Ronald Rolheiser, 10-06-2001
Cách đây một vài năm tôi có dự một hội nghị về kinh nghiệm tôn giáo. Nhiều diễn giả trình bày cách họ cố gắng cảm nghiệm có một Thiên Chúa. Một nữ giáo sư nghiên cứu tôn giáo đã chia sẻ mỗi ngày bà bỏ ra ba giờ để cảm nghiệm Thiên Chúa, áp dụng một công thức khắc khe để tập trung cầu nguyện. Bà nói trong suốt thời gian cầu nguyện, thỉnh thoảng bà cảm nhận sự hiện diện Chúa một cách mãnh liệt.
Khi đặt câu hỏi, tôi đã hỏi bà: “Bà so sánh cảm xúc khi cầu nguyện riêng tư như vậy với cảm xúc khi bà cùng ăn với gia đình, bạn bè như thế nào?” Bà trả lời: “Không thể nào so sánh được, nó không nằm trong ngôn ngữ của kinh nghiệm tôn giáo. Ở bàn ăn, đôi lúc tôi cảm thấy vui vẻ, đó là những kinh nghiệm trần tục, nhưng trong lúc cầu nguyện tôi thật sự gặp gỡ Thiên Chúa!”
Tôi vừa là lương dân vừa là kitô-hữu nên đủ kinh nghiệm để cảm thấy nghi ngại trước câu trả lời đó, không phải vì tôi nghi ngờ sức mạnh hay tầm quan trọng của việc cầu nguyện riêng tư, tất cả chúng ta đều đã có kinh nghiệm này và có khi còn hơn thế, nhưng một câu trả lời như vậy có thể nói về Chúa và kinh nghiệm của mình về Chúa sao. Điều gì muốn nói ở đây?
Có một người, tôi nghĩ là Buckminster Fuller đã từng nói: “Thiên Chúa là một động từ, không phải là một danh từ.” Ở một góc độ nào đó, lời phát biểu này sai một cách nghiêm trọng. Tuy nhiên, ở một góc độ khác, nó khẳng định một điều gì đó rất quan trọng và có tính ki-tô giáo về mối ràng buộc của chúng ta với Thiên Chúa. Cụ thể trước hết, Thiên Chúa không phải là một công thức, một tín điều, một câu nói mang tính giáo điều, một lý thuyết siêu hình đòi hỏi sự ưng thuận của chúng ta. Thiên chúa là dòng chảy của các mối quan hệ đang sống, là ba ngôi một thể, một gia đình, là cái chúng ta có thể đi vào, nếm thấy, thở hít trong đó.
“Thiên Chúa là tình yêu,” Kinh Thánh nói như thế, “và bất cứ ai có tình yêu, người đó có Thiên Chúa, và Thiên Chúa ở trong họ.” Chúng ta thường hay hiểu sai câu nhắc nhở này vì chúng ta có khuynh hướng lãng mạn hóa tình yêu. Chúng ta thường nghe đoạn kinh thánh này trong dịp lễ thành hôn, đó là đoạn Kinh Thánh thích hợp cho buổi lễ. Dù tuyệt vời và linh thiêng, nhưng trong bối cảnh này, chúng ta dễ hiểu sai ý nghĩa của nó, vì chúng ta hình dung nó như kiểu tình yêu lãng mạn, như kiểu phải lòng ai đó. Chúng ta nên hiểu như sau theo cách đúng nhất: “Thiên Chúa là cộng đoàn, gia đình, giáo xứ, tình bằng hữu, lòng mến khách; bất cứ ai giữ những điều này, họ có Thiên Chúa, và Thiên Chúa ở trong họ.” Thiên Chúa là ba ngôi nhập thể, một dòng chảy của các mối liên hệ giữa con người. Nếu điều này đúng, và được Kinh Thánh bảo đảm với chúng ta là đúng, thì các buổi gặp nhau trong cộng đoàn, bên bàn ăn, bàn thảo luận, lúc đón khách không còn là những giây phút thuần túy đời thường nhưng là nơi mà Thiên Chúa ở giữa chúng ta.
Qua định nghĩa, Thiên Chúa là không thể diễn tả được, vượt ngoài tưởng tượng và ngôn ngữ của chúng ta, ngay cả ngôn ngữ đẹp nhất của thần học và giáo lý nhà thờ. Chúng ta không thể hiểu hay nắm bắt Thiên Chúa một cách thỏa đáng qua bất cứ một công thức nào. Nhưng chúng ta có thể biết, trải nghiệm, nếm thấy, và liên hệ với Thiên Chúa trong tình yêu thương và tình bằng hữu. Thiên Chúa là một Người hay một Vật nào đó mà chúng ta đang sống cùng, đang tuôn chảy trong huyết quản chúng ta. Vì vậy, để Thiên Chúa thật sự hiện diện trong đời sống với chúng ta, không nhất thiết chúng ta phải có đóa hoa ba lá trong tay, cố gắng cách này hay cách khác, hình dung ba chiếc lá hay cạnh của tam giác có thể trở thành một, và một có thể thành ba. Cũng không thật sự cần thiết đọc những cuốn sách kinh viện về thần học, mặc dầu những cuốn sách này có thể rất có giá trị. Không. Thiên Chúa là một dòng chảy của các mối liên hệ được trải nghiệm trong cộng đoàn, gia đình, giáo xứ, tình bằng hữu, và lòng mến khách. Khi chúng ta sống trong các mối liên hệ này, Thiên Chúa cũng sống trong chúng ta, và chúng ta sống trong Ngài. Kinh Thánh bảo đảm cho chúng ta rằng bất cứ lúc nào chúng ta sống trong lòng gia đình, cộng đoàn, giáo xứ, bằng hữu, lòng hiếu khách, và cả khi phải lòng ai đó là chúng ta đang sống với Chúa.
Nó mang lại những kết quả to lớn khi chúng ta hiểu kinh nghiệm tôn giáo: Trong số những kinh nghiệm khác, Thiên Chúa thuộc về đời sống gia đình nhiều hơn đời sống tu hành (các linh mục sẽ là người đầu tiên nói cho bạn biết điều này.) Nó cũng có ý nghĩa rằng để nhận biết Thiên Chúa, thì đi vào bàn ăn quan trọng hơn đi vào một lớp thần học, thực hành lòng mến khách quan trọng hơn thực hành giáo lý, và gặp gỡ mọi người để cầu nguyện trong cộng đoàn có thể cho chúng ta một điều gì đó mà những giờ đồng hồ chiêm nghiệm một mình (hoặc, quả thực, những giờ chiêm nghiệm ở nhà thờ) có thể không có được. Một quan niệm như vậy cũng có thể làm mơ hồ tất cả những sự phân biệt đơn giản giữa trải nghiệm tôn giáo và trải nghiệm có tính cách thế tục. Cuối cùng, một cách quan trọng, nó nhắc nhở chúng ta là, vì Thiên Chúa ở trong cộng đoàn, chúng ta cũng nên ở đó, nếu chúng ta ao ước được lên Thiên Đàng. Đơn giản, chúng ta sẽ không bao giờ phải xuống địa ngục, nếu chúng ta gắn bó mật thiết với gia đình, cộng đoàn và giáo xứ.
Những kẻ dị giáo nguy hiểm nhất, người cản trở chúng ta khỏi nhận biết Thiên Chúa một cách đúng đắn không phải là người của giáo lý nghiêm chỉnh, nhưng là người thuộc về thứ văn hóa chủ nghĩa cá nhân, những người mời mọc chúng ta tin tưởng rằng chúng ta tự do, rằng chúng ta có thể có cộng đoàn và gia đình theo thuật ngữ chúng ta, và rằng chúng ta có thể có được Thiên Chúa mà không cần phải liên hệ với người khác. Tuy nhiên, Thiên Chúa là cộng đoàn, và chỉ khi chúng ta trải rộng đời sống của mình ra với một tấm lòng mến khách ân cần, chúng ta sẽ hiểu được điều đó.
J.B. Thái Hòa dịch