Nguồn: crossroadsinitiative.com, Tiến sĩ Marcellino D’Ambrosio
Năm 1958, Angelo Roncalli, một ông già dễ tính được bầu lên ngai tòa Phêrô. Ông được cho là giáo hoàng giữ cửa, người giữ cho ghe thánh Phêrô ổn định để các hồng y có thì giờ tìm một giáo hoàng lãnh đạo lâu dài hơn. Ông già tươi cười, tốt bụng đó sớm làm cho thế giới chấn động vì ông dám triệu tập các hồng y về họp Công Đồng chung đầu tiên sau hàng thế kỷ chưa ai làm. Đó không phải là việc các hồng y trù tính.
Nhưng dù gì, họ đã chọn được một người vô cùng thánh thiện, một người sau khi qua đời chưa đầy một thế kỷ đã được phong thánh. Có một điểm chung nơi các bậc thánh là họ theo luồng gió của Thần Khí. Thần Khí thổi nơi nào Ngài muốn, họ lẳng lặng vâng theo không chút trì hoãn. Đừng chọn kiểu người có đức vâng lời như thế cho vai trò lãnh đạo, nếu bạn không muốn con thuyền của mình bị chấn động.
Tính vâng lời có trong tâm hồn khiêm nhượng, một cấu trúc căn bản của thánh thiện cho bất cứ thời buổi nào. Khi được hỏi xem bốn nhân đức chính yếu là bốn nhân đức nào, thánh Bernard thành Clairveaux (thế kỷ XI) trả lời, “khiêm nhượng, khiêm nhượng, khiêm nhượng, và khiêm nhượng”. Nếu kể ra đặc tính nổi bật nhất của Angelo Roncalli, thì đó chính là bốn nhân đức nêu trên.
Sinh ra trong một gia đình nông dân cày thuê ở miền Bắc nước Ý, Angelo không bao giờ đánh mất gốc nông dân của mình. Thời còn là chủng sinh, đến mùa hè, ngài làm ruộng với các em mình. Bất cứ lúc nào ngài cởi bỏ đôi găng tay trắng của nghi thức giáo hoàng ra, thì người ta đều thấy đôi bàn tay gân guốc chai cứng của bác nông dân.
Giáo hoàng Gioan XXIII là giáo hoàng đầu tiên cho phép các đại diện của các chính phủ cộng sản vô thần đến viếng Vatican. Một lần, khi tiếp kiến riêng Đại sứ Xô-viết và vợ ông, ngài tặng cho bà vợ món quà là tràng chuỗi mân côi thật đẹp. Khi ngài đặt tràng chuỗi vào bàn tay bà, bà buột miệng nói với chồng bằng tiếng Nga, “nhìn xem, ngài có đôi tay của một công nhân, ngài là người của chúng ta!” Tất nhiên, bà không nghĩ là vị giáo hoàng nông dân này hiểu câu mình nói. Nhưng bà đã nhầm. Ông nông dân này không chỉ nói được tiếng La Tinh và tiếng mẹ đẻ là tiếng Ý, ông còn nói được tiếng Pháp, Hy Lạp, Bulgari, Thổ Nhĩ Kỳ, và Nga nữa. Chức vụ đòi hỏi ngài phải học các tiếng đó. Chức vụ cũng đòi hỏi ngài phải trở thành chuyên gia về khoa Giáo phụ và Kháng cách, rồi ngài lấy luôn bằng tiến sĩ lịch sử Giáo hội. Đúng là một ông nông dân trèo cao để học!
Lời bình của bà người Nga làm cho ngài vui vì ngài tự hào khi người khác biết mình là nông dân, một công nhân, một “người của chúng ta”.
Điều này minh họa rõ một phẩm chất khác nữa trong sự thánh thiện của ngài, vốn đã là gương mẫu cho tất cả chúng ta. Không một ai khi đã gặp qua ngài mà lại không thấy có điều gì đó rất chung, giữa ngài với họ, và cho họ. Tất cả, kể cả những người vô thần, cũng thấy mình có cái gì đó chung nơi ngài.
Điều này không phải là ngài không có nguyên tắc. Khi khai mạc Công đồng, ngài mạnh mẽ quả quyết rằng yếu tính của giáo lý và luân lý Công giáo sẽ không thay đổi cho hợp với xu thế hiện đại. Ngài rất kiên quyết cho sự trang nghiêm của phẩm phục, và ngài thường nhắc nhở những ai bỏ quên điều này. Trong bài diễn văn khai mạc, ngài mạnh mẽ phê bình các “ngôn sứ u ám”, những người không nói được gì hơn ngoài chuyện tội lỗi và các nguy cơ của thời hiện đại.
Ngài luôn luôn có thể nhìn nhận người khác qua hành động hay tư tưởng của họ, và nhận ra phẩm giá con người nơi tất cả mọi người. Nụ cười xác nhận của ngài cho người đối diện biết, ngài thấy nơi họ có điều gì đó tươi đẹp, tội lỗi cũng như chính kiến của họ chẳng thể che lấp đi sự tốt lành của Thiên Chúa được. Ngài luôn luôn có thể nhanh chóng tìm ra nền tảng chung và xây dựng mối quan hệ.
Ngài không tự do hay bảo thủ. Ngài chỉ là Angelo Roncalli, linh mục của Chúa Giêsu Kitô. Những người bảo thủ yêu mến ngài vì lòng mộ đạo theo truyền thống của ngài. Những người tự do chấp nhận ngài vì ngài cởi mở với sự thay đổi.
Nhưng ngài không có cốt chính trị. Ngài không cố để “ngoại giao”. Ngài chỉ là chính mình, rõ ràng minh bạch. Luôn là vậy. Đây là lý do vì sao ngài được chọn để làm việc lâu năm trong Ngoại giao đoàn của Vatican. Vì ngài chân thật và chính trực, nên tất cả mọi người đều tin tưởng ngài. Ngài thành công nơi người khác bị thất bại, ngài bắc nhịp cầu hòa giải giữa các bên đối địch, và xoa dịu các cuộc khủng hoảng. Ít người biết rằng cuộc khủng hoảng tên lửa ở Cuba đã làm cho thế giới ở bên bờ vực của một cuộc chiến tranh hạt nhân, và chính giáo hoàng Gioan đã giúp Tổng thống Kennedy và Kruschev đi đến một giải pháp hòa bình.
Năng lực của ngài trong việc đưa những kẻ thù không đội trời chung đi đến nói chuyện được với nhau, chính là một phần lý do vì sao Thần Khí có thể dùng ngài để mở Công đồng Vaticanô II. Ngài làm cho những người cấp tiến và truyền thống ngồi chung bàn và làm việc lại với nhau. Khi có người muốn rút lui, ngài từ chối với nụ cười và bảo họ rằng bổn phận của họ là lắng nghe nhau và cộng tác với nhau vì vinh quang Thiên Chúa.
Ngài đúng là một vị thánh, ngài làm những việc của Chúa và vì vinh quang Chúa một cách vô cùng nghiêm túc. Nhưng sự thánh thiện của ngài lại ngăn không cho ngài quá lo cho mình và vinh quang cho mình. Ngài có một “cái mũi Rôma”, đôi tai to, và cái bụng to thể hiện tình yêu của ngài với món pasta béo ngậy của nước Ý. Khi ngài lướt nhìn mình qua gương, trong bộ áo đại triều của giáo hoàng, thì thư ký của ngài thoáng nghe ngài lẩm nhẩm mỉm cười rằng, “Lạy Chúa con, giáo hoàng này sẽ là một thảm họa cho truyền hình mất thôi!”
J.B. Thái Hòa dịch