Vì sao các giáo hoàng phải đổi tên?
Câu hỏi của em bé Noelie, 13 tuổi.
famillechretienne.fr, Juliette Levivier, 2013-10-14
Chúng ta đang ở năm 533. Giáo hoàng thứ 56 vừa được bầu, ngài tên là Mercurius! Một giáo hoàng không thể mang một tên lương dân! Và thế là ngài được gọi là Gioan II. Từ đó các giáo hoàng đổi tên.
Việc đổi tên này là hoàn toàn hợp lý nếu chúng ta lấy quy chiếu từ văn hóa Thánh Kinh. Trong Thánh Kinh, tên có một tầm mức quan trọng, tên nói lên nét thiết yếu của người mang tên đó. Chúa thay đổi tên người nào khi Ngài đặt tay lên đầu họ, khi Ngài giao cho họ một sứ mệnh mới. Vì thế Abram được đổi thành “Abraham” khi Chúa đi vào cuộc đời của ông. Chúa Giêsu cũng làm như vậy với ông Simon, Chúa đổi tên Simon thành “Phêrô”.
Như vậy con thấy, ngay cả giáo hoàng đầu tiên cũng thay đổi tên. Điều này có nghĩa đây là một sự thay đổi trong đời, thay đổi sứ mệnh, đây là đáp trả cho một lời kêu gọi mới, một ơn gọi mới. Tên mới phù hợp với sứ mệnh mình nhận được: Abraham “người cha của sinh sôi nẩy nở”, Phêrô là “hòn đá, tảng đá” trên đó Giáo hội được xây dựng…
Khi các hồng y bầu chọn Đức Giáo hoàng Phanxicô, họ hỏi ngài: “Anh có nhận không?” (giáo hoàng hoàn toàn tự do nhận hay không sứ vụ được giao phó), rồi “Anh muốn gọi anh tên nào?”. “Phanxicô”, và con thấy đó, đây không phải là chuyện tình cờ. Người ta không đặt cho ngài tên này; chính ngài tự chọn trong khi ngài cầu nguyện. Như ngài từng kể, khi đó hồng y Hummes, bạn của ngài đang ngồi bên cạnh, hồng y hôn ngài và nói: “Anh đừng quên người nghèo”.
Phanxicô, là tên của Thánh “khó nghèo Axixi”, một vị thánh lớn rất khiêm nhường và rất gần với Chúa Giêsu. Khi lên làm giáo hoàng và khi chọn cho mình tên Phanxicô, tân giáo hoàng đi theo con đường của vị thánh lớn này, vị thánh hết mực yêu thương Giáo hội. Điều này giải thích rõ Giáo hoàng Phanxicô đã dẫn dắt đàn chiên hơn một tỷ tín hữu đi theo con đường của lòng nhân hậu, khiêm nhường, tin tường vào Chúa, đặt người nghèo lên hàng đầu, những người cũng ở hàng đầu trong Tin Mừng.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch