Vì sao chúng ta gọi Chúa Kitô là vua?

435

famillechretienne.fr, Nicolas Buttet, 2012-01-11

Thánh Gioan kể cho chúng ta nghe mẫu đối thoại lạ lùng giữa quan tổng trấn Phi-la-tô và Chúa Giêsu về vương quốc Kitô. Phi-la-tô nằn nì hỏi: “Ông có phải là vua dân Do thái không?”, “Vậy ông là vua sao?”, “Đây là vua của các các người!”. Và Chúa Giêsu trả lời: “Nước tôi không thuộc về thế gian này”, hoặc “chính ngài nói tôi là vua. Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian nhằm mục đích này: làm chứng cho sự thật”.

Một ông vua làm mọi người chưng hửng: đầu đội vương miện bằng gai, mình khoác áo choàng đỏ trên da thịt đau đớn. Đó là các dấu ấn của sự khinh bỉ cho vương quốc khó hiểu này, nơi Người vừa là vua vừa là vương quốc. Và để bổ túc cho chuyện ngược đời này, Chúa Giêsu đã làm cho mối phúc thật: “Phúc cho ai nghèo khó, vì Nước Trời là của họ” thành hiện thực. Người kẻ trộm đã hiểu: ông không xin được xuống khỏi thập giá; ông xin Nước Trời! Và Nước Trời không phải là một khái niệm, một đường lối chính trị để đem ra thực hành; Nước Trời trước hết đó là Một Người, người có khuôn mặt, có tên là Giêsu nadarét: “Ngày hôm nay, ngươi ở với Ta trên thiên đàng!”

Nước Trời này mở đầu trong tâm hồn con người: Chính đó là nơi Chúa Kitô muốn ngự đến. Như vậy chúng ta phải bỏ hết mọi quyền lực trong cuộc đời chúng ta để quyền lực của Chúa ngự trị trong cuộc đời chúng ta: “Anh em hãy sám hối vì Nước Trời đã đến gần” (Mt 3, 2 ; 4, 17). Hạnh phúc có được với giá này! Nhờ sự sám hối này mà Chúa Kitô mới có thể ngự trị trên trí khôn con người, vì Ngài là Chân lý mang tự do đến cho chúng ta. Chúa Kitô cũng sẽ ngự trị qua đức ái của Ngài, để đưa ý chí của chúng ta vào trong lô gic của sự hy sinh quên mình. Tuy nhiên, khi sống lại vinh quang, Chúa Giêsu thể hiện bản chất thật và hoàn vũ của vương quốc của Ngài: “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất” (Mt 28, 18). Vì thế, vương quốc của Chúa Kitô nhất thiết sẽ có các hiệu quả về mặt chính trị-xã hội.

Ngày 11 tháng 12 năm 1925, khi thiết lập lễ Chúa Kitô Vua trong giai đoạn giao động của Lịch sử, Đức Piô XI đã tuyên bố: “Nếu con người đi đến chỗ nhận biết quyền lực vương quốc của Chúa Kitô trong đời sống của chính họ, trong đời sống công cộng thì các việc tốt lành – một tự do công chính, một thứ trật và bình yên, một hài hòa và hòa bình – sẽ chắc chắn lan trải trên toàn xã hội”. Nói cách khác, Một văn hóa đích thực của hòa bình, của công chính không thể nào thiết lập mà không có sự ngự trị của chân lý và tình yêu, có nghĩa là không có sự ngự trị của Chúa Kitô, Đấng là Chân lý và Tình yêu.

Giáo hội đã là sự ngự trị của Chúa một cách huyền nhiệm trong thế giới này. Khi thông hiệp đời sống linh thiêng với loài người, đời sống này trải rộng sự ngự trị của Chúa Kitô ở dưới Đất cũng như trên Trời. Tâm điểm của vương quốc này là Phép Thánh Thể. Trong Phép Thánh Thể, chính quả tim của Chúa Kitô Vua đập và sẽ đập cho đến ngày  Chúa Giêsu trao lại trọn vương quốc này cho Chúa Cha, Cha của Ngài; khi đó Chúa sẽ trọn vẹn trong tất cả! Trong Phép Thánh Thể, Chúa Kitô Vua ngự trị trên ngai lòng thương xót của mình, chờ đưa chúng ta đến ngai vinh quang của Ngài, để cuối cùng chúng ta được vào trọn vẹn trong một vương quốc không bao giờ chấm dứt!

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch