Liêm chính riêng tư

227

Ronald Rolheiser, 2009-10-04

Trong bộ phim City Slickers, có một cảnh làm sáng tỏ tầm quan trọng của tính liêm chính riêng tư: Ba người bạn thân sống ở New York, rủ nhau đến nghỉ hè ở một nông trại nuôi gia súc với hy vọng chuyến đi này sẽ giúp họ xếp đặt lại các vấn đề riêng của lứa tuổi trung niên của họ.

Họ vừa cưỡi ngựa vừa thảo luận về đạo đức trong quan hệ tình dục và những nguy cơ liên hệ. Đầu tiên cuộc nói chuyện chủ yếu vào chuyện sợ người khác bắt gặp và hai trong số họ đồng ý rằng đó không phải là một việc gì đáng lo lắm. Bạn quá tin chắc là sẽ bị bắt gặp. Nhưng người bạn của họ tiếp tục đặt câu hỏi, lần này anh hỏi họ rằng liệu họ có quan hệ tình dục không nếu họ chắc chắn không bị bắt gặp:

Anh nói : “Tưởng tượng có một phi thuyền đáp xuống mặt đất. Một cô gái xinh đẹp bước ra. Bạn làm tình với cô và cô trở lại sao Hỏa. Không có hậu quả nào cả. Cũng không ai có thể biết. Các anh có làm không?”

Trưởng nhóm là Billy Crystal, anh trả lời anh ngờ là luôn luôn có thể bị bắt gặp. Anh nói: “Các bạn luôn bị bắt gặp, mọi người sẽ ngửi thấy mùi không thành thật nơi các anh.” Người bạn của anh quả quyết: “Nhưng nếu thật sự có thể quan hệ tình dục mà không bị bắt gặp. Anh có làm không?  Nếu không ai biết việc anh làm cả?” Câu trả lời của Billy Crystal là: “Nhưng tôi biết, và tôi sẽ ghét bản thân tôi về điều đó!”

Câu trả lời của anh làm nổi bật một sự thật quan trọng. Những gì chúng ta làm trong riêng tư, bí mật, nó có hệ quả và hệ quả này không thuộc vào việc bí mật bị lộ hay không. Sự tai hại của nó thì giống nhau. Những gì chúng ta làm trong bí mật góp phần đúc nặn con người chúng ta và ảnh hưởng lên cách chúng ta liên hệ với người khác một cách sâu xa hơn chúng ta ngờ. Không có cái gì giống như hành vi bí mật. Người sắc bén nhất luôn luôn biết. Chúng ta biết. Và vì thế chúng ta ghét chính mình, ghét bản thân mình vì mình nói dối, và một cách chung chung nó ảnh hưởng đến cách chúng ta quan hệ với người khác.

Những gì chúng ta làm trong bí mật rốt cùng cũng thể hiện cụ thể qua con người bề ngoài của chúng ta. Dối trá thay đổi cách nhìn của chúng ta bởi vì nó thay đổi con người thật của chúng ta. Điều đó giải thích tại sao thường thường người chung quanh sẽ trực cảm được con người thật của chúng ta, ngửi thấy vẻ không thật nơi chúng ta, ngay cả khi họ không có bất cứ một chứng cớ hiển nhiên nào để nghi ngờ chúng ta.

Làm một chuyện gì đó trong bí mật mà không thể thừa nhận công khai đó chính là định nghĩa tiêu biểu của chữ đạo đức giả và tính đạo đức giả này buộc chúng ta nói dối. Trong tất cả các tội, có lẽ tội nói dối là tội nguy hiểm nhất. Tại sao? Bởi vì nó làm cho chúng ta ghét mình và không còn tôn trọng chính mình. Khi chúng ta không còn tôn trọng mình thì rất sớm, chúng ta cũng thấy người khác không tôn trọng chúng ta. Đó là nơi mà trực giác chúng ta “ngửi ra mùi” nói dối của người khác.

Hơn thế nữa, nói dối còn làm cho chúng ta chai cứng, như thế chúng ta mới sống được với sự dối trá. Tội lỗi không phải luôn luôn làm chúng ta khiêm tốn và ăn năn.  Tất cả chúng ta đều biết hình ảnh về người tội lỗi chân thật nhất, một người giống như người phụ nữ ăn năn đã xức dầu thơm lên chân Đức Giê-su. Đôi lúc đó là trường hợp của những người tội lỗi chấp nhận Đức Ki-tô một cách dễ dàng hơn những người có đạo đức và đi nhà thờ.

Tuy nhiên không phải lúc nào cách này cũng được thực hiện. Hình ảnh trong Kinh Thánh về người tội lỗi chân thành khiêm tốn quay về Chúa chính là muốn nói đức tính ngay thẳng, họ không giấu cũng không nói dối về tội của mình. Khi chúng ta không thừa nhận một cách chân thành tội lỗi của mình, chúng ta đi về hướng ngược lại, đó là muốn hợp lý hóa, làm chai cứng thái độ của mình, và trở nên hoài nghi yếm thế. Hơn nữa, khi nói dối, không phải là do yếu đuối ban đầu, thì nó trở thành vết mực thật sự và nó đưa đến một mối nguy hiểm lớn hơn. Khi chúng ta che dấu một tội, chúng ta buộc phải nói dối, và với sự nói dối đó, ngay lập tức tâm hồn chúng ta chai cứng và nó bị uốn nắn lại. Bạn có thể làm bất cứ điều gì, nhưng đừng nói dối về chuyện này. Điều đó không có nghĩa là bạn có thể làm bất cứ điều gì miễn là không ai phát hiện ra việc đó.

Phẩm chất con người chúng ta tùy thuộc vào phẩm chất liêm chính riêng tư của mình. Chúng ta cũng bệnh như căn bệnh bí mật nhất của chúng ta, chúng ta lành mạnh như đức hạnh riêng tư của mình. Chúng ta không thể làm một việc trong riêng tư và rồi phô ra và tuyên bố thành một việc khác trước mọi người được. Chẳng quan trọng nếu người khác biết hay không biết bí mật của chúng ta. Chúng ta biết, và, khi những bí mật này không lành mạnh,  chúng ta ghét chính mình và quả tim chúng ta trở nên chai cứng vì chúng ta sống trong giả dối.

Chúng ta không bao giờ nên tự lừa dối mình để nghĩ rằng những việc chúng ta làm trong riêng tư, gồm cả những hành vi rất nhỏ như không trung tín, dễ dãi, mù quáng, đố kỵ, nói xấu, không phải là không có hậu quả gì vì không ai biết. Trong huyền nhiệm của sự tương quan chặt chẽ của chúng ta như một gia đình nhân loại và như một gia đình đức tin, cậy trông, thì những hành vi riêng tư nhất của chúng ta, dù tốt hay xấu, đều như vi khuẩn nằm trong mạch máu, ảnh hưởng đến toàn thân thể. Mọi việc đều được biết đến hay cảm thấy được, không cách này thì cũng cách khác.

Người khác biết chúng ta ngay cả khi họ không biết chính xác mọi chuyện về chúng ta. Người khác ngửi ra các thói xấu, cũng như ngửi thấy các đức hạnh của chúng ta.

J.B. Thái Hòa dịch