Vatican Insider | Andrea Tornielli | 29-11-2017
“Trong một đất nước vẫn còn quá nhiều vết thương hữu hình và vô hình, nơi mà những động cơ sắc tộc gây ra thù hận và bạo lực vẫn tiếp diễn, chúng ta phải nhớ rằng đường lối báo thù không phải là đường lối của Chúa Giêsu.”
Đây là những lời của Đức Giáo hoàng Phanxicô trong thánh lễ tại Sân Kayaikkasan, khoảng đất rộng 60 hécta ở trung tâm Yangon, là trụ sở của Bộ Thể thao nước này và là nơi thi đấu của khoảng 30 môn thể thao. Đây là nơi có sức chứa đến 250.000 người, quá lớn cho cộng động Công giáo bé nhỏ ở Myanmar đến gặp Đức Giáo hoàng.
Nhiều người đã đến, vượt qua con số kỳ vọng. Theo ước tính ban đầu thì con số người hiện diện ít nhất là 150.000 người. Bục làm lễ được trang trí màn trướng vàng theo phong cách Đông phương.
Đức Phanxicô mang áo lễ màu xanh, với những họa tiết hoa Đông phương. Các bài thánh ca bằng tiếng bản địa và tiếng La Tinh. Lời nguyện tín hữu được đọc bằng các thứ tiếng dân tộc bản xứ là Shan, Quin, Tamil, Karen, Kachin, Kayan. Thánh lễ cử hành bằng tiếng La Tinh, Tiếng Anh, và Tiếng Burma. Đức Phanxicô giảng bằng tiếng Ý, với một phiên dịch chuyển sang tiếng Burma.
Đức Giáo hoàng nhắc lại, “Chúng ta cần phải nhớ rằng mình có kim chỉ nam, chính là Chúa Kitô chịu đóng đinh. Trong thập giá, chúng ta tìm thấy sự khôn ngoan có thể hướng dẫn đời mình, với ánh sáng đến từ Thiên Chúa. Từ thập giá lan tỏa sự chữa lành. Trên thập giá, Chúa Giêsu dâng những vết thương của Ngài lên Chúa Cha thay cho chúng ta, nhờ những vết thương đó mà chúng ta được chữa lành. Nguyện xin cho chúng ta có sự khôn ngoan để tìm nơi vết thương của Chúa Kitô nguồn ơn chữa lành!
Cha biết nhiều người ở Myanmar đang mang những vết thương bạo lực, cả hữu hình lẫn vô hình. Cám dỗ phản ứng với những tổn thương đó theo kiểu khôn ngoan thế gian, như vị vua trong bài đọc một, là vô cùng sai lầm. Chúng ta nghĩ rằng sự chữa lành đến từ cơn thịnh nộ và báo thù. Nhưng đường lối báo thù không phải là đường lối của Chúa Giêsu. Đường lối của Chúa Giêsu khác hẳn. Khi hận thù và chối bỏ đã khiến Ngài phải chịu thương khó và chịu chết, thì Chúa Giêsu đáp lại bằng sự tha thứ và cảm thương.”
Trong một đất nước hằn dấu thù địch sắc tộc, cứ nghĩ về số phận của người Rohingya và nhiều sắc tộc thiểu số khác đang chịu khốn cảnh, thì những lời của Đức Giáo hoàng đang ngụ ý cho mọi người thấy đường lối của nhất của Kitô giáo. Tinh thần gần gũi với các sắc tộc thiểu số được thể hiện qua mục trượng bằng gỗ mà Đức Giáo hoàng dùng. Chính tay những nghệ nhân người Kachin đã làm ra nó, hiện giờ họ đang ở trong các trại tị nạn ở thành phố Winemaw, ở bang Kachin, một bang phía bắc Myanmar với đa số dân là Kitô hữu.
Đức Phanxicô nói tiếp, “Cha biết là Giáo hội ở Myanmar đã làm nhiều điều đề đem dầu chữa lành của lòng thương xót Chúa đến với người khác, nhất là cho những ai đang cần kíp. Có những dấu chỉ rõ ràng rằng dù cho thiếu thốn phương tiện, nhưng nhiều cộng đoàn đang rao giảng Tin mừng cho các nhóm thiểu số khác, không bao giờ bằng ép buộc hay cưỡng bức nhưng là bằng mời gọi và chào đón.
Giữa cảnh nghèo đói và khó khăn, nhiều người trong anh chị em đã hỗ trợ và tỏ tình tương thân tương ái với người nghèo và người chịu đau khổ. Qua việc mục vụ hàng ngày của các giám mục, linh mục, tu sĩ, giáo lý viên, và nhất là qua tổ chức Công giáo Karuna Myanmar với sự hỗ trợ của các Hiệp hội Giáo hoàng, Giáo hội thật sự hiện diện trong đất nước này, giúp đỡ cho rất nhiều đàn ông, phụ nữ, trẻ con, bất kể tôn giáo hay sắc tộc.
Cha có thể thấy Giáo hội ở đây thật sống động, thấy Chúa Kitô sống động và ở đây cùng với anh chị em. Cha khuyến khích anh chị em hãy tiếp tục chia sẻ với tha nhân sự khôn ngoan vô giá mà anh chị em đã nhận được, chia sẻ tình yêu Thiên Chúa tuôn đổ từ trái tim Chúa Giêsu.”
J.B. Thái Hòa chuyển dịch