Hai người suy nghĩ tự do ở tiền-thượng hội đồng giới trẻ
Sandro Bucher đi cùng với cô Medea Sarbach và anh Jonas Feldmann tham dự tiền-thượng hội đồng giới trẻ ở Rôma. Anh là người vô thần. | © Vera Rüttimann.
cath.ch, Vera Rüttimann, bản dịch của Maurice Page 2018-03-15
Đức Phanxicô xây dựng trên giới trẻ. Ngài mời các người trẻ khắp thế giới về dự tiền-thượng hội đồng giới trẻ từ ngày 19 đến ngày 24 tháng 3 – 2018. Mục đích là nắm bắt được cái nhìn về thế giới và thái độ của họ đối với Giáo hội. Các tiếng nói phê phán cũng được mời đến. Hai bạn trẻ Thụy Sĩ thuộc vùng nói tiếng Đức Jonas Feldmann, người công giáo có tinh thần phê phán và Sandro Bucher, người vô thần sẽ đi Rôma.
Sandro Bucher, ký giả phụ trách mục truyền thông xã hội cho tạp chí khoa học “Higgs” tự nhận mình là người vô thần, anh ở thành phố Lucerna. Năm 16 tuổi, anh ra khỏi Giáo hội. Nhưng sự việc anh tham dự tiền-thượng hội đồng giới trẻ ở Rôma không phải là chuyện quá ngạc nhiên. Anh Sancho không phải là người mới vô nghề trên lãnh vực truyền thông về các vấn đề Giáo hội. Rất tích cực trên các trang mạng xã hội, anh Sandro diễn tả sắc bén về các vấn đề của chủ nghĩa vô thần và chủ nghĩa nhân đạo.
Khi còn nhỏ, anh rất thích thú với tôn giáo và với đạo công giáo. Anh nhớ lại: “Mỗi lần đi chơi, tôi đều muốn vào bên trong tất cả các nhà nguyện”. Trong tuổi thanh xuân, anh đi đến một quan điểm, anh nhận thấy “Giáo hội công giáo và đức tin vào Chúa là những chuyện mà anh không thấy cần”. Tuy nhiên anh chưa bao giờ cắt đứt sợi dây liên lạc hoàn toàn. Bây giờ anh còn tìm cách đối thoại với giáo dân, với các tu sĩ trong đó có cha Martin Werlen, cựu giáo xứ Einsiedeln. Trên một vài vấn đề xã hội-chính trị, anh cảm thấy gần gũi với suy nghĩ của một vài đan sĩ Dòng Biển Đức.
Anh Sandro Bucher là người suy nghĩ tự do theo đúng nghĩa của từ này. Đối với anh, quan trọng là không nhốt kín mình trong võ bọc, trong đó mọi ý kiến đều giống nhau. Anh không thể thật sự giải thích đức tin vào Chúa, vì thế anh đi tìm câu trả lời. Anh cũng tìm câu trả lời trong các tổ chức nhân đạo và vô thần, như Hội Thụy Sĩ của những người suy nghĩ-tự do.
Một Giáo hội kẻ thù của tiến bộ
Nhà báo trẻ quan sát Giáo hội với cái nhìn từ bên ngoài. Anh không nuốt được các quan điểm của Giáo hội về độc thân, về chỗ đứng của phụ nữ hay về vấn đề phá thai. Theo anh, Giáo hội như chống đối với tiến bộ, xa với thực tế. Cách Giáo hội tiếp cận với người vô thần cũng làm cho anh không hài lòng. Anh nhấn mạnh: “Trong xã hội cũng như trong Giáo hội công giáo, các người vô thần ít được xem trọng, nhưng chúng tôi rất đông”. Chẳng hạn, chương trình truyền hình Đức “Thời đại tôn giáo” (Sternstunde Religion) không bao giờ có chỗ cho người vô thần với các phê phán của họ về các Giáo hội, dù chúng tôi cũng thảo luận về các vấn đề triết học.
Các xung động mới cho suy tư của anh
Anh Sandro Bucher đi Rôma với rất nhiều mong chờ. Anh đi với ý tưởng trong đầu mình sẽ gặp rất nhiều người công giáo: “Tôi rất hiếu kỳ về chuyện này, tôi hy vọng sẽ tìm con đường mới trong các suy tư xã hội, tôn giáo và triết học”. Tuy nhiên anh không mong chờ gì nhiều ở thượng hội đồng các giám mục vào tháng 10 sắp tới. Theo anh, thái độ của Giáo hội công giáo đối với người vô thần sẽ không thay đổi. Nhưng anh cũng vui: “Tôi là người vô thần, nhưng Giáo hội không tách biệt tôi. Một cách tích cực hay tiêu cực, Giáo hội cũng có ảnh hưởng trên chúng tôi. Giáo hội là một yếu tố của quyền lực xã hội”. Anh cho rằng, quan trọng là không nhìn Giáo hội như một thế giới song song, nhưng quan sát và tháp tùng Giáo hội với một tinh thần phê phán.
Jonas Feldmann cùng đi với cô Medea Sarbach và anh Sandro Bucher ở tiền-thượng hội đồng giới trẻ ở Rôma. Anh xa với Giáo hội. | © Vera Rüttimann.
Bám rễ trong Giáo hội
Tại sao là tôi? Đó là câu hỏi anh Jonas Feldmann đặt ra khi được mời đi tham dự tiền-thượng hội đồng giới trẻ ở Rôma. Anh là sinh viên y khoa, 25 tuổi, anh cho biết: “Trong những năm gần đây, tôi thật sự không hoạt động tích cực trong Giáo hội”. Trong một thời gian dài, anh cảm thấy thoải mái ở giáo xứ St-Michel ở Zoug, thành phố nơi anh lớn lên. Anh nhận được từ cha mẹ các giá trị vững chắc của kitô giáo mà bây giờ vẫn còn là hành trang trong cuộc sống của anh.
Một người công giáo phê phán
Anh Jonas tự cho mình là người công giáo có tinh thần phê phán, vì có một vài yếu tố trong Giáo hội đã làm anh hơi xa Giáo hội trong những năm gần đây. Anh thường đọc trên các phương tiện truyền thông quan điểm của các giám mục, mà cá nhân anh không thể nào đồng ý: “Đôi khi có những quan điểm làm cho tôi bực mình đến mức tôi tự hỏi tôi có thể và tôi có muốn là thành viên của một thể chế công khai nói ra những chuyện như thế này không?” Trong số các quan điểm này là các vấn đề kỳ thị phụ nữ một cách hệ thống hay quan điểm về phá thai, về trợ tử.
Anh Jonas là chính trị gia địa phương trong các sinh hoạt của người trẻ ở Zoug, đặc biệt anh dị ứng với thái độ của Giáo hội về vấn đề đồng tính: “Tôi thật sự hoàn toàn không hiểu vì sao Vatican không công nhận hôn nhân đồng tính có cùng giá trị như hôn nhân cổ điển”. Các vấn đề như giáo dục tính dục và ngừa thai cũng làm anh bực mình: “Trong một vài tuyên bố của Giáo hội, đôi khi tôi có cảm tưởng Giáo hội chưa đi kịp với thời đại của mình. Tại sao Giáo hội không đi ra? Đối với anh Jonas, cho đến bây giờ anh không đặt vấn đề này vì anh vẫn còn bám rễ sâu xa trong Giáo hội. “Mình không bỏ đi khi có sự bất đồng đầu tiên”. Anh cảm nhận mình thuộc thành phần của Giáo hội này dù anh phê phán nghiêm khắc. Theo anh, quan trọng là anh ở trong thành phần này của giới trẻ được đại diện đi Rôma để tham dự tiền-thượng hội đồng.
“Mình không bỏ đi khi có sự bất đồng đầu tiên”
Anh Jonas ghi nhận có một âu lo cho sự phân cực ngày càng lớn những các người trẻ. Một bên là những người sốt sắng nhưng không có tinh thần phê phán, họ thường ở trong các Giáo hội Tin lành. Bên kia là những người đóng lại chủ đề Giáo hội và không còn thấy được. “Những người mà tôi đại diện là những người như tôi, ở giữa hai bên. Những người phê phán Giáo hội nhưng thấy Giáo hội tích cực và không muốn rời Giáo hội”. Một môi trường phê phán tự do tạo nên sự khác biệt. Anh tin chắc vẫn còn những người này, nhưng tiếng nói của họ chưa được nghe nhiều.
Tiền-thượng hội đồng giới trẻ diễn ra tại Rôma từ 29 đến 24 tháng 3 – 2018. Ngoài các người trẻ có đạo, Đức Phanxicô còn muốn mời các bạn trẻ có tinh thần phê phán và các bạn trẻ không tin. Đề nghị của anh Sandro Bucher và anh Jonas Feldmann được làm bởi ông Martin Iten, thành viên ủy ban báo chí của Hội đồng giám mục Thụy Sĩ, hoạt động tích cực cho Ngày Thế giới Trẻ. Các chủ đề của 300 người trẻ thảo luận sẽ được đúc kết để làm tài liệu cho thượng hội đồng giám mục sẽ họp vào tháng 10 sắp tới tại Rôma.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Xin đọc: Đàng thánh giá của các bạn trẻ trước khi kết thúc tiền-thượng hội đồng giới trẻ ở Rôma
Tiền-thượng hội đồng giới trẻ: một cơ hội cho Giáo hội, một thách đố cho các giám mục
Nữ tu Nathalie Becquart: Các người trẻ thật sự thấy mình phải nói