Năm năm giáo triều Đức Phanxicô trong 15 ngày quan trọng

224

Năm năm giáo triều Đức Phanxicô trong 15 ngày quan trọng

Famillechretienne, Agence I.Media, 2018-03-08

Ngày 13 tháng 3 – 2018, Đức Phanxicô kỷ niệm năm năm ở ngôi Thánh Phêrô. Tông huấn, thông điệp, các chuyến đi, các thượng hội đồng, nhìn lại 15 ngày quan trọng của triều giáo hoàng Châu Mỹ La Tinh đầu tiên của lịch sử.

13 tháng 3 – 2013: Hồng y Jorge Mario Bergoglio được bầu làm giáo hoàng thứ 266 của Giáo hội công giáo. Ngài chọn tên Phanxicô, tên của Thánh Phanxicô Axixi và giữ khẩu hiệu giám mục của mình: “Ngài nhìn với lòng thương xót và đã chọn” (Miserando atque eligendo), câu nhắc lại sự trở lại của Thánh Máthêu.

5 tháng 7 –  2013: Thông điệp đầu tiên Ánh sáng Đức tin (Lumen Fidei) được công bố. Dù Đức Phanxicô ký nhưng phần lớn do Đức Bênêđictô XVI vị tiền nhiệm của ngài viết. Ngày 18 tháng 6 – 2015, thông điệp thứ nhì, Thông điệp Chúc tụng Chúa (Laudato Si’) về bảo vệ căn nhà chung được ra đời. Đức Phanxicô cũng công bố hai tông huấn khác, Tông huấn Niềm vui Tin Mừng (Evangelii Gaudium, 2013) và Tông huấn Niềm vui Yêu thương (Amoris Laetitia, 2016).

9 tháng 7 –  2013: Đức Phanxicô đến đảo Lampedusa nước Ý, ngài tố cáo nạn “dửng dưng toàn cầu hóa” trước thảm trạng của người di dân. Ngày 16 tháng 4 – 2016, ngài đến đảo Lesbos Hy Lạp và mang 12 người di dân đi theo ngài về Ý. Sự đón tiếp một cách rõ ràng người di dân là chủ đề chính triều giáo hoàng Đức Phanxicô, ngài là con của một người di dân Ý qua Argentina.

23 đến 28 tháng 7 – 2013: Đức Phanxicô đi Rio de Janeiro, Ba Tây dự Ngày Thế giới Trẻ. thánh lễ kết thúc ở bãi biển Copacabana quy tụ hơn 3 triệu tín hữu. Ba năm sau, ngài đến Krakow (Ba Lan) dự Ngày Thế giới Trẻ từ 26 đến 31 tháng 7 – 2016. Dịp này ngài đã đến thăm trại tập trung Auschwitz như hai vị tiền nhiệm của ngài đã đến thăm trước đây.

 

7 tháng 9  – 2013: Đức Phanxicô chủ sự buổi canh thức cầu nguyện cho hòa bình của Syria. Ngày 23 tháng 11  – 2017, ngài cũng có buổi cầu nguyện cho hòa bình ở nước Cộng hòa Dân chủ Congo và cho Nam Xuđăng. Ngày 23 tháng 2 – 2018, nhân một ngày ăn chay, ngài lại mời gọi cầu nguyện cho ba nước này.

27 tháng 4 – 2014: Đức Phanxicô phong thánh cho Đức Gioan-Phaolô II và Đức gGioan XXIII. Ngày 19 tháng 10 – 2014, ngài phong chân phước cho Đức Phaolô VI và sẽ phong thánh cho Đức Phaolô VI vào tháng 10 năm 2018. Tháng 11 – 2017, các đức tính anh hùng của Đức Gioan-Phaolô I đã được công nhận. Trong số rất nhiều thánh được Đức Phanxicô phong có Mẹ Têrêxa được phong vào tháng 9 – 2016, và hai trẻ mục đồng Phanxicô và Giacinta vào tháng 5 – 2017, hai trẻ đã thấy Đức Mẹ hiện ra ở Fatima. 

24 đến 26 tháng 5 – 2014: Đức Phanxicô đi hành hương Đất Thánh. Tại đây ngài tái khẳng định quan điểm của Tòa Thánh cho một giải pháp của hai Quốc gia. Sau chuyến đi này, ngày 8 tháng 6 – 2014, cùng với thượng phụ Constantinople, Đức Phanxicô tổ chức buổi “cầu nguyện cho hòa bình” với sự tham dự của hai Tổng thống Israel và Palestina. Vào cuối năm 2017, Đức Phanxicô kêu gọi tôn trọng giữ nguyên trạng tình trạng của thành phố Giêrusalem. Tình trạng này bị đe dọa vì quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump muốn dời tòa đại sứ Mỹ ở Tel Aviv, Israel về Giêrusalem.

 

5 đến 19 tháng 10 – 2014: Đức Phanxicô triệu tập thượng hội đồng đầu tiên về gia đình. Một năm sau, thượng hội đồng về gia đình họp tiếp tục vào tháng 10 – 2015. Trong kỳ họp này, Đức Phanxicô đã phong chân phước cho hai ông bà Louis và Zélie Martin, thân sinh của Thánh Têrêxa Hài đồng Giêsu. Tông huấn Niềm vui Yêu thương (2016) được đưa ra sau hai thượng hội đồng này. Tông huấn này gây nhiều tranh luận trong Giáo hội về khả thể các người ly dị tái hôn được rước lễ.

6 đến 9 tháng 7 – 2015: Lần đầu tiên từ khi được bầu chọn, Đức Phanxicô quay về châu lục Nam Mỹ của ngài. Ngài đến Êcuađo, Bô-li-vi-a và Pa-ra-goay. Ngài về lại châu lục này thêm hai lần, năm 2017 ngài đi Cô-lông-bi và năm 2018, ngài đi Chi-lê và Pêru. Trên các nước lớn ở Nam Mỹ, chỉ có Venezuela và quê hương Argentina của ngài là ngài chưa về.

8 tháng 12 – 2015: Ngày lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm, Đức Phanxicô long trọng mở Cửa Thánh của Năm Thánh Lòng thương xót. Dịp này ngài gởi các “linh mục truyền giáo của lòng thương xót” đi khắp nơi trên thế giới, họ được nới rộng quyền tha tội, đặc biệt tội phá thai. Sau Năm Thánh này, Đức Phanxicô duy trì quyền giải tội nới rộng ra này và ngài thành lập Ngày Người Nghèo được tổ chức hàng năm vào cuối tháng 11.

12 tháng 2 – 2016: Lần đầu tiên người kế vị ngôi Thánh Phêrô và thượng phụ chính thống Maxcơva gặp nhau ở Cuba. Hai nhà lãnh đạo tôn giáo ký bản tuyên ngôn chung kêu gọi cộng đồng quốc tế có “hành động khẩn cấp” để ngăn việc “loại bỏ tín hữu kitô ở Trung Đông”. Bản tuyên bố này khẳng định “phương pháp tập trung thống nhất trong quá khứ (…) không phải là phương tiện để có được hợp nhất”.

24 tháng 3 – 2017: Đức Phanxicô đọc bài diễn văn trước các nhà lãnh đạo Âu châu họp ở Vatican nhân kỷ niệm 60 năm Hiệp ước Rôma. Ngài nhắc lại tầm nhìn của mình về Âu châu, một Âu châu “không đứng trước sự già nua không tránh được, nhưng là khả thể của một tuổi trẻ mới”. Tháng 5 năm 2016, Đức Phanxicô cũng diễn tả trước các nhà lãnh đạo Âu châu khi ngài nhận giải Charlemagne vào ngày 25 tháng 11 năm 2015 trong chuyến đi thăm các thể chế Âu châu ở Strasbourg.

28 và 29 tháng 4 – 2017: Đức Phanxicô đến Ai Cập. Chuyến đi này là chuyến đi đối thoại với Đại học sunnit Al-Azhar sau khi Đại học này đơn phương cắt đứt liên lạc vào năm 2011. Trong bài diễn văn của mình, Đức Phanxicô xin: “Cùng nhau, (…) chúng ta lặp lại mạnh mẽ và rõ ràng, không chấp nhận mọi hình thức bạo lực, trả thù, hận thù được làm nhân danh tôn giáo và nhân danh Chúa”. Cùng với thượng phụ Cốp, ngài vinh danh các tín hữu kitô bị người hồi giáo giết vì đức tin.

27 tháng 11 đến 1 tháng 12 – 2017: Đức Phanxicô đến Miến Điện và Băng-la-đét, đặc biệt ngài nói lên số phận của người Rohingya, một cộng đồng thiểu số người hồi giáo bị quân đội phất giáo đuổi ra khỏi nước Miến Điện. Sau khi gặp các người tị nạn của sắc dân thiểu số này, Đức Phanxicô tuyên bố “sự hiện diện của Chúa ngày hôm nay cũng mang tên rohingya”.

3 tháng 3 – 2018: Đức Phanxicô quyết định ghi vào lịch phụng vụ Rôma thêm một ngày lễ kính Đức Mẹ, Mẹ Giáo hội. Tên thánh này đã được Đức Phaolô VI dùng vào tháng 11 năm 1964 khi kết thúc lỳ 3 khóa Công đồng Vatican II. Hàng năm lễ này sẽ được kính vào ngày thứ hai lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch