Các tân hồng y lo cho các tín hữu kitô bị bách hại và người nghèo

277

Các tân hồng y lo cho các tín hữu kitô bị bách hại và người nghèo

cath.ch, 2018-05-21

Đối với Đức Phanxicô, quan trọng là các hồng y đại diện cho tính hoàn vũ của Giáo hội (Photo:Jeffey Bruno/Flickr/CC BY-NC-ND 2.0)

Ngày 21 tháng 5, sau khi Đức Phanxicô loan tin sẽ phong 14 tân hồng y, báo chí quốc tế đăng phản ứng và các vấn đề chủ yếu mà một số tân hồng y quan tâm đến đặc biệt. Các tân hồng y gồm bảy Âu châu trong đó có ba tân hồng y trong giáo triều, ba Nam Mỹ và một Phi châu.

Theo tin của Vatican News tiếng Ý thì tân hồng y người Ý Angelo Becciu, phó Phủ Quốc Vụ Khanh mong “tìm được các con đường tốt để rao giảng Phúc Âm đứng trước vấn để bỏ kitô giáo càng ngày càng nhiều ở phương Tây”. Ngài tâm sự: “Có vẻ như Đức Phanxicô muốn giao cho tôi một công việc khác, nhưng phải chờ…”. Theo các thông tin thâu lượm được của hãng tin I.MEDIA thì tân hồng y Becciu sẽ có thể đảm nhiệm chức vụ ở Bộ phong thánh, thay cho hồng y Angelo Amato sẽ 80 tuổi vào ngày 8 tháng 6 sắp tới và ngài sẽ từ nhiệm vào dịp này.

Nâng đỡ các tín hữu kitô ở Irak

Hãng tin AsiaNews cho biết, việc phong Giám mục Louis Raphael Sako, giáo phụ Giáo hội Chanđê từ năm 2013 lên hàng hồng y là sự nâng đỡ của Đức Giáo hoàng đối với Giáo hội Chanđê, cho tín hữu kitô và cho toàn người dân Irak. Giám mục Sako là người có hai trách nhiệm, cho tín hữu kitô và cho người dân Irak, dấn thân trong một thời điểm cực kỳ khó khăn, với việc bầu cử lập pháp vào đầu tháng 5.

Hãng tin Vatican News cho biết, Giám mục Angelo De Donatis, giám mục giám quản giáo phận Rôma tuyên bố: “Là hồng y là phục vụ dân Chúa trong tinh thần tử đạo theo phẩm phục đỏ của hồng y. Dù không phải tử đạo với máu, nhưng tử đạo với đức ái mà chúng ta sống mỗi ngày khi cho sự sống của mình”.

Giám mục Manyo Maeda cũng trong một tinh thần khiêm tốn như vậy, giám mục ở giáo phận Osaka và là hồng y thứ sáu của Nhật. Ngài cho hãng tin Ucanews biết, mình “không phải là người xứng đáng để làm hồng y”.

Sau tám năm chờ, bây giờ Madagascar mới có hồng y, ngài là giám mục Désiré Tzarahazana, giáo phận Toamasina. Được hãng tin Vatican News phỏng vấn, tân hồng y cho biết mình rất ngạc nhiên khi nghe tin: “Đây là niềm vui không bờ đối với người dân Madagascar. Tôi hy vọng điều này sẽ mang hy vọng lại cho người dân luôn khát vọng một đời sống xứng với nhân phẩm”.

“Màu đỏ tía này là của người nghèo”

Còn về Giám mục Konrad Krajewski, người lo việc từ thiện của giáo hoàng, ngài tuyên bố với Vatican News: “Màu đỏ tía này là màu của người nghèo”. Giám mục Konrad, 54 tuổi, ngài nghe tin này khi sắp đi xe đạp ra khỏi Vatican. Ngài được biết đến như cánh tay mặt của giáo hoàng để lo cho các việc bác ái của Giáo hoàng ở Rôma, ngài đón người vô gia cư, người tị nạn chung quanh quảng trường Thánh Phêrô, cho họ nơi ở, nơi tắm giặt và các dịch vụ săn sóc sức khỏe.

Linh mục Aquilino Bocos Merinon là linh mục duy nhất được phong hồng y, cha là tu sĩ dòng Clarê Tây Ban Nha, bề trên tỉnh Dòng Truyền giáo Clarê ở Castille từ năm 1991 đến  2003. Cha là thành viên Bộ đời sống thánh hiến từ năm 1994 đến 2004. Ngài đã ngoài 80 nên không ở trong danh sách hồng y cử tri. Việc phong một linh mục lên hành hồng y là chuyện hiếm dù theo giáo luật là hợp pháp.

Trên 125 hồng y cử tri đoàn sau công nghị ngày 29 tháng 6, trong đó hồng y Angelo Amato đã đến tuổi 80, thì có 20 hồng y được Đức Gioan-Phaolô II phong, 46 hồng y được Đức Bênêđictô XVI phong và 59 hồng y được Đức Phanxicô phong.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Xin đọc: Giám mục Manyo Maeda, ngư ông và nhà thơ sẽ là hồng y thứ sáu của Nhật