kháng cáo?
Đó là các luật sư của tôi đã chuẩn bị. Tôi sẽ không từ chối để chuyển lại cho ngài. Tôi không thể nói với ông là giáo hoàng đã đọc, nhưng tôi gặp ngài, tôi thấy ngài đã có trong tay một số giấy tờ.
Cuộc gặp kéo dài nửa giờ?
Đúng, lâu hơn. Chúng tôi không chỉ nói về chuyện này. Chúng tôi nói về tháng truyền giáo phi thường, việc phong thánh cho Pauline Jaricot, việc tuyên bố Thánh Irénée là tiến sĩ của hiệp nhất…
Vì sao cha chọn con đường rút lui?
Lý do tôi đề nghị với giáo hoàng để giao sứ vụ lại cho ngài, là vì dù quyết định của tòa như thế nào, từ lâu giáo phận của tôi đã đau khổ nhiều. Trong phiên xử tôi nghe một nạn nhân nói: “Cha đau khổ từ ba hay bốn năm nay, chúng tôi đau khổ từ ba mươi hay bốn mươi năm nay”, câu này làm cho tôi rất xúc động. Thật khủng khiếp khi nghe như vậy.
Theo tôi, điều quan trọng là tất cả có thể khởi đi lại với đôi chân mới, trên một giai đoạn mới. Đó là điều đau khổ cho mọi người, chứ không phải chỉ riêng một mình tôi và nhất là cho những người khác.
Vụ án đã thay đổi gì ở cha?
Trước đây tôi hoàn toàn không biết gì về thế giới công lý và tòa án, vì vậy tôi phải chú ý. Điều tốt đẹp trong thế giới công lý là khuôn khổ của nó rất rõ ràng, vì thế phải nghe người khác. Ngoài ra có những phần trình bày rất dài của các nạn nhân đã làm cho tôi rất xúc động, dù trước đây tôi cũng đã gặp các nạn nhân hay cha mẹ của họ lâu. Họ bày tỏ một nỗi đau khủng khiếp, rất quan trọng để nghe và nỗi đau này không giảm với thời gian.
Còn tôi, tôi ở tòa hơn ba giờ. Tôi đã nói những gì tôi phải nói và tại sao tôi làm. Tôi cố gắng trình bày rõ ràng và trong sáng nhất có thể.
Làm thế nào cha có ý định rút lui?
Chính khi nói chuyện với giáo hoàng, khi tôi thấy ngài không muốn tôi từ chức, điều mà ngài có thể làm. Ngài nói với tôi: “Không phải tôi là người đưa ra quyết định, cũng không phải lúc nào Rôma cũng can thiệp và can thiệp khắp nơi. Nếu cha thấy trong giáo phận của cha cần có quyết định phải làm thì cha làm.” Chính khi nghe như vậy, tôi có chọn lựa là rút lui, một cách rút lui khỏi đời sống rất đẹp, rất sôi động, rất náo nhiệt của giáo phận để cho một tinh thần khác có thể phát triển.
Việc rút lui là có nghĩa là gì?
Tôi chủ trì 36 hội đồng, hội đồng linh mục, hội đồng giám mục, ủy ban cố vấn… Khi có các cuộc họp này, tôi sẽ không ở đó nữa. Tất cả sẽ do linh mục Yves Baumgarten, người rất được mọi người bảo bọc chung quanh, với hai linh mục đại diện khác và hai giám mục phụ tá, các hội đồng, các người có trách nhiệm phục vụ sẽ tiếp tục công việc của họ.
Vì sao chọn linh mục Yves Baumgarten để điều hành giáo phận khi cha vắng mặt?
Vì linh mục Yves là cha tổng đại diện điều phối. Linh mục sẽ là người đảm bảo mọi chuyện xảy ra tốt đẹp giữa các sứ vụ khác nhau, các hội đồng… Cha đảm bảo sự quân bình chung. Linh mục không có một nhiệm vụ cụ thể trong một lãnh vực đặc biệt nào. Đó là chỗ rất rất quan trọng để quân bình toàn bộ ngôi nhà.
Một cách cụ thể, công việc sẽ tiến hành như thế nào nếu không có cha?
Chẳng hạn tại hội đồng giám mục sắp tới, tôi sẽ không ở đó. Cũng tương tự như vậy với các cuộc họp với các người có trách nhiệm sứ vụ hay với hội đồng linh mục. Điều này cũng sẽ áp dụng với các công việc mục vụ. Chẳng hạn, tôi có thói quen đến nhà thờ chính tòa mỗi ngày thứ sáu từ 6 đến 7 giờ chiều, tôi sẽ không đến nữa. Tôi sẽ không dâng Lễ Lá, hay lễ trọng Phục Sinh. Các linh mục sẽ sống với cuộc sống mới, họ sẽ cầu nguyện cho tôi và tôi sẽ cầu nguyện cho họ. Tôi không biết tôi sẽ ở đâu, chắc chắn trong một tu viện.
Tôi rút lui không điều hành giáo phận. Tôi vẫn giữ chức vị giám mục giáo phận Lyon, tôi có thể ký giấy tờ nếu cần. Trong các việc quan trọng phải làm có các bổ nhiệm cho kỳ nhập học sắp tới, cũng đã tiến hành và linh mục Baumgarten sẽ hoàn thành những gì phải hoàn thành. Tôi cũng đã xin tín hữu cầu nguyện cho linh mục, đây là một trách vụ nặng nề đè nặng trên vai ngài.
Giáo luật đã dự trù mô hình này?
Tôi không biết, nhưng tôi làm những gì giáo hoàng nói với tôi. Ngài nói với tôi, “tôi không muốn lấy đi trách vụ của cha, nhưng tôi hiểu cha muốn rút lui”, và đó là điều tôi làm. Về mặt giáo luật, chúng tôi đã kiểm và không có vấn đề.
Bây giờ cha hy vọng gì cho giáo phận?
Một chút bình an. Tôi không biết bình an có thiếu không, nhưng tôi biết nỗi đau khổ rất lớn. Họ cần khởi đi với một động lực mới, vì hình ảnh của giáo phận mấy năm vừa qua là khủng khiếp và rất nặng nề để gánh, không phải chỉ riêng tôi mà toàn giáo phận. Tôi muốn giáo phận khởi đi một bước đi mới và tôi mong Chúa sẽ ban cho giáo phận cái đà mới này. Phần tôi, tôi sẽ rút lui. Tôi đã dành nhiều tuần trọn để đi thăm mục vụ, rất phong phú, rất thú vị và tôi sẽ không đi thăm nữa. Sau phán quyết này, sau bản án này, nhưng dù không có bản án, tôi cũng đã có dự định này, tôi nghĩ thật tốt để lật qua một trang khác.
Cha sẽ trở lại?
Tôi không biết gì, điều này phụ thuộc nhiều về tiến trình kháng cáo, hoặc rất lâu, hoặc chỉ vài tháng. Tình trạng sẽ hoàn toàn không giống nhau, nếu các việc này đóng lại, chẳng hạn vào cuối năm 2019, hay phải chờ ba năm. Tôi không biết, chính vì vậy tôi không nói gì cụ thể hơn. Phần tôi, tôi muốn cuộc sống tiếp tục ở bên trong giáo phận, và công việc của Chúa được thực hiện.
Như thế tình trạng có thể kéo dài trong vài tháng?
Đúng, tôi không biết gì hơn.
Vì lý do gì cha kháng cáo?
Đó là quyền mà nước Pháp cho tôi. Tôi xin lời khuyên của các công tố viên, thẩm phán, các quan tòa khác nhau, các luật sư và gần như tất cả đều nói với tôi, “đó là điều hiển nhiên”. Cũng có người khác nói với tôi, sẽ là tấm gương nếu tôi chấp nhận bản án này. Tôi tôn trọng các lập luận. Nhưng đó là điều mà luật pháp của nước Pháp đề nghị với tôi, và tôi đã làm. Giáo hoàng cũng nói với tôi: với ngài, điều này không thành vấn đề.
Cha luôn nói mình vô tội với những gì người ta trách cứ cha?
Tôi đã giải thích những gì tôi đã làm và vì sao tôi làm, và tôi nói: nếu tôi phạm sai lầm, xin nói cho tôi biết. Một nạn nhân đã nói với tôi, họ buồn vì đã không phản ứng trước sinh nhật 38 tuổi của mình, tôi nói với họ đi tìm một nạn nhân trẻ hơn và họ đã đi tìm, cả họ và cả tôi, chúng tôi không nghĩ là chính tôi phải làm chuyện này. Khi anh đến gặp tôi sau này, anh rất giận tôi từ ba năm nay vì đáng lẽ tôi phải hành động, nhưng không có lúc nào tôi nghĩ việc đó là việc tôi phải làm.
Cũng phải thừa nhận chương của Bộ luật Hình sự (trên cơ sở đó mà hồng y bị kết án trong phiên tòa sơ thẩm) được diễn giải rất khác nhau tùy theo thẩm phán. Nhưng nếu diễn giải để chống tôi thì họ sẽ làm.
Tôi không nói với ông là tôi đã làm đúng, nhưng tôi nói những gì tôi đã làm, làm như thế nào và vì sao. Chúng ta đứng trước một bản án dựa trên pháp luật, dù các chuyên gia thấy vấn đề một cách khác nhau. Đó là chuyện bình thường, tuy nhiên có một kháng cáo về quan điểm của khoảng cách này giữa ý kiến của công tố viên và của tòa án. Nó hoàn toàn phù hợp với pháp luật. Tôi không làm gì trái luật.
Việc rút lui của cha có hiệu lực kể từ hôm nay, 19 tháng 3?
Đúng.
Cha sẽ làm gì?
Tôi không có gì đáng phàn nàn. Trước hết tôi có một khối lượng khổng lồ công việc bị bê trễ, tôi sẽ có thì giờ trả lời rất nhiều thư… Sau đó, tôi nghĩ tôi dành thì giờ thinh lặng trong một tu viện, như thế sẽ tốt cho tôi. Rất nhiều người nói “cha lo cho cha nhé”. Tôi chưa bao giờ biết “chăm lo cho mình” là gì, nhưng tôi hy vọng tôi sẽ sống tốt mỗi buổi sáng, mỗi buổi chiều.
Giai đoạn sắp tới của cha là giai đoạn nào?
Tôi là tín hữu kitô, giai đoạn sắp tới là Tuần Thánh và Phục Sinh. Tất cả chúng ta đều tiến về hướng này. Lúc đó tôi sẽ ở trong tu viện, tu viện nào thì tôi chưa biết.
Cha nói gì với những người chưa hiểu quyết định từ chức của cha chưa được chấp nhận?
Tôi dự phần vào việc này vì chính tôi là người xin! Nhưng trong Giáo hội, chúng ta vâng lời giáo hoàng. Giáo hoàng nói với tôi, “tôi không muốn lấy quyết định, chính cha phải quyết định”. Rõ ràng và tôi nghĩ đó là điều tốt.
Tôi tin tưởng ở các cộng sự của tôi. Đó là một giáo phận có nghị lực, có khả năng sáng tạo… Nhưng tôi có cảm tưởng gánh nặng này đã đè nặng một cách bất công lên các giáo dân, các linh mục, các chủng sinh trong giáo phận vì họ không liên quan gì. Tôi đã là trọng tâm của mọi trách cứ. Cũng khó khăn cho họ khi thấy giám mục của mình luôn bị vặn hỏi, bị chỉ trích, bị xúc phạm, bị bôi bẩn. Các nạn nhân đã thấy được điều này, họ nói với tôi, “như thế để cha hiểu nỗi đau khổ của chúng con”. Điều này đã đánh động tôi rất nhiều. Đây là một cú sốc lớn cho Giáo hội, chuyện này phải thức tỉnh chúng ta, không phải chỉ trong Giáo hội những nhiều nơi khác cũng bị tác động.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Xin đọc thêm: Luật sư của hồng y Barbarin phản ứng về bản án của ngài
Sau khi Đức Phanxicô từ chối đơn xin từ chức của hồng y Barbarin, ngày 19 tháng 3, nhà báo Étienne Loraillère có cuộc phỏng vấn hồng y trên kênh truyền hình KTO.