Hoàng tử William mặc niệm ở Mộ Thánh
fr.aleteia.org, Marzena Devoud, 2018-06-29
Ngày thứ ba 26 tháng 6, hoàng tử William có chuyến đi năm ngày ở Israel và các vùng Palestina. Nhân dịp này, hoàng tử thăm các nơi thánh ở Giêrusalem, trong đó có đền thánh của Mộ Thánh, nơi ông dừng lại lâu nhất. Từ khi đất nước được thành lập năm 1948, chưa bao giờ có một thành viên trong gia đình hoàng gia đến Israel. Đứng hàng thứ nhì trong thứ trật kế vị ngôi vua, ngày thứ năm, hoàng tử William đến Giêrusalem thăm những nơi thánh của ba tôn giáo đơn thần lớn. Ở đền thánh Mộ Thánh, được xây nơi Chúa Giêsu Đóng Đinh và nơi Sống Lại của Chúa Kitô, hoàng tử anh giáo William đã được một phái đoàn đại diện các Giáo hội đón tiếp.
Hoàng tử William được giám mục anh giáo Suhail Dawani ở Giêrusalem tiếp cùng với thượng phụ Hy Lạp chính thống Théophile III, thượng phụ Armenia của Giêrusalem Nourhan Manougian và đan sĩ Dòng Phanxicô đại diện cơ quan Quản thủ Đất Thánh đi cùng. Sau khi vào nhà thờ, hoàng tử William quỳ gối trước khi đặt tay trên đá dấu thánh mà theo truyền thống thi thể của Chúa Giêsu đã được liệm trước khi đặt vào mồ.
Thượng phụ la-tinh của Giêrusalem cho biết, sau đó hoàng tử đến ngôi mộ, nơi Chúa Kitô sống lại, tại đây hoàng tử cầu nguyện khá lâu. Sau khi viếng nhà thờ, hoàng tử lên các bậc thang để đến núi Sọ, đến đây hoàng tử thắp nến cầu nguyện.
Trước đó, hoàng tử William đến nhà thờ Thánh Maria-Mađalêna ở Núi Ô-liu, gần Vườn Giếtsêmani. Một nơi có tính cách biểu tượng của hoàng tử vì nơi đây là mộ chôn bà cố công chúa Alice, mẹ của hoàng tử Philip, chồng của nữ hoàng Élisabeth II.
William đã đến vinh danh bà cố Alice ở Battenberg, năm 1993 bà được phong là “Người công chính của các quốc gia” vì đã cứu một gia đình do thái ở Hy Lạp trong thời Thế Chiến Thứ Hai khi bà làm việc cho Hội Hồng Thập Tự.
“Xin Chúa chúc lành cho vùng này và cho thế giới được sống trong hòa bình”
Hoàng tử William cũng đến thăm Viện tưởng niệm Lò Thiêu Yad Vashem và Bức Tường Than Khóc. Theo nhật báo Jerusalem Post, hoàng tử đã viết trong quyển sách vàng của nơi biểu tượng cầu nguyện cao nhất của người Do thái: “Xin Chúa chúc lành cho vùng này và cho thế giới được sống trong hòa bình.”
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch