Lượm rác: Hành vi lạ lùng của các ủng hộ viên Nhật

214

Lượm rác: Hành vi lạ lùng của các ủng hộ viên Nhật

Các ủng hộ viên Nhật dọn dẹp sân vận động sau cúp thế giới

cath.ch, Maurice Page, 2018-07-03

Hình ảnh các ủng hộ viên Nhật dọn dẹp sân vận động sau cúp thế giới đã làm cho thế giới Tây phương ngạc nhiên, thậm chí còn làm cho họ suy nghĩ. Linh mục William Grimm, nhà truyền giáo ở Tokyo thì không ngạc nhiên. Đây là tinh thần tuyệt đối không nhường bước trước “meiwaku”, làm phiền hay làm người khác bực mình.

Rất nhiều khán giả cúp thế giới chứng kiến tinh thần văn minh này của người Nhật. Họ ngạc nhiên, vui thích nhưng thậm chí còn bối rối khi thấy các ủng hộ viên Nhật dọn dẹp sau mỗi trận đấu. Theo Linh mục William Grimm, đây là một nét tiêu biểu của văn hóa Nhật. Ở Nhật, tội “meiwaku”, tội làm phiền hay làm người khác bực bội là tội bị xã hội lên án nặng nhất. Linh mục William Grimm giải thích cho hãng tin công giáo ucanews, “để tránh tội “meiwaku”, mỗi người phải canh chừng trong mọi lúc, khi nào cũng để ý đến nhu cầu và tiện nghi chung quanh mình”. 

Nạn nghèo khổ và nạn đông dân

Theo Linh mục Grimm thì thái độ này có hai nguồn gốc, nạn nghèo khổ và nạn đông dân. Trước khi trở thành cường quốc kinh tế và kỹ nghệ như hiện nay, nước Nhật đã trải qua một thời gian dài là nước rất nghèo, có ít tài nguyên quốc gia. Nước Nhật là vùng bán đảo núi non, đất đai cày cấy hạn chế, lại hay bị động đất, cuồng phong, núi lửa, tsunami, nạn đói tàn phá.

Sự đơn giản trong kiến trúc và đời sống của người Nhật được cả thế giới hâm mộ đi từ sự nghèo khổ này. Các thói quen như nêm nếm thức ăn nhẹ, ăn rau, ăn cá sống, thậm chí còn tắm công cộng chắc chắn xuất phát từ sự thiếu thực phẩm, thiếu cũi đốt hơn là khiếu mỹ thuật hay ẩm thực cao.

Nạn đông dân là nguyên do thứ nhì. Từ nhiều thế kỷ nay, người Nhật sống chen chúc trong các thành thị. Linh mục William Grimm phân tích, đời sống nghèo khổ và nạn đông dân có thể đưa đến một loại văn hóa ích kỷ, thu ven cho mình. Có những nền văn minh khác đã trải qua cùng thử thách, họ có khuynh hướng loại bỏ các lời xin của những người không ở trong cùng gia đình, trong cùng bộ tộc, chỉ vì để cho sự sống còn của mình trước.

Sống trong môi trường nghèo và chen chúc ở thành phố, người Nhật học cách để sống trong một khoảng không gian rất nhỏ. Vì thế giải pháp “meiwaku, không làm phiền người khác” là giải pháp đáp ứng cho vấn đề mà bây giờ đã tạo ra được sự hài hòa và tôn trọng trong xã hội. Để tránh “làm phiền người khác”, mỗi người phải chú tâm đến tiện nghi, đến sự thoải mái của những người chung quanh mình. Đương nhiên rác rưới sẽ “làm phiền người khác”. Và dọn dẹp rác sau mỗi trận bóng gần như là bản chất thứ nhì của các ủng hộ viên người Nhật.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch