parismatch.com, François de Labarre, 24-5-2015
Đối với Đức giáo hoàng Phanxicô, việc phong chân phước cho Tổng giám mục Oscar Romero cũng là một cách để sửa các lỗi lầm của quá khứ.
Việc phong chân phước cho Tổng giám mục Salvador ngày thứ bảy 23-5-2015 đưa chúng ta về lại thời Tòa Thánh chống lại chế độ cộng sản. Giáo hoàng Gioan-Phaolô II, nạn nhân của một thời ý thức hệ cộng sản chiếm cứ Ba Lan, đã chiến đấu chống cộng sản mãnh liệt. Đôi khi quá chống đối, ngài đã đóng vai trò CIA ở Ba Lan và cả ở Châu Mỹ La Tinh. Và Oscar Romero phải trả giá.
Sau cái chết của bạn mình là linh mục Dòng Tên Rutilio Grande năm 1977, Tổng giám mục Romero trở nên khuôn mặt chính đứng lên chống chế độ độc tài ở Salvador, chế độ này được các nhóm quân đội vũ trang «Contras» do CIA tài trợ ủng hộ. Các linh mục thường là Dòng Tên theo thần học giải phóng, bị cho là có khuynh hướng theo cộng sản, đã bị giết dưới làn đạn của họ.
Ngay khi Giáo hoàng Gioan-Phaolô II được bầu chọn năm 1978, Oscar Romero cố gắng hết sức để được Vatican cho tiếp kiến, nhưng mãi đến tháng 5-1979 ngài mới được tiếp. Lúc đó ngài đã trình các hình ảnh của các tu sĩ, thường là các linh mục Dòng Tên bị tra tấn, bị ám sát dưới chế độ này. Nhưng Giáo hoàng Gioan-Phaolô II đã trả lời: «Cha đừng nói quá. Chưa đủ để bảo vệ công chính xã hội và tình yêu cho người nghèo. Chúng ta cũng phải canh chừng không để cộng sản khai thác tình trạng này. Lúc đó mới thật sự nguy hại cho Giáo hội.»
Giáo hoàng Gioan-Phaolô II tỏ ra lạnh lùng và không quan tâm
Các chi tiết này được ký giả người Tây Ban Nha Eric Frattini chuyên gia về các liên hệ giữa Tòa Thánh và CIA, ông là tác giả quyển sách «CIA ở Vatican», cho biết. Vì thế, trong hậu trường, giáo hoàng tỏ ra liên đới hơn với các thủ đoạn nham hiểm của CIA ở Châu Mỹ La Tinh hơn là tư thế bên ngoài của Tổng thống Mỹ Jimmy Carter, người lên tiếng chỉ trích Salvador đã vi phạm nhân quyền.
Tháng 3-1980, Tổng giám mục Romero lại được Đức giáo hoàng tiếp kiến nhưng lần này cũng cùng thái độ: lạnh lùng và không quan tâm. Một văn thư «mật» Tòa Bạch Ốc gởi cho Vatican bày tỏ sự lo ngại sâu xa về tình trạng không ổn định ở Salvador và chủ nghĩa cực đoan của Cuba trong vùng này, có thể rơi vào vòng cương tỏa của cộng sản. Oscar Romero bị nghi là để mình bị ảnh hưởng, có thể hành động theo lệnh của Mớxcơva.
Sau lời kêu gọi cuối cùng ngày 23-3-1980 để các «quân sĩ không nên vâng lời lệnh của các tướng mà phải vâng lời lệnh của Chúa, và lệnh của Chúa là không được giết người» thì giám mục Roméro bị ám sát chết khi đi ra khỏi nhà nguyện của một bệnh viện ở San Salvador. Hơn 350 000 người và 350 linh mục đã tham dự tang lễ của ngài và một quả bom đã nổ làm 50 người thiệt mạng và từ đó nước Salvador trải qua mười hai năm nội chiến. Giám mục tử đạo Oscar Romero được Giáo hội Anh giáo tôn vinh, một bức tượng của ngài đã được dựng lên ở cửa lớn phía Tây tu viện Westminster và sau chiến tranh ở Salvador, ngài là anh hùng quốc gia và đã có một phi trường mang tên ngài.
Tại Vatican, cho đến khi Đức Phanxicô được bầu chọn, tên của tổng giám mục Oscar Romero vẫn là chủ đề cấm kỵ ở Vatican. Ngay khi được bầu chọn, Đức Phanxicô đã cho biết ý định sẽ phong chân phước cho Oscar Romero, một hành vi mang tính chính trị cao thể hiện ý muốn thanh tẩy Vatican khỏi các con quỷ của quá khứ.
Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch