Ngày nay chúng ta không còn gắn cho các con số nhiều ý nghĩa biểu tượng cho lắm. Một số ít tàn tích vẫn còn từ những thời kỳ xa xưa, phần lớn là mê tín, ví dụ như nhìn thấy số 7 là may mắn còn số 13 là không may. Với chúng ta, phần lớn các con số chẳng có ý nghĩa gì cụ thể.
Trước đây thì chưa bao giờ như vậy. Thời Chúa tại thế, người ta thường gắn các con số với ý nghĩa sâu sắc. Chẳng hạn, trong kinh thánh, các con số 40, 10, 12 và 100 có ý nghĩa tượng trưng rất lớn. Chẳng hạn con số 40 mang ý nghĩa về thời lượng cần để một cái gì đó có thể chín muồi, thành tựu, trong khi các con số 10, 12 và 100 chỉ tính chất toàn vẹn nhất định cần để có thể nhận được ân sủng một cách đúng đắn.
Biết được người xưa gán những ý nghĩa đặc biệt trong những con số nhất định là điều cốt yếu để hiểu được một câu chuyện rất khó, và thường bị quên lãng, trong Phúc âm, đó là câu chuyện ngụ ngôn về một người phụ nữ với 10 đồng xu (Luke, 15, 8-10). Nếu không hiểu được ý nghĩa tượng trưng của các con số, thì câu chuyện này mất hết ý nghĩa.
Đây là câu chuyện ngụ ngôn trong Kinh thánh: Một phụ nữ có 10 đồng xu, bà bị mất một đồng. Bà cực kỳ lo lắng, bất an và tìm kiếm đồng tiền bị mất này một cách điên cuồng, không chịu ngưng nghỉ, thắp đèn đuốc, tìm khắp các gầm bàn, và quét mọi nơi mọi chỗ trên nền nhà. Cuối cùng bà tìm thấy đồng xu và niềm sung sướng của bà cũng lên đến tột độ như nỗi khó chịu khi mất nó. Bà vui sướng như điên, gọi cả những người hàng xóm đến chia vui, và tổ chức một bữa tiệc ăn mừng mà còn tốn kém gấp nhiều lần giá trị cái đồng xu bà bị mất trước đó.
Tại sao lại lo lắng và rồi sung sướng đến như vậy trước việc mất đi rồi tìm lại được một đồng xu mà giá trị của nó chỉ là 10 cent? Câu trả lời nằm ở ý nghĩa biểu tượng của các con số: trong văn hóa của bà, 9 không phải là con số toàn vẹn; 10 mới là con số toàn vẹn. Nỗi lo lắng của người phụ nữ khi mất đồng xu lẫn niềm sung sướng của bà khi tìm thấy lại chẳng liên quan gì đến giá trị của đồng xu này. Mà là ở giá trị của sự toàn vẹn. Một sự toàn vẹn nào đó trong cuộc đời của bà đã bị rạn vỡ và chỉ có việc tìm thấy lại đồng xu đó mới khôi phục được sự toàn vẹn đó. Về căn cốt, câu chuyện ngụ ngôn có ý thế này:
Một người mẹ có 10 người con và gia đình bà được tạo thành từ đó. Với 9 người con, bà có mối quan hệ tốt đẹp, nhưng một trong những người con gái của bà lại xa lánh bà và gia đình. Người con nào cũng thường đến thăm bà, ăn cơm chung với cả nhà, chỉ trừ người con gái này. Người mẹ không thể nào yên lòng trong cảnh đó; bà cần đứa con gái xa lạ đó quay về cùng cả nhà. Bà tìm đủ mọi cách để hàn gắn với con gái, và một ngày, như một phép màu trong muôn một, điều đó đã xảy ra. Con gái làm hòa với mẹ và trở về lại gia đình. Cả gia đình lại toàn vẹn, ai ai cũng trở về ngồi ăn chung một bàn. Người mẹ vui mừng khôn tả, bà rút hết tất cả tiền tiết kiệm của mình trong ngân hàng, tổ chức một bữa tiệc hào phóng để ăn mừng cái ân huệ lớn lao là gia đình bà lại được toàn vẹn.
Ở đây có một bài học quan trọng: Giống như người mẹ đó, chúng ta hẳn sẽ bồn chồn, không thể ngơi nghỉ, sẽ thắp đèn đốt đuốc đi tìm, cho đến khi tất cả người thân của mình, những người trong nhà thờ và cộng đoàn của mình lại quây quần hòa hợp, và những người không còn ngồi chung bàn với mình lại quay về nhập hội. 9 không phải là con số toàn vẹn…, và con số thông thường trong gia đình chúng ta hay trong các bàn Thánh thể cũng vậy. Chúng ta cần phải luôn bất an: Ai đang không ngồi chung bàn với chúng ta? Ai không còn đến nhà thờ cùng chúng ta nữa? Ai cảm thấy khó chịu với việc thờ phượng của chúng ta? Ai không còn cùng chúng ta trò chuyện về luân lý và chính trị nữa? Và quan trọng hơn hết thảy, chúng ta có thoải mái trước sự tình quá nhiều người giờ đây không thể nào cùng tham gia với chúng ta trong gia đình, ở bàn Thánh Thể, luận bàn luân lý hay chính trị?
Đáng buồn là, ngày nay, quá nhiều người trong chúng ta cảm thấy thoải mái trong gia đình, nhà thờ, và cộng đoàn khi cách xa sự toàn vẹn, rất xa. Đôi khi, trong những phút giây hời hợt, chúng ta thậm chí còn vui mừng vì chuyện đó: “Thật nhẹ cả người! Nếu không thích thì đừng tới! Cô ta dù thế nào đi nữa cũng không phải là tín hữu Thiên chúa giáo thực thụ! Các quan điểm của anh ta thật quá hẹp hòi và mù quáng, cho nên càng tốt nếu anh không ở đây! Không có cái ngữ ấy thì chúng ta còn tốt đẹp hơn! Như thế này càng bình an! Không có cô ta, gia đình hay giáo hội của chúng ta còn thanh khiết và trung tín hơn!”
Nhưng chính thái độ này và tình trạng thiếu ước ao lành mạnh đối với sự toàn vẹn, hơn bất kỳ điều gì khác, giải thích tình trạng buồn bã và khắt khe mà biểu hiện quá sức rõ ràng ở khắp nơi trong gia đình, giáo hội và giới chính trị chúng ta ngày nay. Khác với Chúa Giêsu, người mà trái tim đau với ý muốn cứu rỗi thế giới và cầu nguyện trong nước mắt cho “những con chiên không ở trong cùng đàn chiên này”, và khác với người phụ nữ bị mất một đồng xu, không chịu đi ngủ chừng nào lật tung mọi ngóc ngách của căn nhà để điên cuồng tìm kiếm đồng xu bị mất, chúng ta tự hài lòng với chỉ 9 đồng xu, một bộ bất toàn, thay vì khao khát kiếm tìm sự toàn vẹn đã mất đó, để cuối cùng đem về lại cho chúng ta sự trọn vẹn và niềm vui.
J.B. Thái Hòa dịch