Cô đơn – Nỗi thống khổ rốt cùng

452

 

Ronald Rolheiser, 2011-11-06

Khi là một chủng sinh 22 tuổi, tôi may mắn có một trải nghiệm độc đáo loại trải nghiệm trong sa mạc. Tôi ngồi bên các anh em của tôi nhiều tuần trong căn phòng ở khu vực dành riêng cho những người không còn chữa trị chỉ chờ chết, tôi nhìn cha tôi chết.

Cha tôi còn trẻ, 62 tuổi, và còn khỏe mạnh cho tới khi căn bệnh ung thư tụy tạng đốn ngã. Ông là người có đức tin, và ông đem niềm tin đó vào cuộc chiến đấu cuối cùng của mình. Ông không sợ hãi Chúa, Đấng mà ông phụng sự suốt đời, cũng không sợ hãi đời sống sau khi chết, đời sống mà đức tin của ông đoan chắc là tràn đầy niềm vui. Nhưng ông không thể nào xa lìa cuộc đời một cách dễ dàng, đôi khi ông vật lộn gần như là cay đắng để không đầu hàng. Trong lòng ông có một nỗi buồn sâu sắc, cuối cùng thì đã êm ả hơn là cay đắng trong những tuần cuối cuộc đời. Ông đã không muốn chết.

Nhưng nỗi buồn của ông không bắt rễ từ nỗi sợ hãi cái chết, sợ Chúa, hay sợ đời sống sau khi chết. Nỗi buồn của ông liên quan tới chuyện phải rời khỏi thế giới này, rời bỏ vợ con, cộng đoàn, những giấc mơ cho những năm tháng sẽ nghỉ hưu, và chính niềm yêu thích cuộc sống của ông. Ông buồn bã trước sự thật cay đắng rằng mình đang chết trong khi tất cả chúng tôi và cuộc sống vẫn tiếp tục, mà không có ông.

Gần đây tôi nhớ lại điều này khi đọc một bài báo trên Tạp chí American Magazine của Sidney Callahan, trong đó bà chia sẻ về nỗi sợ chết của chính mình. Đây là phần nổi bật nhất trong bài viết:

Nhưng những mất mát ít nghiêm trọng hơn cũng thấm vào nỗi sợ chết của tôi. Nỗi buồn kinh khủng trỗi lên khi nghĩ tới chuyện từ bỏ vai diễn của mình trong vở kịch cuộc đời vẫn tiếp diễn hàng ngày. Vòng láng giềng thân hữu và tình thương yêu gia đình mình (kể cả con chó yêu quý của tôi) kết chặt chúng ta vào với thế giới cụ thể và xinh đẹp của chúng ta. Bắt câu chuyện này gián đoạn là một viễn cảnh đau lòng trong khi chúng ta có thể tiếp tục mãi mãi. Khi cuộc sống của anh là một bữa tiệc được Chúa chúc phúc bây giờ và ở đây, thì rời khỏi chỗ của mình trên bàn tiệc là chuyện khó khăn – cho dù là để đi tới một cuộc ăn mừng huy hoàng hơn. Khi chết, chúng ta chắc chắn sẽ bước vào một cuộc hiện sinh mới mẻ, không thể nào tưởng tượng nỗi, giống như một bào thai được sinh ra. Cho dù có những điều kỳ diệu được hứa hẹn trong cái thế giới sắp tới đó, tôi vẫn sợ hãi thấy mình giống y như bào thai hài lòng sung sướng trong dạ ấm áp không muốn ra ngoài.

Trước khi chê đoạn văn đó là cảm xúc non nớt hay không phải là thiêng liêng, chúng ta nên xem xét kỹ nỗi sợ chết của chính Chúa Giêsu. Phúc âm trình bày về nỗi thống khổ của người, “mồ hôi máu” của Người, như là một bi kịch đạo đức hơn là một bi kịch về thể xác. Đó là Giêsu trong bản chất con người, là một người thương yêu, người đang toát mồ hôi trước cái chết của mình. Khi mô tả cái chết của Người, họ đã nêu bật nỗi cô đơn kinh khủng, tình trạng bị cô lập, là “một hòn đá bị ném xa khỏi tất cả mọi người”, và cảm giác bị bỏ rơi. Nỗi đau đớn mà Người thể hiện trong Vườn Cây Dầu không phải là nỗi lo sợ về cơn đau đớn thể xác sắp tới, mà là nỗi lo sợ về việc sắp bị bỏ rơi, về việc mất chỗ của mình ở bàn ăn, tình trạng bị cô lập về tình cảm và luân lý, bị chết một mình, chết trong hiểu lầm, chết như một kẻ vô danh tiểu tốt.

Suy ngẫm về điều này có thể có ích vì nhiều lẽ.

Thứ nhất, hiểu sâu sắc hơn về điều này có thể giúp chúng ta nhận ra và xử lý một cách cởi mở hơn với một vài nỗi sợ hãi của chúng ta về cái chết. Chúng ta cần cho phép bản thân mình được buồn rầu khi nghĩ về cái chết. Đồng thời, hiểu điều này sâu sắc hơn có thể giúp chúng ta tự chuẩn bị cho nỗi cô đơn khi mà một ngày nào đó tất cả chúng ta đều sẽ phải đối diện. Như Martin Luther đã nói: Anh sẽ chết một mình. Tốt hơn là anh nên tin một mình.

Tiếp đến, hiểu điều này sâu sắc hơn có thể cứu chúng ta khỏi việc nói lên những phán xét đơn giản quá mức về cách những người khác ứng xử như thế nào với cái chết. Quá thường xuyên là những suy nghĩ đơn giản quá mức rằng nếu người nào có đức tin thật sự thì người đó sẽ có thể rời bỏ cuộc sống dễ dàng và chết thanh thản. Điều đó đúng, nhưng cần có rất nhiều điều kiện: Như Iris Murdoch từng viết: “Một người lính bình thường chết không sợ hãi, Chúa Giêsu chết đầy sợ hãi!” Chúa Giêsu, như câu chuyện về cái chết của Người trong Phúc âm thánh Mác-cô đã kể rõ, đã không trải qua một quá trình chết, quá trình buông bỏ cách thanh thản. Người đối diện cái chết bằng đức tin và lòng can đảm, nhưng cũng đối diện nó với nỗi buồn sâu sắc, sự tranh đấu kịch liệt, gần như cay đắng, và dường như là đêm tối ở trọng tâm đức tin của mình. Những con người lành mạnh, những người yêu cuộc sống, thấy khó mà từ bỏ chỗ của mình ở những chiếc bàn của thế gian này. Chẳng hề ngạc nhiên là Chúa đã phải gắng gỗ như thế!

Cuối cùng, và cũng trớ trêu thay là chúng ta cần hiểu điều này sâu sắc hơn mới có thể giúp chúng ta bước vào cuộc đời một cách sâu sắc hơn. Chúa Giêsu đã nói chúng ta phải đánh mất sự sống mới có sự sống. Bên cạnh nhiều ý nghĩa khác, điều này có nghĩa là chấp nhận một ngày nào đó chúng ta sẽ mất chỗ của mình nơi những cái bàn của thế gian này. Và sự chấp nhận đó có thể đem lại cho chúng ta thái độ cảm kích sâu sắc hơn đối với những cái bàn gia đình, cộng đoàn, và những cái bàn của niềm vui thích mà giờ đây chúng ta đang ngồi quanh trong thế giới cụ thể và xinh đẹp này.

 

Cuộc sống và tình thương yêu là quý giá, ở cả hai bên bờ vĩnh cửu. Nỗi sợ hãi của chúng ta về việc mất chỗ của mình trong cuộc sống và tình yêu là một nỗi sợ hãi lành mạnh, thiêng liêng.

J.B. Thái Hòa dịch