Vượt qua Khoảng cách không thể vượt qua
Ronald Rolheiser, 2018-09-17
“Vả chăng giữa chúng ta và các ngươi, đã cắt ngang định sẵn một vực thẳm, khiến cho tự bên này có ai muốn cũng không thể qua bên các ngươi, và tự bên ấy, người ta không quá giang đến được với chúng ta”
Abraham đã nói những lời này với linh hồn trong dụ ngôn Người giàu và Lazarô (Lc 16), và thường chúng ta hiểu câu này, giữa thiên đàng và địa ngục có một khoảng cách không thể vượt qua. Không một ai đi từ địa ngục lên thiên đàng. Địa ngục là đời đời kiếp kiếp và dù có hối hận ăn năn bao nhiêu cũng không đủ để lên thiên đàng. Thật vậy, một khi đã vào địa ngục thì không một ai trên thiên đàng có thể giúp, và khoảng cách giữa hai bên đã định như thế rồi.
Nhưng đấy không phải là ý của dụ ngôn này.
Vài năm trước, Jean Vanier đã phát biểu trong dịp đọc các bài đọc Massey Lectures, và ông đã dùng dụ ngôn này. Ông nhấn mạnh rằng “vực thẳm không thể vượt qua” ở đây không phải là khoảng cách giữa thiên đàng và địa ngục như kiểu nghĩ thông thường. Theo ông Vanier, khoảng cách không thể vượt qua tồn tại ngay trong đời này, với khoảng cách giữa người giàu và người nghèo, khoảng cách mà chúng ta mãi mãi không thể khắc phục được. Hơn nữa, đây là khoảng cách với nhiều chiều kích hơn chúng ta tưởng tượng nổi.
Điều gì ngăn cách người giàu và người nghèo quá rạch ròi, như một vực thẳm dường như không bao giờ có thể vượt qua? Và điều gì có thể vượt qua được khoảng cách đó?
Ngôn sứ I-sa-ia đã cho chúng ta một hình ảnh dễ hiểu hơn (Is 65, 25) Rút ra từ một mộng ước về Đấng Thiên sai, ngôn sứ cho chúng ta biết cách có thể vượt qua khoảng cách này. Trong thời Đấng Thiên sai, khoảng cách này có thể vượt qua, khi chúng ta ở trong thiên đàng, vì ở đó vào thời ân sủng Chúa có thể tuôn đổ sự hòa giải chung, khi “Sói với chiên sẽ ăn cỏ làm một (với nhau), sư tử cũng như bò sẽ ăn cỏ,”
Sư tử và chiên sẽ nằm cạnh nhau. Nhưng sư tử sẽ giết chiên mà! Làm sao thay đổi được điều này? Đấy chính là khoảng cách không thể vượt qua giữa thiên đàng và địa ngục. Đó là khoảng cách giữa nạn nhân và kẻ thủ ác, người vô lực và kẻ quyền lực, người bị bắt nạt và kẻ bắt nạt, người bị khinh thị và kẻ mang tâm thức mù quáng, người bị đàn áp và kẻ áp bức, nạn nhân và kẻ kỳ thị, người bị thù ghét và kẻ thù ghét, người anh cả và đứa em hoang đàng, người nghèo và người giàu. Đấy chính là khoảng cách giữa thiên đàng và địa ngục.
Nếu đây là ý của I-sa-ia, và tôi nghĩ đúng là thế, thì hình ảnh này đem lại một thách thức theo cả hai hướng. Không chỉ con sư tử cần biến đổi và trở nên hiền lành, thông hiểu và phi bạo lực để có thể nằm cạnh con chiên, mà chính con chiên cũng cần biến đổi và đi sâu hơn trong sự thông hiểu, tha thứ và tin tưởng để nằm cạnh sư tử. Mỉa mai thay, điều này có thể là một thách thức lớn đối với con chiên hơn là sư tử. Một khi bị tổn thương, một khi đã là nạn nhân, đã bị thù ghét, bị sỉ vả, bị cưỡng hiếp, bị bắt nạt, một khi đã bị kỳ thị vì chủng tộc, giới tính, tôn giáo hay xu hướng tính dục, thì rất khó, và hầu như là không thể để người ta toàn tâm tha thứ, quên đi, và tin tưởng người đã làm tổn thương chúng ta.
Đôi khi đời có thể bất công khủng khiếp và có lẽ sự bất công lớn nhất chính là sự bất công khi phải làm nạn nhân, chịu đựng bạo lực, cưỡng hiếp, giết người. Mà sau khi đã chịu những thứ đó, chúng ta lại phải tha thứ cho những kẻ đã thủ ác, với ý thức rằng người đã gây hại cho chúng ta có lẽ sẽ thấy thanh thản hơn khi được bỏ qua vụ việc đó mà hướng đến sự hòa giải. Đấy có lẽ là sự bất công lớn nhất. Con chiên phải tha thứ cho con sư tử đã giết mình.
Thế mà đó lại là mời gọi cho tất cả chúng ta, những người sống kiếp nạn nhân. Parker Palmer nói rằng bạo lực xảy đến khi người ta không biết phải làm gì khác với nỗi đau của mình, và những chuyện bạo hành, kỳ thị chủng tộc giới tính, căm ghét người đồng tính, và khinh bỉ người nghèo đều là những hậu quả tai ác của điều này. Ông gợi ý rằng, chúng ta cần có một “hình dung đạo đức” rộng lớn hơn.
Tôi tin là ông nói đúng về cả hai điểm này. Nhưng hiểu rằng kẻ thủ ác thật ra đang rất đau đớn, hiểu rằng kẻ bắt nạt trước đó đã bị bắt nạt, thường chẳng giúp gì mấy trong việc xoa dịu nỗi đau và sự sỉ nhục mình đã chịu. Cũng thế, hình dung cách lý tưởng nhất để đáp trả những chuyện này theo tinh thần Kitô hữu, thì có ích đấy nhưng tự nó không đủ cho chúng ta sức mạnh để tha thứ. Cần có một thứ gì đó nữa, cụ thể là một sức mạnh vượt quá chúng ta.
Đây là một lời dạy khó nuốt, một lời dạy không thể nói qua là được. Làm sao để tha thứ cho một người đã xúc phạm đến mình? Trong đời này, hầu như là không thể, nhưng hãy nhớ rằng ngôn sứ I-sa-ia đang nói về thời Đấng Thiên sai, một thời mà với ơn Chúa giúp, chúng ta có thể vượt qua vực thẳm không thể vượt qua đó.
J.B. Thái Hòa dịch