lavie.fr, Jean-Pierre Denis, tổng biên tập báo Đời sống, 2018-07-31
Bị bắt buộc và miễn cưỡng, hồng y Theodore McCarrick, 88 tuổi từ chức hồng y đoàn. Đứng trước cáo buộc lạm dụng tình dục, hồng y không được có hoạt động công cộng nào. Đức Giáo hoàng áp đặt “một đời sống cầu nguyện và ăn năn” cho hồng y, trong khi chờ đợi có phiên tòa theo giáo luật. Ở Pháp không ai biết giám chức này, nhưng ở Mỹ và ở tầm mức Giáo hội hoàn vũ thì hồng y McCarrick không phải là một người như bất cứ người nào. Hồng y đóng một vai trò quan trọng dưới thời Đức Gioan-Phaolô II, đáng chú ý, hồng y là Tổng Giám mục giáo phận Newark và sau đó là giáo phận Washington. Hồng y tham dự mật nghị bầu Đức Bênêđictô XVI. Nếu các trường hợp nêu lên là đã cũ, nhưng người ta nhận ra những chuyện này đã được biết từ rất lâu, từ thời McCarrick chỉ là một linh mục bình thường. Lời tố cáo đầu tiên được ghi nhận là từ năm 1994. Mùi thối bao quanh tu sĩ không ngăn tu sĩ dần dần thăng tiến trong thứ trật, kể cả khi những vụ bê bối lạm dụng tình dục có tầm quan trọng lớn.
Một sự từ chức không giải quyết mọi sự. Đó là điều ít giải quyết được nhất trong tất cả các điều. Trước hết, là phải sáng suốt và kiên nhẫn. Trong khi Giáo hội Mỹ đương đầu với các vụ lạm dụng tình dục từ hai thập niên nay, vụ McCarrick chứng tỏ còn lâu, rất lâu Giáo hội Mỹ mới giặt xong đống chăn bẩn. Chúng ta biết gì dưới thời Đức Gioan-Phaolô II? Ngài biết gì? Giả sử ngài không biết, làm sao có thể như vậy được? Và làm thế nào ngăn chận những tình huống như vậy dưới thời các vị kế nhiệm của ngài? Tinh thần tập thể tồn tại trong mọi tổ chức, trong Giáo hội cũng như trong mọi thể chế khác, đôi khi còn hơn bất kỳ tổ chức nào khác khi thiêng liêng và bí mật lẩn vào nhau. Tinh thần đồng đoàn này thường ngăn cản việc nghe các lời chỉ trích hay cáo buộc, các người lên tiếng báo động, khi không đưa đến việc trừng phạt như ở nơi khác. Khi không có một cơ quan kiểm tra thật sự độc lập, thì một loại “cảnh sát của cảnh sát”, báo chí và áp lực quần chứng đóng vai trò này. Và như chúng ta đã thấy, giá phải trả là rất cao.
Việc xử lý các vụ lạm dụng tình dục luôn là trường hợp kinh điển, chẳng hạn có những ví dụ rất rõ về những gì không nên làm.
Nói chuyện này nhanh chóng, nói tất cả và chính ông phải nói (“Tell it early, tell it all, tell it yourself.”). Đó là lời khuyên mà ông Lanny J. Davis luôn nhắc đi nhắc lại, ông là luật sư và chuyên gia về truyền thông được mời để giúp đỡ Tổng thống Bill Clinton vào thời điểm có vụ bê bối tình dục với cô Lewinsky. Các công ty, các chính trị gia, các Giáo hội… những ai bỏ qua quy tắc vàng này để chọn trì hoãn hoặc chỉ nói mập mờ không chịu nhận, hoặc trừng phạt nửa thật nửa giả thì họ có nguy cơ trả giá cao, như bộ phim tập Benalla chiếu mỗi ngày cho thấy. Xử lý các vụ lạm dụng tình dục luôn là trường hợp kinh điển, chẳng hạn có những ví dụ rất rõ về những gì không nên làm. Chúng ta nhớ là Giáo hội Mỹ đã đương đầu với vấn đề này từ cả một thế hệ nay!
Tôi viết bài xã luận này ở Mỹ. Ở đất nước này người công giáo rất nhiều, họ dấn thân, Giáo hội được tổ chức mạnh mẽ và ngay cả có mặt rất nhiều trong chính trường và ở Tòa án tối cao. Họ có rất nhiều điều để nói về bảo vệ sự sống, theo nghĩa rộng mà Đức Phanxicô đồng ý. Có nghĩa cùng một lúc chống phá thai và chống các khía cạnh vô đạo đức nhất của chính sách của Trump, các vấn đề khác như khí hậu, quà tặng thuế cho nhà giàu, vấn đề vũ khí, vấn đề kỳ thị, tham nhũng của các bài phát biểu trước công chúng… Chúa nhật vừa qua, ở một giáo xứ nhỏ vùng hẻo lánh Oregon, cha giảng đã nhắc đến các trẻ em của những người di dân bất hợp pháp bị tách ra khỏi cha mẹ, một vấn đề chưa được giải quyết làm cho nước Mỹ bị nhục nhã. Nhưng nếu chúng ta muốn tiếng nói vượt ra ngoài biên giới của các tín hữu trung thành, thì thể chế phải xem đây là chuyện nghiêm túc. Khôi phục độ tin cậy của mình phải trở thành ưu tiên hàng đầu bằng mọi giá.
Marta An Nguyễn dịch