Nguồn: Osservatore Romano, Giovanni Battista Re, 27-3-2014
Ngày 27-4-2014 sẽ là ngày ghi trong niên lịch các thánh hai vị thánh cao cả Giáo hoàng: Đức Gioan XXIII và Đức Gioan-Phaolô II. Các giáo hoàng bình dân, được giáo dân rất yêu thương, giáo dân mãi ghi khắc hình ảnh của họ trong lòng và qua hành động tài tình khéo léo, họ đã mở một chân trời mới cho con đường của Giáo hội, con đường này đã được đánh dấu trong lịch sử thế giới. Hai vị Giáo hoàng khác nhau từ nguồn gốc, từ đào tạo, nhưng cả hai đều cao cả vì tâm hồn cao thượng, vì tính nhân bản phong phú, vì tầm mức thiêng liêng và trí tuệ ngoại hạng của họ.
Đức Gioan XXIII quê quán ở Sotto il Monte, Ý, đã quyến rủ từ trẻ con đến người lớn qua lòng nhân hậu vô bờ của ngài, cũng như các cử chỉ trìu mến bộc phát và cảm động, như trong buổi chiều khai mạc Công Đồng, ngài đã nói với giáo dân hiện diện ở Quảng trường Thánh Phêrô khi về nhà, họ vuốt ve con cái mình và nói với chúng là «Đức giáo hoàng vuốt ve con». Nhân loại khao khát lòng nhân hậu, tình yêu, hơi ấm tình người và khi con người tìm thấy những hành vi sống động với chiều sâu đậm đà như vậy nơi Đức Gioan XXIII thì lòng ngưỡng mộ và tình cảm của họ sẽ bộc phát một cách tự nhiên. Lòng nhân hậu của Đức Gioan XXIII chinh phục thế giới được tăng thêm nhờ đức tính vui vẻ, điềm đạm và lạc quan của ngài, nhưng cũng không nên quên đức tính này là kết quả của một tấm lòng dấn thân và cố gắng liên tục cá nhân dựa trên tinh thần Phúc Âm.
Thế giới cũng tỏ lòng mến mộ vô bờ với Đức Gioan-Phaolô II, đặc biệt với những gì ngài đã thực hiện trong 26 năm rưỡi nhiệm chức, bởi vì đó là phần nổi trội hơn cả. Tuy nhiên, phần cao cả nhất nơi ngài, chắc chắn vẫn là cầu nguyện. Cuộc sống thọ của ngài là tổng hợp đáng ngưỡng mộ của cầu nguyện và hành động, trong tâm hồn và trong tầm nhìn riêng của ngài, cầu nguyện là điều ưu tiên của ngài. Ai làm việc bên cạnh ngài sẽ được đánh động bởi rất nhiều chuyện. Trước hết là tính tự tin của ngài: đó là con người của xác quyết. Sau đó là độ sâu suy nghĩ của ngài, khả năng nói trước đám đông, diễn tả được trong nhiều ngôn ngữ, tư tưởng nhạy bén thích ứng trong từng hoàn cảnh. Nhưng điều làm cho tôi ấn tượng nhất vẫn là độ sâu lời cầu nguyện của ngài, thể hiện một sự kết hợp sâu đậm, sống thực với Chúa.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch