Khi các tu sĩ thánh hiến ở Rôma gặp Đức Giám mục của họ (Kỳ 1/4)
zenit.org, Ban biên tập, 2015-5-18
Sáng thứ bảy 16 tháng 5, tại Hội trường Phaolô VI, sau phần chứng tá, trình diễn ca nhạc và múa hát của nhiều nước trên các châu lục khác nhau, đặc biệt có một ca đoàn của các tu sĩ Trung quốc, Đức Phanxicô đã có buổi nói chuyện với các tu sĩ thánh hiến của giáo phận mình.
Đức giáo hoàng đã trả lời đầy đủ các câu hỏi của các cộng đoàn tu sĩ đại diện cho các Dòng khác nhau: một Dòng chiêm niệm, một Dòng ngoài đời, một Dòng Phanxicô phục vụ cho các người trẻ bị suy thoái tinh thần, một tu sĩ thánh hiến làm việc ở giáo xứ.
Câu hỏi đầu tiên là của nữ tu Fulvia, Dòng Âugutinô thuộc Đan Viện Tứ Thánh Hiển Vinh: Các tu viện sống trong một thế quân bình khá tế nhị, giữa đời sống ẩn dật và đời sống bên ngoài, giữa thanh che chắn và hội nhập vào công việc của giáo phận, giữa thinh lặng cầu nguyện và đi rao giảng. Có cách nào để một đan viện ở thành phố có thể được phong phú qua các việc thiêng liêng của giáo phận và qua các hình thức khác của đời sống thánh hiến mà vẫn giữ nghiêm chỉnh luật Dòng không?
Đức Phanxicô – Con nói đến một thế quân bình khá tế nhị giữa đời sống ẩn dật và đời sống bên ngoài. Cha còn nói hơn: một sự căng thẳng giữa đời sống ẩn dật và đời sống tu viện. Ơn gọi của đời sống tu trì là sống trong sự căng thẳng này, một sự căng thẳng trong nghĩa sinh động của chữ này, một căng thẳng của sự bền đổ. Quân bình có thể làm chúng ta hiểu “cân đong đây một chút, kia một chút…” ngược lại, căng thẳng là tiếng gọi của Chúa đi về đời sống ẩn dật và tiếng gọi của Chúa đi ra ngoài theo một cách nào đó. Nhưng cuộc sống ẩn dật và cuộc sống đi ra ngoài phải như thế nào đây? Đó là sự căng thẳng mà các con sống trong tâm hồn mình. Và chính đó là ơn gọi của các con: các con là những phụ nữ “đang căng thẳng”: căng thẳng giữa thái độ một bên là đi tìm Chúa, một bên là sống ẩn dật trong Chúa, và tiếng gọi này phải cho một dấu hiệu. Các bức tường của tu viện không đủ để cho dấu hiệu này.
Cách đây sáu, bảy tháng, cha nhận thư của một nữ tu Dòng Kín, sơ bắt đầu làm việc với người nghèo ở cổng tu viện; sau đó sơ ra ngoài làm việc với người nghèo; rồi sơ tiếp tục càng ngày càng đi xa, cuối cùng sơ nói: “Thanh chắn của con là thế giới”. Cha trả lời cho sơ: “Con thân yêu, con cho cha biết, thanh chắn của con là thanh chắn di động con có thể cầm tay đem theo như điện thoại di động phải không?” Đó là sai lầm.
Một sai lầm khác đó là không muốn biết gì, không muốn thấy gì. “Thưa cha, có nên để cho tin tức bên ngoài xâm nhập vào tu viện không?” Nó phải vào! Nhưng không phải bất cứ loại tin tức nào kiểu loại truyền thông la hét, nhưng tin tức của những gì đang xảy ra trên thế giới như chiến tranh, bệnh tật, tất cả những gì làm cho con người đau khổ. Chính vì vậy mà có những chuyện các con không bao giờ được bỏ, đó là dành thì giờ ra để lắng nghe giáo dân! Dù phải dùng thì giờ của chiêm nghiệm, của thinh lặng…
Có một vài tu viện dùng máy nhắn trên điện thoại, giáo dân gọi và xin cầu nguyện: mối giây quan hệ với thế giới bên ngoài rất quan trọng! Trong một vài tu viện, các tu sĩ xem tin tức trên truyền hình; cha không biết nhưng đó là nhận định riêng của từng tu viện theo luật định của tu viện. Có tu viện thì đọc báo giấy; mỗi tu viện làm theo cách riêng của mình. Nhưng quan hệ với thế giới bên ngoài là rất quan trọng: phải biết những gì đang xảy ra. Bởi vì ơn gọi của các con không phải là tìm chỗ ẩn núp nhưng chính xác là đi ra chiến trường, đó là một cuộc đấu tranh, là đưa trọng tâm của Chúa vào cho thành phố này. Như ông Môsê giang hai tay ra cầu nguyện khi dân mình đang chiến đấu.
Rất nhiều ơn sủng đến từ Thiên Chúa trong sự căng thẳng giữa đời sống ẩn dật, cầu nguyện và lắng nghe tin tức của giáo dân mang đến. Trong những chuyện này cần phải có khôn ngoan, phải có nhận định để các con hiểu cần bao nhiêu thì giờ cho chuyện này, bao nhiêu thì giờ cho chuyện kia. Có những tu viện để ra nửa giờ, một giờ mỗi ngày để phát thức ăn cho những người đến xin ăn; chuyện này không đi ngược với đời sống ẩn dật trong Chúa. Đây là phục vụ; đây là nụ cười. Nụ cười của các tu sĩ mở tấm lòng! Nụ cười của các tu sĩ làm no lòng còn hơn cơm gạo làm no bụng! Tuần này, con sẽ cười với những người khốn cùng! Các con đừng quên điều này. Nếu nữ tu nào không biết cười thì nữ tu đó đã thiếu một cái gì.
Trong tu viện cũng có vấn đề, cũng có đấu tranh giống như trong tất cả mọi gia đình, những cò cưa kèn cựa, những ghen tương, chuyện này chuyện kia đủ chuyện…. Và điều này giúp chúng ta hiểu các khó khăn của gia đình, các đấu tranh trong gia đình; khi vợ chồng cãi nhau, khi có chuyện ghen tương, khi vợ chồng chia tay nhau … Khi các con cũng có những loại thử thách này, và những chuyện này luôn luôn tồn tại, thì các con sẽ cảm nhận đó không phải là con đường đến với Chúa cũng không phải là những gì mình giao cho Chúa, phải đi tìm con đường hòa bình ngay trong tu viện để Chúa ban hòa bình cho các gia đình, cho mọi người.
“Nhưng thưa Cha, chúng con thường đọc tin có tham nhũng ở khắp nơi, cả trong thành phố này, vậy có tham nhũng trong tu viện không?” Có, khi chúng ta mất ký ức! Ký ức về ơn gọi của mình, ký ức của lần đầu tiên mình gặp gỡ với Chúa, với đặc sủng của tu viện mình. Khi chúng ta mất ký ức này và khi tâm hồn chúng ta theo thói thế gian, suy nghĩ theo thế gian và mất lòng sốt sắng cầu nguyện cho giáo hữu. Con đã nói những điều rất đẹp, quá đẹp: “Tu viện ở giữa lòng thành phố, Chúa ở giữa lòng thành phố và chúng ta nghe tiếng động của thành phố.” Những tiếng động này là tiếng động của cuộc sống, của các vấn đề, của tất cả những người đi ra ngoài làm việc rồi đi về nhà, những người nghĩ chuyện này nghĩ chuyện khác, những người yêu thương…; tất cả những tiếng động này phải thúc đẩy chúng con chiến đấu với Chúa, với lòng can đảm của ông Môsê. Chúng con còn nhớ khi ông Môsê buồn vì dân của ông đi lầm đường. Thiên Chúa đã mất kiên nhẫn, ngài nói với ông: “Ta sẽ tiêu hủy dân tộc này! Nhưng con, con yên tâm, Ta sẽ để con đứng đầu một dân tộc khác.” Và ông Môsê đã nói gì? “Không! Nếu Ngài hủy dân tộc này, xin Ngài hủy con luôn!” (Xh 32, 9-14). Mối liên hệ này là mối liên hệ với cộng đoàn của mình. Các con nói với Chúa: “Đây là thành phố của con, đây là dân của con. Đó là anh chị em của con!” Có nghĩa là trao tặng cuộc sống của mình cho dân của mình. Sự quân bình tế nhị này, sự căng thẳng tế nhị này mang tất cả ý nghĩa này.
Cha không biết các tu sĩ Dòng Âugutinô của Tứ Thánh làm như thế nào: có thể chúng con tiếp giáo dân ở phòng khách…? Chúng con có bao nhiêu thanh chắn? Bốn hay năm? Ồ, phải không còn thanh chắn… Có thể là mình sẽ bất cẩn, sẽ dùng quá nhiều thì giờ để nói chuyện – Thánh Têrêxa đã nói rất nhiều về chủ đề này – nhưng nhìn niềm vui của các con, được các con hứa sẽ cầu nguyện là giáo dân đã được vui rồi! Còn các con, chỉ sau một nửa giờ nói chuyện, các con quay về với Chúa. Và đó là điều rất quan trọng, rất quan trọng! Bởi vì thanh chắn luôn cần mối giây liên hệ nhân bản này. Rất, rất quan trọng!
Câu hỏi cuối cùng là: Có cách nào để một đan viện ở thành phố có thể được phong phú qua các việc thiêng liêng của giáo phận và qua các hình thức khác của đời sống thánh hiến mà vẫn giữ nghiêm chỉnh luật Dòng? Có, giáo phận: cầu nguyện cho giám mục, cho các giám mục phụ tá, cho các linh mục. Có, những cha ngồi tòa tốt khắp nơi! Cũng có những người không tốt… Nhưng cũng có người tốt! Cha biết có những linh mục vào các nhà Dòng để được nghe nữ tu nói chuyện và như thế rất tốt cho họ. Các con cầu nguyện cho các linh mục. Trong sự quân bình tế nhị này, trong sự căng thẳng tế nhị này cũng có lời cầu nguyện cho các linh mục. Các con hãy nghĩ đến Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu… Cầu nguyện cho các linh mục nhưng cũng lắng nghe họ khi họ đến, trong những giây phút ở phòng khách. Lắng nghe. Cha biết có rất nhiều, rất nhiều linh mục đã trút hết tâm tình của mình khi họ gặp một sơ tu kín. Và rồi một nụ cười, một lời nói đơn sơ và lời hứa cầu nguyện của nữ tu làm mới tâm hồn họ lại, họ vui vẻ về giáo xứ làm việc. Cha không biết cha có trả lời đúng câu hỏi…
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch