“Đối với Đức Phanxicô, một bữa ăn thành công là bữa ăn được chia sẻ”
o.nouvelobs.com, Alice Tixier, 2018-05-10
Tháng 4 năm 2014, các nhân viên ở Vatican ngạc nhiên gặp Đức Phanxicô ở bàn ăn của họ ở căng-tin. (Osservatore Romano / AFP)
Các bữa ăn của Đức Phanxicô thì đơn giản và bình thường. Đối với ngài, bữa ăn là lúc vui vẻ, tiếp nhận và chia sẻ với những người nghèo nhất. Ngài bảo vệ môi sinh và chống nạn đói trên thế giới, nhưng không vì vậy mà ngài không có thú vui ngồi vào bàn, nhất là khi có các thức ăn Argentina và rượu vùng Piemont, nước Ý.
Còn trẻ, ngài có bằng kỹ sư về hóa học thực phẩm. Khi còn nhỏ ngài thích làm … anh hàng thịt. Ngài thừa hưởng sở thích làm bếp của bà nội, bà truyền cho ngài các công thức nấu ăn.
Nhà viết tiểu sử và ký giả Ý Roberto Alborghetti trong quyển sách gần đây “Vào bàn với Đức Phanxicô” (A la Table du Pape François, nxb. Bayard) cho biết, “thức ăn luôn có một chỗ đặc biệt trong đời ngài”. Phỏng vấn tác giả Roberto Alborghetti.
Ông nghĩ ẩm thực và đạo công giáo có tương hợp với nhau không?
Thức ăn là yếu tố nối kết giữa con người và thần thánh. Vi dụ tiêu biểu nhất là bánh mì – trọng tâm của đạo công giáo – , vì đó là biểu tượng mọi ơn đến từ Chúa. Thi Chúa Giêsu mời tín hữu cầu nguyện để xin “lương thực hàng ngày” thì không phải chỉ xin theo nghĩa đầu tiên là thức ăn vật chất, nhưng là tất cả những gì cần thiết để sống.
Một trong các phim Đức Phanxicô yêu thích là cuốn Bữa tiệc của Babette (Le Festin de Babette), cuốn phim ca ngợi cảm nhận thích thú có bữa ăn ngon, tránh mọi hình thức khổ hạnh thái quá.
Thế nào là một bữa ăn thành công theo Đức Phanxicô?
Đó là bữa ăn được chia sẻ. Ngồi vào bàn là giây phút quan trọng trong đời con người, vì vậy bữa ăn không nên bị xáo trộn bởi các chuyện đãng trí khác như truyền hình, điện thoại. Rất nhiều lần Đức Phanxicô mời các người nghèo ngồi bàn với ngài. Đó là dịp nói đến các niềm vui nỗi buồn với nhau. Ngài nói: “Đời sống không phải là thời gian trôi qua nhưng là thời gian gặp gỡ”. Và bữa ăn là giây phút lý tưởng để gặp gỡ.
Có phải ngài là giáo hoàng đầu tiên mời người nghèo vào bàn?
Trong lịch sử kitô giáo, người đầu tiên chia sẻ bữa ăn với người nghèo là Chúa Giêsu. Các giáo hoàng khác cũng có mời. Đức Phanxicô làm theo tinh thần Tin Mừng và Thánh Phanxicô Axixi. Ngài mời gọi chúng ta kiến tạo hòa bình để cùng ngồi bàn với người khác trong bầu khí chia sẻ, tiếp nhận và vui vẻ.
“Người nghèo phải có đủ ăn” là dấn thân quan trọng của triều giáo hoàng của ngài?
Đức Phanxicô khi nào cũng có những lời nói rất nghiêm khắc về việc phung phí thức ăn. Ngài kể cho tôi chuyện khi còn nhỏ, nếu bánh rơi xuống đất, cha mẹ bắt ngài phải lượm lên, hôn bánh và để lại trên bàn. Theo thống kê năm 2017 cho biết thế giới có 815 triệu người lâm vào nạn đói, (11% dân số trên thế giới) thì đối với ngài, ngài không thể không lên tiếng, nghĩ rằng người khác sẽ lên tiếng. Cũng không thể nghĩ rằng vấn đề sẽ được giải quyết nếu bớt số miệng ăn phải nuôi.
Theo ngài, điều quan trọng là phải suy nghĩ lại, phải xem lại hệ thống thực phẩm của chúng ta trên khía cạnh đoàn kết, chia sẻ các nguồn tài nguyên đang có của chúng ta.
Ngài có biết nấu ăn không?
Có và rất giỏi. Ngài thật sự rất thích làm bếp. Công chúng ít biết, nhưng ngài có bằng kỹ sư hóa học về thực phẩm. Dù bây giờ ở địa vị lãnh đạo Giáo hội, ngài không có bao nhiêu thì giờ, nhưng khi còn ở Tòa giám mục Buenos Aires, ngài thường hay nấu bếp. Bà Elena, em gái của ngài cho tôi biết, ngài nấu món mực rất ngon. Linh mục Scannone, cựu giáo sư và là bạn của ngài không ngớt lời khen ngợi món thịt heo nấu pha-xí hay món thịt bò rô-ti của ngài. Ngài thích những món đơn giản và theo sở thích ẩm thực Argentina.
Ngài có mê ăn không?
Có, ngài thích các món tráng miệng tiêu biểu và truyền thống, đặc biệt các món bánh ngọt Argentina như bánh kẹp, bánh kem ca-ra-men. Chính khi ở tiệm bánh La Perla nổi tiếng của Buenos Aires mà thanh niên trẻ Jorge thổ lộ với cha mẹ mình ngài muốn làm linh mục. Ngài chọn nơi này vì ở đây thoải mái hơn để nói với cha mẹ một quyết định quan trọng và nền tảng của đời mình.
Ngài rất mê bánh empanada, một loại như pa-tê-sô. Ngài là ‘khách hàng quen thuộc’ của nhà ăn Nhà Thánh Marta, nơi có món bánh thịt nướng lò rất ngon.
Còn rượu?
Ngược với một số báo viết, ngài có uống rượu. Ngài không thể không uống rượu vì rượu là trung tâm bàn thánh, thánh lễ cần phải có rượu. Khi các khách hành hương tặng ngài rượu, và họ hay tặng ngài, ngài luôn vui vẻ nhận. Ngài thích rượu vùng Piémont.
Roberto Alborghetti là tiểu sử gia. Tác phẩm gần đây của ông: Vào bàn với Đức Phanxicô, nxb. Bayard.
Marta An Nguyễn dịch
Xin đọc: Khi Đức Phanxicô vào bàn