Cách xa mọi người một tầm quăng đá
Ronald Rolheiser, 2012-04-01
Chân lý tìm thấy chúng ta theo nhiều con đường khác nhau. Đôi khi chúng ta biết được ý nghĩa điều gì đó không phải trong lớp học mà trong phòng bệnh viện.
Vài năm trước, tôi đến bệnh viện thăm một người sắp chết vì ung thư. Ông sắp chết nhưng tinh thần vững, dù không có ai chết mà dễ dàng được. Ông cảm thấy cô đơn tận cùng dù chung quanh ông toàn những người thương yêu thương ông sâu đậm. Ông mô tả như sau: “Tôi có người vợ tuyệt vời và những đứa con tuyệt vời, rất nhiều người thân và bè bạn. Gần như phút nào cũng có người nắm bàn tay tôi, nhưng … Tôi vẫn cách xa mọi người một tầm quăng đá. Tôi đang chết dần còn họ thì không. Tôi đang bước vào một nơi mà họ không thể nào đến. Đang chết dần, cô đơn một cách khủng khiếp.”
Ông đã mượn một câu trong Phúc âm thánh Luca, câu Chúa Giêsu nói với các môn đệ ở vườn Giếtsêmani đêm trước khi chết. Người mời họ cùng cầu nguyện với mình trong khi Người cố gắng chiến đấu để có sức mạnh đối diện với cái chết; nhưng, như thánh Luca nói thêm một cách khó hiểu, khi Người đổ mồ hôi máu, người cách xa họ “một tầm quăng đá.”
Một tầm quăng đá thì cách bao xa? Đủ xa để anh bị bỏ lại ở một nơi không ai có thể với tới. Cũng như khi chúng ta sinh ra một mình từ lòng mẹ, chúng ta cũng sẽ rời trần gian này một mình. Giêsu, cũng giống người đàn ông tôi vừa kể, cũng đối diện với cái chết, biết rằng mọi người thương yêu mình, nhưng ông cũng biết, một khi đứng trước cái chết, ông sẽ đi vào một nơi, ở đó ông không cô độc một mình.
Và việc nhấn mạnh tính chất một mình này thật sự là một trong những điểm chủ yếu trong các bài Thương Khó. Khi mô tả cái chết của Chúa Giêsu, có lẽ hơn bất cứ điều gì, các Phúc âm muốn chúng ta tập trung chú ý tới sự cô độc của Người, việc Người bị bỏ rơi, cách xa tất cả mọi người một tầm quăng đá.
Tôi chắc chắn nhiều người trong chúng ta đã xem bộ phim nổi tiếng Sự Thương Khó của Chúa Giêsu của Mel Gibson. Mặc dù bộ phim chắc chắn là một tác phẩm nghệ thuật xứng đáng, nhưng nó lại làm chúng ta xao lãng chứ không có ích xét về mặt giúp có thể hiểu được sự thương khó của Giêsu. Tại sao vậy? Vì bộ phim này quá nhấn mạnh tới nỗi đau đớn thể xác của Chúa Giêsu, chính là điều mà các Phúc âm không làm. Đúng hơn, các Phúc âm cố tình giảm đi những gì Chúa Giêsu phải chịu về mặt thể xác vì muốn chúng ta tập trung chú ý vào một điều khác, đó là nỗi đau đớn về mặt tinh thần và tình cảm của Người, đặc biệt là cảm giác bị bỏ rơi, cô đơn, không có một hỗ trợ sâu sắc nào của người chung quanh trong thời điểm cùng cực này của cuộc đời, và sự thiếu vắng này càng nặng nề hơn trước điều dường như là sự vắng mặt của Thien Chúa. Trong giờ khắc cô đơn nhất, Chúa Giêsu không có một người bạn tâm tình nào, không có một nguồn an ủi thiêng liêng nào. Theo từ dùng của Gil Bailie, người là kẻ-vô-danh-tiểu-tốt. Không còn cảm giác bị bỏ rơi nào sâu đậm hơn thế nữa.
Và chính trong nỗi cô độc thống thiết đó mà Chúa Giêsu đã tiếp tục hiến dâng với lòng tin tưởng, tình thương yêu, lòng vị tha, và đức tin. Dễ dàng tin vào tình yêu khi chúng ta cảm thấy được thương yêu; dễ dàng tha thứ cho kẻ khác khi họ biết ơn chúng ta; và dễ dàng tin vào Chúa khi chúng ta cảm thấy sự hiện diện của Chúa một cách mạnh mẽ. Điều khó khăn, “phép thử”, chỉ đến khi tình thương yêu của con người và niềm an ủi thiêng liêng đều sụp đổ, khi chúng ta thấy vây quanh mình là hiểu lầm, bỏ rơi, thất tín, căm thù và nghi kỵ, đặc biệt vào giờ phút cô đơn nhất của chúng ta, đúng vào giây phút cuộc đời tăm tối. Lúc đó chúng ta đáp lại như thế nào?
Liệu tình thương yêu, lòng tin tưởng, lòng vị tha và đức tin trong tim chúng ta có sụp đổ không khi những trụ cột tình cảm thường khi vẫn chống đỡ chúng ta sụp đổ? Liệu chúng ta có tha thứ cho kẻ đang làm chúng ta đau khổ khi người đó nghĩ chính chúng ta gây ra vấn đề? Liệu chúng ta có tiếp tục yêu thương một người thù hận chúng ta hay không? Liệu chúng ta có thể tiếp tục tin vào lòng tin tưởng khi bất cứ nơi nào xung quanh chúng ta đều nếm trải sự phản bội? Liệu chúng ta có thể để cho đôi tay và trái tim của mình mở ra, kéo căng ra và đóng đinh trên thập giá được hay không khi chúng ta đang sợ hãi? Liệu chúng ta có thể vẫn giữ đức tin nơi Chúa hay không khi mỗi một cảm xúc trong lòng đều nói rằng Chúa đã bỏ rơi ta? Liệu chúng ta còn trao gửi linh hồn mình hay không khi cảm thấy tuyệt nhiên không có một hỗ trợ thiêng liêng hay của con người nào? Trái tim chúng ta sẽ nằm ở đâu khi chúng ta cách xa mọi người “một tầm quăng đá”?
Chính điều đó, chứ không phải khả năng chịu đựng nhục hình đóng đinh, mới là phép thử thật sự bên trong sự thương khó của Chúa Giêsu. Nỗi thống khổ của Chúa Giêsu ở Vườn Giếtsêmani không phải là đau khổ về chuyện để mình bị giết chết hay chuyện Người sẽ viện đến quyền năng thiêng liêng và thoát được. Người ý thức mình sắp chết. Câu hỏi đối với người, đúng hơn là, sẽ chết như thế nào: Liệu người có thể tiếp tục hiến mình cho Chúa và cho chân lý mà trước đó Người đã biết, trong khi bây giờ điều đó dường như đã bị mọi thứ xung quanh làm đảo ngược hoàn toàn? Liệu người có thể giữ được lòng tin? Linh hốn Người sẽ như thế nào khi Người trút linh hồn? Linh hồn đó sẽ đầy lòng biết ơn hay chua chát? Xả bỏ hay ôm mối thù? Đầy thương yêu hay đầy thù hận? Tín thác hay hoảng loạn? Tràn đầy hy vọng hay tuyệt vọng?
Và đó cũng sẽ là phép thử của chúng ta vào giờ cuối. Rồi một ngày mỗi một người trong chúng ta cũng sẽ phải “trút” linh hồn mình. Trong lòng kẻ-vô-danh-tiểu-tốt lúc đó, trái tim chúng ta sẽ nồng ấm hay chua chát đây?
J.B. Thái Hòa dịch