Ronald Rolheiser, 2012-10-21
Có một câu thành ngữ Na Uy như thế này: Anh hùng hệ tại ở chỗ bám chặt thêm một phút nữa.
Khi tôi còn học tiểu học, một trong những câu chuyện thuộc môn văn, có tựa đề như thế, và nó kể về một cậu bé bị rơi vào tảng băng khi đang trượt tuyết, em phải bám lấy gờ khối băng, lạnh lẽo và đơn độc chẳng có một ai giúp. Treo trên khối băng như thế là một tình trạng tuyệt vọng, và nhiều lần cậu chỉ muốn lơi tay, vì thấy sẽ chẳng có ai đến cứu mình. Nhưng cậu vẫn cố giữ, dù trong đầu vẫn còn đấu tranh với nó về chuyện này. Cuối cùng, khi dường như tất cả mọi hy vọng tan biến, cậu gắng giữ thêm một phút nữa, và rồi sau đó có người xuất hiện giúp cậu. Đây là một câu chuyện đơn giản, và bài học của nó cũng vậy: Cậu bé này sống sót nhờ cậu dũng cảm và có sức mạnh để giữ chặt thêm một phút nữa. Người giải cứu sẽ đến ngay khi bạn vừa từ bỏ, vì thế hãy giữ can đảm và chờ đợi thêm một phút nữa.
Đây là một câu chuyện anh hùng về mặt thể lý, và nó thể hiện được rõ ràng ngụ ý của nó, anh hùng thường cốt tại chỗ giữ vững đủ lâu, bám lấy khi dường như mọi thứ là vô vọng, chịu đựng cái lạnh và đơn độc trong lúc chờ đợi một ngày mới.
Kinh Thánh cũng dạy nhiều về tính anh hùng như thế: Trong thư thứ hai gởi Giáo đoàn Thesalonica, thánh Phaolô kết một lời khuyên dài và đầy thách thức bằng câu: Con đừng sờn lòng nản chí làm điều thiện. Và trong thư gởi tín hữu Galat, ngài gần như cũng nói ra câu thành ngữ Na Uy trên: Khi làm điều thiện chúng ta đừng nản chí, vì đến mùa chúng ta sẽ được gặt, nếu không sờn lòng.
Nghe thì có vẽ đơn giản, nhưng nó là điểm mấu chốt cho nhiều nỗ lực tinh thần của chúng ta. Chúng ta bỏ cuộc quá sớm, chấp nhận quá sớm, và không để cho sự đơn độc đi hết con đường của nó. Đơn giản là chúng ta không chịu đựng áp lực đủ lâu.
Tất cả chúng ta đều từng có những áp lực trong cuộc sống: áp lực gia đình, bạn bè, công sở, giáo hội, cộng đoàn, trong câu chuyện với những người chung quanh, trong chính trị và những sự kiện khác nữa. Và chúng ta những người có tâm, chúng ta còn mang áp lực phải kiên nhẫn, tôn trọng, tử tế, và chịu đựng trong một thời gian! Rồi, đến một lúc nào đó, chúng ta thấy mình chạm đến giới hạn, mệt mỏi với hành động sao cho đúng đắn, cảm thấy có gì đó nhói đau trong lòng, và nghe một tiếng nói nội tâm vang lên: Đủ rồi! Tôi đã theo cái này quá lâu rồi! Tôi sẽ không chịu đựng thêm chút nào nữa! Và rồi, khác với cậu bé treo trên vách đá kia, chúng ta bỏ đi. Chúng ta gạt qua một bên kiên nhẫn, tôn trọng, tử tế, và chịu đựng, hoặc bằng cách trút mọi thứ ra hay đơn giản trốn chạy hoàn cảnh với cảm giác như thoát nợ. Trong cả hai cách, chúng ta đều từ chối không chịu sống dưới áp lực thêm phút nào nữa.
Nhưng chính lúc chúng ta phải chọn lựa giữa từ bỏ và bám vững, giữa chống đỡ với áp lực hay thoát nó, chính đó là thời điểm mang tính mấu chốt xác định cá tính: dũng khí, cao thượng, vô cùng trưởng thành, và tâm hồn thánh thiện thường thể hiện với những câu hỏi sau đây: Chúng ta có thể chống đỡ được bao nhiêu áp lực đây? Sự kiên trì chịu đựng của chúng ta đến được mức nào? Chúng ta có thể chịu đựng được bao nhiêu đây? Những bậc cha mẹ trưởng thành chịu đựng nhiều áp lực trong việc nuôi dạy con cái. Các thầy cô trưởng thành chịu nhiều áp lực khi cố gắng mở mang đầu óc và tâm hồn học sinh. Những bạn bè trưởng thành phải chịu nhiều áp lực để trung thành với bạn mình. Các người trẻ phải chống đỡ với nhiều áp lực tình dục trong thời gian tiền hôn nhân. Những Kitô hữu trưởng thành chịu nhiều áp lực khi thấy những non nớt và tội phạm của giáo hội. Người ta đúng thật cao thượng khi họ có thể tiến bước với kiên nhẫn, tôn trọng, tử tế, và chịu đựng giữa những xô đẩy và áp lực bất công, và không bao giờ mệt mỏi khi làm điều đúng đắn.
Tất nhiên, chúng ta vẫn được cho biết rằng: Mang lấy áp lực không có nghĩa là bị lạm dụng. Những đặc tính cao thượng và sự thánh thiện tâm hồn thách thức sự lạm dụng hơn là đồng thuận và hỗ trợ nó. Đôi khi, dưới danh nghĩa của đức hạnh và trung kiên, chúng ta lại ủng hộ việc chấp nhận lạm dụng, nhưng như thế là đối nghịch với những gì Chúa Giêsu đã làm. Ngài đã yêu, đã thách thức, và chịu áp lực để xóa tội cho thế gian. Nhờ trải nghiệm xót xa lâu dài, chúng ta biết rằng bất kể ý định của chúng ta có cao thượng thế nào, nếu chúng ta chấp nhận lạm dụng thay vì đứng lên thách thức nó, thì chúng ta chẳng xóa tội, mà lại còn tăng sức cho nó.
Nhưng tất cả những điều này chẳng dễ dàng gì. Đó là con đường đơn độc kéo dài, với nhiều cám dỗ xúi chúng ta bỏ cuộc . Nhưng nếu bạn bền chí và không bao giờ mệt mỏi đối với hành động đúng đắn, thì lúc lìa đời, những người biết bạn sẽ hạnh phúc và biết ơn vì bạn đã tiếp tục tin tưởng vào họ ngay cả khi họ mất tin tưởng vào chính mình.
J.B. Thái Hòa dịch