Vẫn có quỷ, ngay ở thế kỷ 21!

788

Radio Vatican, 2014-04-11

Chúng ta học được cách chống lại cám dỗ của quỷ trong Tin Mừng. Đức Phanxicô khẳng định điều này trong thánh lễ tại nhà nguyện Nhà Thánh Marta ngày 11-4-2014. Ngài nhấn mạnh là tất cả chúng ta đều bị cám dỗ, vì quỷ không muốn chúng ta nên thánh. Ngài nhắc lại đời sống kitô hữu thật sự là một cuộc chiến chống lại sự dữ.

“Đời sống Chúa Giêsu là một cuộc chiến. Chúa đến để đánh bại sự dữ, đánh bại thủ lãnh thế gian, đánh bại thế gian”. Đức Phanxicô đã bắt đầu bài giảng như thế, một bài giảng ngài dành để nói về việc chiến đấu chống lại quỷ. Theo ngài, đó là một cuộc chiến mà mỗi kitô hữu đều phải đối phó. Gy nhấn mạnh: “Quỷ cám dỗ Chúa Giêsu nhiều lần và Chúa Giêsu cảm nhận những cơn cám dỗ trong cuộc đời mình như những cuộc bách hại. Nếu chúng ta muốn theo Chúa Giêsu, chúng ta phải biết rõ sự thật này”.

“Cả chúng ta nữa, chúng ta cũng bị cám dỗ, chúng ta cũng phải chịu sự tấn công của ma quỷ, vì Thần dữ không muốn chúng ta nên thánh, nó không muốn kitô hữu chúng ta làm chứng, nó không muốn chúng ta là môn đệ của Chúa Giêsu. Và Thần Dữ làm thế nào để kéo chúng ta ra khỏi con đường của Chúa Giêsu khi nó cám dỗ chúng ta? Cám dỗ của quỷ có ba đặc tính mà chúng ta phải biết để không bị mắc bẫy. Cám dỗ bắt đầu nhẹ nhàng nhưng nó lớn mạnh dần: nó luôn lớn mạnh thêm. Nó lớn mạnh và lây nhiễm qua một người khác, nó được truyền sang một người khác, nó tìm cách lan ra cho cả cộng đồng. Và cuối cùng, để trấn an tâm hồn, nó tự biện minh cho mình. Nó lớn mạnh, lây nhiễm và tự biện minh”.

Ma quỷ rất mưu mô

Đức Phanxicô nhận xét: “Cám dỗ đầu tiên của Chúa Giêsu gần như là một lời dụ dỗ: quỷ nói Chúa Giêsu gieo mình từ đền thờ và như thế, nó quả quyết ‘mọi người sẽ nói: Đây là Đấng Mêsia!’” Nó cũng làm như thế với ông Ađam và bà Evà: Nó dụ dỗ. Ngài giải thích: quỷ nói chuyện như thể nó là một vị thầy tâm linh. Và khi nó bị đẩy lui, lúc đó, nó lớn mạnh: nó lớn mạnh và nó trở lại dữ dội hơn. Đức Phanxicô nhắc lại: Chúa Giêsu nói trong Tin Mừng thánh Luca: khi quỷ bị đẩy ra, nó đi quanh quẩn và tìm thêm bạn. Rồi nó trở lại với lũ bạn. Vậy, “nó lớn mạnh bằng cách lôi kéo nhiều người khác”. Đó là điều xảy ra với Chúa Giêsu, quỷ lôi kéo kẻ thù của Chúa. Và cái tưởng như “một dòng nước mảnh, một dòng nước mảnh nhỏ bé, lặng yên thì dòng nước trở thành dòng thủy triều”.  Cám dỗ lớn mạnh và lây nhiễm. Và cuối cùng nó tự biện minh. Ngài nhắc lại khi Chúa Giêsu đang giảng trong hội đường, các kẻ thù của Chúa muốn hạ uy tín Chúa nên nói: “Nhưng ông ấy là con bác thợ mộc Giuse mà, con bà Maria mà! Ông ấy chưa bao giờ học đại học đâu! Nhưng ông ấy lấy quyền nào mà nói như thế? Ông ấy đâu có học!”. Cám dỗ, Đức Phanxicô nói: “Đã lôi kéo tất cả chúng ta chống lại Chúa Giêsu”. Và cao điểm, điểm mạnh nhất dùng để tự biện minh, đó là lý lẽ của vị thượng tế khi ông nói: “Các ông không biết: thà một người chết mà toàn dân được cứu, thì không tốt hơn sao?”

Chúng ta có một cám dỗ đang lớn mạnh: nó lớn mạnh và lây nhiễm qua người khác. Hãy nghĩ đến việc nói xấu: tôi ganh tị với người kia và như thế trước tiên trong tôi có lòng ghen tức, chỉ mình tôi thôi, nhưng tôi phải chia sẻ nỗi niềm đó, tôi đến gặp một người khác và nói: “Nhưng bạn có thấy người đó không?”… và cám dỗ tìm cách lớn mạnh và lây nhiễm một người khác, rồi lại một người khác… Nói chuyện xấu bắt đầu như vậy và tất cả chúng ta đều có cám dỗ nói chuyện xấu! Có thể có người trong anh chị em thánh thiện và không như vậy, nhưng tôi đây, tôi cũng bị cám dỗ nói chuyện xấu! Đó là cám dỗ hằng ngày. Nhưng nó bắt đầu như thế đó, khoan thai như một dòng nước mảnh. Nó lớn mạnh để lây nhiễm người  khác và cuối cùng, nó tự biện minh cho mình”. 

Tất cả chúng ta không thoát khỏi cám dỗ

Đức Phanxicô còn nói: “Chúng ta hãy coi chừng khi thấy lòng mình có cái gì đó sẽ đi đến chỗ hủy hoại người khác. Chúng ta hãy coi chừng, vì nếu chúng ta không ngăn chận kịp dòng nước mảnh đó, khi nó lớn mạnh và lây nhiễm, nó sẽ trở thành một dòng thủy triều, mạnh đến độ khiến chúng ta đi đến chỗ biện minh sai, như những người đã biện minh khi quả quyết rằng thà một người chết cho toàn dân thì tốt hơn”.

Tất cả chúng ta đều bị cám dỗ vì quy luật của đời sống tâm linh, đời sống kitô hữu chúng ta là một cuộc chiến. Vì đầu mục của thế gian này là quỷ, nó không muốn chúng ta nên thánh, nó không muốn chúng ta theo Chúa Kitô. Có thể có người trong anh chị em nói rằng: “Nhưng, thưa cha, cha cổ quá: cha nói đến quỷ ở thế kỷ 21 à! Nhưng anh chị em hãy xem, có quỷ mà! Vẫn có quỷ, ngay ở thế kỷ 21! Và chúng ta không được ngây thơ, phải không? Chúng ta phải học trong Tin Mừng cách để chống lại ma quỷ”.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch