Ngoại giao Phanxicô: “Việc làm từng bước nhỏ”
Hành động “cao đẹp” của những người tin vào đối thoại và thương thuyết
vaticaninsider.lastampa.it, Andrea Tornielli, Vatican, 19-12-2014
Trong một thời đại khi nhiều người, ở nhiều tầng lớp khác nhau, xem khái niệm “đối thoại” và “ngoại giao” đồng nghĩa với những ưng thuận nhu nhược khúm núm và không có hiệu lực như những lời thề hứa, thì thông điệp về việc tan băng quan hệ Mỹ-Cuba là thật đáng chú ý.
Trong buổi tiếp kiến với 13 tân Đại sứ ở Tòa Thánh đến trình ủy nhiệm thư với Đức Phanxicô ngày 18-12, Đức Phanxicô nói rằng ngoại giao là công việc được thực hiện “từng bước nhỏ,” đưa mọi người đến với nhau và lan tỏa tình huynh đệ cùng hòa bình. Tự phát ngoài bài diễn văn, ngài nói rằng: “Tôi chúc mừng các ngài, và mong cho công việc của các ngài có thành quả, được sinh ích. Công việc của một đại sứ nằm ở từng bước nhỏ, những việc nhỏ, nhưng mục tiêu luôn là kiến tạo hòa bình, đưa tâm hồn mọi người lại với nhau, gieo tình huynh đệ thân ái trong lòng người. Đây là công việc của các ngài, nhưng với từng việc nhỏ, từng việc bé xíu. Hôm nay, chúng ta ai cũng đều hạnh phúc vì chúng ta đã thấy ngày hôm qua, hai dân tộc ngăn cách trong suốt hàng thập kỷ, đã có một bước tiến gần lại với nhau. Điều này được thực hiện là nhờ các đại sứ, nhờ ngoại giao. Việc các ngài làm là một công việc cao đẹp, rất cao đẹp.”
Việc cả Barack Obama và Raul Castro đều nhìn nhận vai trò của Giáo hoàng trong việc hàn gắn quan hệ giữa Hoa Kỳ và Cuba, đã gây nên nhiều phản ứng khác nhau. Một vài người nhấn mạnh tầm quan trọng trong vai trò của Đức Phanxicô, còn số khác lại cho rằng Bergoglio chỉ đóng một vai trò nhỏ, vì sự kiện hôm thứ tư thực sự chỉ là kết quả của một tiến trình đã khởi đầu từ lâu rồi.
Có một vài bình luận không rơi vào việc đề quá cao hay hạ quá thấp bất kỳ khía cạnh cụ thể nào, nhưng cố gắng đi vào tinh thần triết học “từng bước nhỏ” của Đức Phanxicô. Những bình luận này dùng những lời thận trọng của Quốc vụ khanh Pietro Parolin trong buổi phỏng vấn với Vatican Radio. Nhận định đầu tiên là, ngoại giao Vatican lại một lần nữa bước lên vị trí trung tâm của vũ đài thế giới. Sự trở lại này không đơn thuần là chuyện truyền thông, và cũng không chóng qua: dù là Quốc vụ khanh đã xác nhận chung về vai trò tương đối của Tòa Thánh, nhưng sự thật là các đàm phán đã được diễn ra hoàn toàn tuyệt mật, không có một tin tức nào bị rò rỉ. Và từ đó, các quan hệ được phục hồi.
“Thời gian thì cao hơn không gian,” đây là một trong những câu nổi tiếng của Đức Phanxicô. Ngài theo bước các bậc tiền nhiệm, bảo vệ văn hóa đối thoại và gặp gỡ. Một nhận định khác rằng: sự nối lại quan hệ chắc chắn phần nào là nhờ đóng góp của Giáo hoàng “từ bên kia thế giới.” Cả những người bạn lẫn nguyên thủ thân cận với Tòa Thánh cũng như các cá nhân ít gần gũi hơn, đều nhìn nhận tín nhiệm và chứng tá riêng của Giám mục địa phận Roma.
Nhận định thứ ba là về vai trò ít được nhắc đến nhưng quan trọng của Quốc vụ khanh Pietro Parolin. Là sứ thần tòa thánh ở Venezuela, ngài biết các vấn đề tác động đến vùng này, và hồ sơ ngài đang làm việc là hồ sơ tế nhị quan hệ ngoại giao của Tòa Thánh với Trung Quốc. Rồi còn có các cảnh đau lòng đang diễn ra ở Trung Đông nữa. Đáng chú ý là, có những nhà ngoại giao đương nhiệm đang giữ các vị trí then chốt trong Phủ Quốc vụ khanh và có quan hệ với Cuba. Đại diện Quốc vụ khanh, Angelo Becciu, từng là sứ thần tòa thánh ở đảo quốc này, còn Dominique Mamberti, vừa mới được bổ nhiệm làm Trưởng Tối cao Pháp viện Tòa thánh, đã đến Cuba khi ngài còn là “trưởng ngoại vụ” Vatican.
Các chuyến công du của Đức Gioan Phaolô II và Đức Bênêđictô XVI đến Cuba chắc chắn đã giúp thúc đẩy tiến trình này. Tiến trình này được hướng dẫn bởi Hội đồng giám mục Cuba, với Hồng y trưởng Ortega y Alamino, cũng như nhờ đến Hội đồng giám mục Hoa Kỳ. Vậy nên dấu chỉ hy vọng trong các tuyên bố của Obama và Castro là hoa trái của một tiến trình trong đó Giáo hội Công giáo dấn thân trong nỗ lực thuận tiện hóa đối thoại giữa hai bên, đối thoại hai cộng đồng và chấm dứt lệnh cấm vận đang đè nặng lên dân chúng.
Tất nhiên, trong một thế giới đang diễn ra “Thế chiến III dạng phân mảnh” theo cách nói của Đức Phanxicô, trong một thế giới xung đột do tôn giáo và chủ nghĩa chính thống cực đoan, còn có các hoàn cảnh khác đáng sợ hơn nhiều, thảm kịch hơn, và gây tác động kinh hoàng hơn, cũng như chưa thể tìm ra giải pháp đàm phán. Giáo hoàng và Tòa Thánh trở thành mục tiêu của những người chính thống cực đoan ở cả hai phía, Đông và Tây phương, của những người tin tưởng ngoan cố vào chiến tranh tôn giáo, những người muốn một trận sống chết giữa các “thập tự quân” Tây phương và Hồi giáo. Các nỗ lực nhẫn nại thực hiện “từng bước nhỏ” trong cố gắng tìm cách thuận tiện hơn để ổn định tình hình dường như là không tưởng. Đôi khi Tòa Thánh thấy mình bị cô lập vì các lời kêu gọi không ngừng của mình nhằm để có được một nền ngoại giao đa phương, kêu gọi phải có các giải pháp được Liên hiệp quốc chấp nhận, khi điều này trở nên cần thiết để “ngăn chặn kẻ xâm lược bất chính.”
“Cần thêm đối thoại, chứ không phải bớt đối thoại.” Đức Phanxicô và các cộng sự của ngài vẫn tiếp tục nhấn mạnh điều này, ý thức rằng tiếng nói của mình thường yếu ớt và bất lực khi đối đầu với các cường quốc và quyền lực trên thế gian này. Đây là tiếng nói chỉ tập trung vào việc cứu lấy mạng sống con người, thăng tiến hòa bình, và xoa dịu đau khổ của thường dân. Đây là tiếng nói không bao giờ tìm vinh quang cũng không muốn dựng lên cờ hiệu.
J.B.Thái Hòa dịch