Đối với đa số chúng ta, tôi ngờ rằng chữ ego có một nghĩa tiêu cực. Kết án ai có ego to là kết án họ quá tin vào họ, tự thổi phồng, tự cao và thiếu khiêm tốn. Lúc nào chúng ta cũng cho ego và khiêm tốn là ngược nhau. Có ego to là không khiêm tốn.
Nhưng điều này có vẻ đơn giản và sai. Có ego mạnh và lớn không nhất thiết là xấu. Đúng ra, đó là một điều cần thiết, đặc biệt khi chúng ta thực hiện một cái gì có giá trị. Không một ai làm một cái gì lớn mà không có ego mạnh, và điều này không có nghĩa là họ không khiêm tốn. Ví dụ:
Ít ai nghĩ mẹ Têrêxa có ego lớn. Khi nghĩ về mẹ, chúng ta nghĩ đó là một người khiêm tốn bẩm sinh. Nhưng, rõ ràng, mẹ có một ego khổng lồ, một hình ảnh tự hào rất mạnh, cho phép mẹ đứng thẳng trước hoàn cầu để xác quyết chân lý, xác quyết mẹ có giá trị và tin chắc tầm quan trọng của mẹ. Mẹ có thể đứng trước bất cứ ai trên thế giới và cho họ biết con người của mẹ và lời nói của mẹ là quan trọng. Phải có một ego rất mạnh mới làm được điều này, ego của họ mạnh hơn ego của đa số chúng ta. Mẹ ý thức mẹ là khí cụ duy nhất và được Chúa chúc phúc trong thế giới này, mẹ đủ yên tâm để hành động.
Dù vậy mẹ lại khiêm tốn. Lúc nào mẹ cũng ý thức rằng những điều làm mẹ trở nên duy nhất, cá biệt và vững mạnh không bao giờ xuất phát từ bản thân mẹ mà đến từ Thiên Chúa. Mẹ chỉ là một băng tần của quyền năng và ân sủng của một ai đó. Mẹ có một ego khổng lồ nhưng mẹ không ích kỷ. Mẹ không bao giờ chứa đầy cái tôi, mẹ chỉ chứa đầy Thiên Chúa.
Người ta cũng có thể nói như vậy với đức giáo hoàng Gio-an Phao-lô II: ngài khiêm tốn nhưng rõ ràng ngài có một ego cũng khổng lồ. Ngài có thể đứng trước hàng triệu người, giang tay ra và nói: “Cha thương các con!” (Với cả hệ luận đi kèm?), “Và quan trọng là các con phải nghe cha!” Ego của ngài phải rất mạnh mới nói được như vậy. Đa số chúng ta sẽ run khi làm như vậy. Chúng ta sẽ bị khống chế bởi hàng trăm rào cản nội tâm, chúng làm chúng ta tê liệt với các câu: “Bạn nghĩ bạn là ai mà nói như vậy! Ai cho bạn có quyền nghĩ rằng cả thế giới muốn nghe bạn nói bạn thương họ?”
Thêm một lần nữa, cũng giống như mẹ Têrêxa, đức giáo hoàng Gio-an Phao-lô II cũng sẽ nói như vậy và ngài vẫn khiêm tốn, vì ngài biết rõ, những gì tạo nên ngài là người duy nhất, ân sủng không đến từ ngài và thuộc về ngài. Ngài chỉ là băng tần. Ngài có thể tiếp cận tầm cao cả và tự nhiên với tầm cao cả này, nhưng ngài không tự cho mình là cao cả và đòi hỏi tầm cao cả này cho riêng mình. Đó là khác biệt giữa khiêm tốn và cao cả, giữa cao lớn và ích kỷ. Một người ích kỷ có thể tiếp cận cao cả, nhưng khác với các vị thánh, người ích kỷ lấy bản sắc mình ở đó và cho rằng tự mình làm nên chuyện cao cả này.
Về mặt thiêng liêng, chung chung người ta khó chấp nhận tầm quan trọng của ego và thường chối bỏ thẳng thừng vai trò của ego trên tầm cao cả, đặc biệt là tầm cao cả thiêng liêng. Cách này cách khác, chúng ta không chấp nhận các thánh như thánh Phan-xi-cô Đa-xi, Têrêxa Đa-vi-la, Gio-an Thánh Giá, Têrêxa Hài Đồng là những người có ego khổng lồ – những người có niềm tự phụ lớn, nghĩ rằng họ là những người quan trọng đặc biệt. Thay vào đó, chúng ta thường phản chiếu lên họ một hình ảnh sai về khiêm tốn, mà đối với họ thì không đúng và làm chúng ta tổn thương.
Nó làm chúng ta tổn thương, vì đa số chúng ta, vấn đề lớn nhất trong đời sống chúng ta, kể cả đời sống thiêng liêng, chính là ego của chúng ta quá yếu. Chúng ta mang một hình ảnh quá yếu đến mức không cho phép chúng ta làm một cái gì thật sự lớn hoặc đúng để trải rộng tình thương và lòng nhiệt thành.
Bởi vì hình ảnh chúng ta quá yếu, không giống như mẹ Têrêxa và đức giáo hoàng Gio-an Phao-lô II, chúng ta ngăn không cho chúng ta mở rộng lòng ra, nói lên chân lý và tình yêu đích thực của chúng ta. Chúng ta có quá nhiều tiếng nói bên trong (chắc chắn nguồn gốc của nó là từ những tiếng nói bên ngoài) làm chúng ta bị tê liệt với những câu nói thường lệ: “Bạn nghĩ bạn là ai! Đúng là tự hào và kiêu hãnh! Đúng là ego! Bạn chưa có năng khiếu hoặc chưa giỏi để làm! Không ai cần đến bạn!”
Như thế, không phải vì ego chúng ta mạnh nhưng vì nó yếu nên chúng ta mới cần bảo vệ nó. Chúng ta chiến đấu để trở nên yếu mềm, chứ không phải chiến đấu để thành hoang tưởng và bảo vệ chúng ta. Tại sao? Chính xác vì chúng ta không đủ tự tin bên trong, vì ego và niềm tự tin của chúng ta lung lay. Thánh Phan-xi-cô Đa-xi, Têrêxa Đa-vi-la, Gio-an Thánh Giá, Têrêxa Hài Đồng không bao giờ cần tự bảo vệ họ. Họ đủ yên tâm để tỏ ra yếu mềm. Họ có ego vững mạnh.
Chúng ta nên luôn luôn biết mệt về tính kiêu căng và ích kỷ. Tuy nhiên, khiêm tốn giả tạo không làm cho chúng ta tránh được kiêu căng. Thay vào đó, nó ngăn cản chúng ta đến với nhiệt thành, yêu thương và những điều cao cả.
J.B. Thái Hòa dịch