Daniel Berrigan có lần đã nói: Trước khi bạn quan tâm thật sự về Chúa Giêsu, đầu tiên hết bạn nên xem xét mình sẽ tốt như thế nào nếu mình ở trên thập giá.
Có một thực tế khó khăn ở đây. Các tác giả kinh điển về đời sống thiêng liêng đều nói, một trong các cách chúng ta tuyên xưng đức tin và giữ đạo được cho là đích thực hay chỉ là hình thức hợp lý hóa và biện minh cho động lực và ý chí riêng của mình, đó là, nếu việc giữ đạo của chúng ta là đích thực, chúng ta sẽ không thể nào tự mình chống lại một số đau khổ nào đó mà trước đó chúng ta có thể chống lại được. Nếu con đường chúng ta theo Chúa Giêsu là thật, thì chúng ta sẽ thấy mình nhạy cảm và yếu mềm, chúng ta sẽ không thể nào tự mình tránh khỏi bổn phận, trách nhiệm, tình trạng bị sỉ nhục mà trước đó chúng ta có thể tránh được. Tôn giáo đích thật mang lại cho chúng ta mọi thứ nhưng không mang lại tấm lòng dửng dưng.
Tại sao? Các tác giả cổ điển về đời sống thiêng liêng giải thích một cách đơn giản: Hãy nhìn cách Thiên Chúa đối xử với Chúa Giêsu thì biết, nếu chúng ta cho phép thì Thiên Chúa cũng đối xử với chúng ta như vậy. Nếu chúng ta đến với Chúa một cách sâu đậm thì chúng ta chờ để thấy những gì đau đớn đến với Chúa Giêsu thì cũng sẽ đến với chúng ta. Mở lòng ra và yêu thương đã đưa Chúa Giêsu đến thập giá. Chúng ta chờ một cái gì khác đến sao?
Cũng là một điều hay khi tìm hiểu phản ứng của mẹ Tê-rê-xa trong quyển nhật ký của mẹ, để biết cuộc đấu tranh nội tâm, các hoài nghi và đau khổ của mẹ. Phản ứng chung là: Chuyện này mà cũng xảy ra với người đức hạnh và có đức tin sâu xa như mẹ ư? Các tác giả cổ điển về đời sống thiêng liêng sẽ phản ứng ngược lại: Tại sao lại không xảy ra với người phụ nữ đức hạnh và có đức tin sâu xa như vậy? Bà đã mở lòng ra với Chúa một cách tận căn và xin Chúa cho bà được cảm nhận như Chúa cảm nhận. Thiên Chúa đã nhận lời bà. Nhật ký của bà mô tả đúng những gì Chúa Giêsu cảm nhận trong suốt cuộc đời, đặc biệt là trong những giây phút cuối cùng.
Chúng ta nên dè dặt khi cầu nguyện, để ít nhất chúng ta không ngạc nhiên khi Chúa nhận lời chúng ta xin. Nếu tôi nói với Chúa: “Xin cho con giống Chúa Giêsu” thì có nghĩa là, không những ngoài hạnh phúc sâu đậm và bình an đang chờ mình, mà mình còn chờ để có một tính nhạy cảm mới mẻ, một đau đớn sâu đậm đi theo trong suốt cuộc đời mình.
Trong quyển sách “Đường lên Núi Carmel”, thánh Gio-an Thánh Giá đưa ra một số lời khuyên cho những ai muốn có một đời sống thiêng liêng sâu đậm. Đầu tiên hết của những lời khuyên là ngài thách thức độc giả nổ lực bắt chước Chúa Giêsu. Và, đối với thánh Gio-an có nghĩa là cố gắng bắt chước động lực của Chúa Giêsu hơn là bắt chước bề ngoài và ngay cả bắt chước các hành động của Chúa. Ngài nói, hãy xin Chúa Giêsu cho bạn động lực của Chúa để bạn cảm nhận như Chúa cảm nhận.
Và làm sao chúng ta biết được đều này mang lại hiệu quả? Chúng ta sẽ biết chúng ta bắt chước động lực Chúa Ki-tô khi chúng ta không hợp lý hóa theo kiểu chúng ta, thánh Gio-an nói, khi có một vài đau đớn bắt đầu xuất hiện trong cuộc đời, chúng ta biết rằng giờ đây chúng ta không thể nào tránh một vài khó khăn và khó chịu mà trước đây chúng ta có thể tránh.
Ngài diễn tả theo một châm ngôn là lạ: Hãy sẵn sàng rán sức mà nghi ngờ, khi ý của mình và của Chúa thường hay gặp nhau, khi việc giữ đạo luôn luôn thuận chiều theo những gì mình muốn trong cuộc sống. Để chọn theo ý muốn của Chúa thí chính xác là không luôn luôn chọn theo ý của mình. Bằng chứng là bây giờ chúng ta sẽ thiên về các cảm nhận và các trạng huống mà trước đây chúng ta có thể tránh.
Nhưng ngài lưu ý một chuyện quan trọng: Đừng thử, giống như một vài linh đạo thường ưa thử, chọn con đường khó nhất và khó ưa nhất chỉ bởi vì nó khó và khó ưa. Đó là thái độ khoái khổ, không phải tôn giáo. Mọi chuyện không nhất thiết sẽ tốt cho bạn chỉ vì nó khó. Chọn làm theo ý Chúa, dù nó tốt dễ chịu hay nó xấu dễ ghét. Nhưng ngài nói, nếu bạn chọn ý Chúa chứ không chọn theo lý của mình, nhất định lúc nào bạn cũng sẽ có thêm được tính nhạy cảm mới trong cuộc sống, những đau đớn mới mà trước đây bạn có thể tránh, những chức vụ mới mà trước đây bạn không muốn làm.
Và không phải lúc nào bạn cũng được nhìn nhận mình là người tốt. Chúa Giêsu cũng không vậy. Ngài yêu thương người khác với một tình thương không biên giới, mang đến cho Ngài một niềm vui to lớn và sâu đậm nhưng không vì thế mà Ngài không bị sỉ nhục và chịu đóng đinh. Đôi khi dưới mắt người khác, Ngài cũng chẳng tốt. Khi nhân danh Chúa và tôn giáo, chúng ta thực hiện ý Chúa thay vì ý mình thì dưới mắt người khác, không phải lúc nào chúng ta cũng được nhìn nhận là người tốt. Dửng dưng là phía đối nghịch với yếu mềm và nhạy cảm đích thực.
Thỉnh thoảng, và một cách nghịch lý, có những lúc, khi chúng ta cố gắng khổ công nhất, trung thực nhất, bỏ ý riêng mình nhất thì cuộc sống chúng ta tưởng như đứng riêng lẻ chứ không kết hợp. Câu hỏi bộc phát của chúng ta là: Tại sao? Đâu là vấn đề?
Có thể Chúa là vấn đề! Có thể chỉ đến khi nào chúng ta làm những chuyện đúng, nhưng chúng ta không thích nhìn mình trên thập giá.
J.B. Thái Hòa dịch