Nhiều người trong chúng ta phải chịu một tội lỗi manh nha nào đó. Nói một cách đơn giản, chúng ta gắng gỗ làm sao để hưởng vui thú một cách lành mạnh mà không mang mặc cảm tội lỗi, để không cảm thấy tội lỗi mỗi khi mình cảm thấy thoải mái, để không phải xin lỗi về vận may của mình.
Thay vào đó, chúng ta có xu hướng, cho dù chỉ trong tiềm thức, gắn sự sâu sắc và tôn giáo với những gì u ám, buồn bã, tan vỡ, và sầu muộn. Nhân danh sự sâu sắc và tôn giáo, chúng ta khắc kỷ thay vì vui vẻ chấp nhận niềm vui thú. Tôi ngờ rằng, nhiều người chúng ta khổ sở vì không có khả năng sung sướng hưởng thụ hơn các thú vui trần thế của cuộc đời. Thay vào đó chúng ta luôn luôn ôm lấy cảm giác tội lỗi manh nha nào đó về niềm vui thú.
Và vậy là chúng ta có những tiên đề tôn giáo không nói ra nào đó nhưng chúng ta lấy đó làm chuẩn mực để sống theo: Nếu đau đớn hơn thì càng tốt cho anh! Sắc đẹp là niềm sung sướng xa xỉ ngoại đạo. Phúc âm kêu gọi chúng ta khắc khổ về thể xác và tinh thần. Một con người sâu sắc thật sự thì không hoàn toàn hưởng thụ vui thú, đặc biệt là vui thú về thể lý. Dè dặt và lo lắng trước lạc thú là lành mạnh về mặt thiêng liêng. Thách thức của Chúa Giê-su là về chuyện từ bỏ nhiều hơn là về chuyện tận hưởng cuộc sống mà Chúa ban cho chúng ta.
Nhưng mặc cảm tâm lý và tôn giáo này tồn tại trong tất cả các nền văn hóa, chứ không phải chỉ là vấn đề của Ki tô giáo. Quá nhiều người đổ lỗi là truyền thống giáo dục tôn giáo của họ đã gây ra cảm giác tội lỗi, trong khi trên thực tế, gốc rễ của chúng nằm rất sâu xa và bên ngoài tôn giáo. Đây không phải là “chứng loạn thần kinh Ki-tô giáo”; mà là vấn đề của con người. Trong mọi nền văn hóa và mọi tôn giáo, phần lớn những người lớn nhạy cảm đều khổ sở vì một nỗi phiền muộn kinh niên nào đó, tức là, họ thấy khó mà giản dị vui hưởng cuộc sống mà không đồng thời thấy những bóng tối bao phủ niềm vui sướng trong phút chốc đó.
Và vì vậy, giống như những người ngồi quanh bàn với Chúa Giê-su buổi tối nọ khi có người phụ nữ mở lọ dầu thơm đắt tiền đổ lên chân Chúa, khóc lóc bên chân Người và lấy tóc lau chân Người, niềm vui thú không ở với chúng ta một cách thoải mái. Mà thay vào đó, trước một niềm vui thú ban sơ, chúng ta ngại ngùng tránh né, viện lý do này nọ biện giải tại sao chuyện đó không nên xảy ra.
Điều đó thì có thể chấp nhận được, nhưng chúng ta không nên cố gắng giải thích duy lý thái độ dè dặt loạn thần kinh này nhân danh Chúa Giê-su, Ki-tô giáo, tôn giáo, hay chiều sâu tâm hồn. Chúng ta không nên nhầm lẫn giữa Hamlet và Giê-su.
Trong cuốn tiểu thuyết đầu tiên của mình, Những Thanh toán Cuối cùng (Final Payments), Mary Gorden kể câu chuyện của một cô gái trẻ chật vật đấu tranh với chính chứng loạn thần kinh này, tình trạng không có khả năng vui hưởng cuộc sống. Đã chịu khổ trong một quãng đời khó khăn, nỗi u ám và thiếu vắng niềm vui cuộc đời của cô lại càng tăng lên do cách diễn giải của chính cô về linh hướng Công giáo, và đặc biệt bởi Margaret, người phụ nữ mà cô sống chung, một người mà sự khắc khổ, mộ đạo và thiếu vắng niềm vui lại quá dễ dàng được cho là có chiều sâu tâm hồn và tín tâm với Chúa Cứu Thế. Một chiều nọ, sau cuộc cãi cọ chua chát với Margaret, cô khóc lóc chạy lao ra khỏi phòng, thì bỗng nhiên một trực nhận lớn lao lóe lên trong cô:
Đó là một trong những điều kỳ diệu của giáo dục Công giáo khi xung lượng của một vài từ có thể đưa toàn bộ câu chuyện ra ánh sáng với tính cách đột ngộ và sáng rõ đến mức làm say mê. “Người nghèo thì con lúc nào cũng có.” Tôi biết Đức Ki-tô đã nói câu này ở đâu: Ở ngôi nhà của Mác-ta và Ma-ri. Ma-ri mở lọ dầu thơm và xức lên chân Chúa. Dầu cam tùng. Tôi nhớ rồi. Và cô lấy tóc lau chân Chúa. Giu-đa đã quở trách cô: Hắn nói rằng dầu thơm đó phải để bán cho người nghèo. Nhưng thánh Gio-an đã nhận xét: Giu-đa nói vậy chỉ vì hắn giữ túi tiền và là một tên ăn trộm. Và Chúa đã nói với Giu-đa và Ma-ri đang còn quỳ dưới chân Người, tóc của cô xõa xung quanh Người: “Người nghèo thì con lúc nào cũng có: nhưng Thầy thì không phải lúc nào con cũng có.”
Cho đến trước giây phút đó, khi giận dữ đi lên cầu thang tối tăm về căn phòng xấu xí của mình, tôi vẫn chưa hiểu lời nói đó. Đối với tôi, nó dường như biện hộ cho sự thừa mứa quá độ của các ông chủ nhà ngân hàng béo ị và bạo ngược. Nhưng giờ thì tôi đã hiểu. Điều mà Đức Ki-tô nói, điều Người muốn nói, là niềm vui thú làn tóc kia, dầu thơm kia, phải được tận hưởng. Bởi vì cái chết sẽ bất ngờ ập tới cướp đi mạng sống chúng ta chẳng chóng thì chầy. Chúng ta không được cướp đi của chính mình và những người thân yêu của mình niềm sung sướng của những yêu mến cuồng nhiệt. Chúng ta đừng cố đoán trước cái chết bằng cách chối từ không thương yêu những người chúng ta yêu thương để mà đi thương những người nghèo mình không biết mặt.
Và rồi tôi chợt nghĩ, khi đang dò dẫm tìm ánh sáng trong hành lang, rằng tôi đã là một tên ăn trộm. Giống Giu-đa, tôi đã muốn giấu vàng đi, đem vàng ra đếm giữa đêm hôm khuya khoắt, đánh cược món vàng vào một vụ đầu tư an toàn và chết người nào đó. Chính sự nghèo khó của Margaret là thứ tôi muốn đánh cắp, cái an toàn của sự bất lực của cô ta trong việc gợi mở tình thương yêu. Vì vậy, sẽ không bao giờ người ta còn thấy tôi khóc than, như Ma-ri, bên tấm bia mộ khi bình minh ló dạng. … Giờ đây tôi đã biết rằng tôi phải mở lọ dầu thơm đó. Tôi phải mở cuộc đời tôi ra. Giờ đây tôi đã biết rằng tôi phải rời bỏ. Nhưng tôi chưa sẵn sàng, tôi sẽ phải gầy dựng sức mạnh cho mình.
Tôn giáo chân chính đặt ra cho chúng ta một thách thức kép: sẵn sàng từ bỏ cuộc đời – và sẵn sàng tận hưởng cuộc đời!
J.B. Thái Hòa dịch