Khi Thánh Vinh Sơn Phaolô là nô lệ

600

fr.aleteia.org, Isabelle Cousturié, 2017-09-27

Giúp người nghèo là mục đích và lý tưởng suốt cả một đời của Thánh Vinh Sơn Phaolô, trong sinh thời của ngài, ngài đã làm thay đổi số phận của hàng ngàn người nghèo, người nô lệ, tù nhân, người bị bách hại, còn bây giờ thì không phải hàng ngàn mà hàng triệu người được hưởng nhờ lý tưởng của ngài được thực hiện qua không biết bao nhiêu là cơ quan từ thiện Thánh Vinh Sơn Phaolô trên thế giới.

Vị thánh khiêm nhường (1581-1660) nổi tiếng qua lòng nhân hậu, qua tinh thần sống cộng đồng, qua sự phó thác vào Chúa Quan Phòng. Các đức tính đã làm cho ngài thành nhân vật vĩ đại của mọi thời, người lo cho người nghèo, người sống bên lề, người mồ côi, tất cả đã thấy nơi ngài “khuôn mặt của Chúa”.

Lòng khiêm tốn, sự dịu dàng, tinh thần ân cần nhanh chóng đến giúp những người bị “xã hội bỏ quên”, an ủi họ trong tình trạng khó khăn đã làm cho người đương thời với ngài xúc động và bây giờ tinh thần này vẫn còn tiếp tục làm cho rất nhiều người cảm mến.

Chúng ta hiểu lòng yêu người của ngài xuất phát từ bản chất tự nhiên và từ gốc gác tuổi thơ nghèo nàn trong vùng nông thôn Landes của ngài, một tuổi thơ đã từng làm ngài đỏ mặt nhưng lại giúp ngài hiểu được người nghèo trong làng quê nghèo của mình. Nhưng sự thông cảm với người nghèo chắc chắn cũng nhờ 23 tháng bị bắt, bị làm việc khổ sai như nô lệ ở Barbarie. Ngài bị bán qua tay “nhiều chủ”, ngài ý thức tình trạng khốn đốn tưởng chừng như không chịu đựng được của hàng ngàn tín hữu kitô nô lệ trong vùng đất của người hồi giáo.

Chúng ta đang ở năm 1605, 5 năm sau khi ngài chịu chức thánh, khi Vinh Sơn bị tù với nhiều hành khách khác trong chuyến đi Địa Trung Hải đưa ngài đến Tunis. Vào thời đó hải tặc hoành hành dữ dội ở vùng biển Bắc Phi, không xa các vùng ven biển của Âu châu. Những người bị hải tặc bắt bị giam chất đống trong các nhà tù khổ sai ở Tunis và ở Alger. Lúc đó có khoảng 36 000 tín hữu kitô ở hai thành phố này bị bắt. Sau 2 năm lao động khổ sai, cha về Pháp trong một chuyến đi gian nan trên con thuyền nan, từ đó cha dốc hết sức hết lòng để xoa dịu đau khổ của người khác.

Từ cảnh khổ cực đến nhà tù khổ sai ở Alger

Khi trở về, phản xạ đầu tiên của Vinh Sơn là đi chia sẻ quan tâm của mình với các nhà cầm quyền Pháp và đi giúp đỡ những bị bị cầm bắt ở trong chính đất nước của mình, vì ngài nhận thấy họ cũng sống trong các điều kiện khốn cùng. Năm 1619 ngài được đề cử làm tuyên úy cho những người khổ cực và ngài nhanh chóng thấy những người này bị đối xử như súc vật.

Số phận của những người này bị cột, bị đánh không ngừng trong suốt quá trình di chuyển đã làm cho ngài thấy nhục nhã trước sự đối xử tàn bạo này. Ngài đi từ cảng này đến cảng khác, từ nhà khổ sai này đến nhà khổ sai khác để ghi nhận sự đối xử khủng khiếp này. Người ta kể có lần, ngài chịu không được sự tàn nhẫn của một người canh tù, ngài đề nghị thay thế một trong những người khốn khổ này và chèo thế cho họ. Nhờ ngài, các phụ nữ thánh thiện có lòng từ tâm được đánh động, họ dần dần đến giúp ngài để cải thiện đời sống của các tù nhân.

Thánh Vinh Sơn Phaolô còn nghĩ đến các nhà tù khổ sai ở Alger và ở Tunis và tất cả những người bị bắt giữ trên vùng đất của người hồi giáo. Năm 1625 ngài thành lập Hội Dòng Truyền giáo, năm 1627 ngài thành lập Hội các Linh mục Truyền giáo (Dòng Thánh Vinh Sơn). Khi thấy các Dòng này được vững mạnh, năm 1646 ngài thành lập các cơ sở ở nước ngoài, ngài gởi nhiều tu sĩ truyền giáo đến Constantinople, lãnh thổ của Đế quốc Thổ trong mục vụ truyền giáo nước ngoài đầu tiên của ngài. Ngài còn chuộc hàng ngàn tín hữu kitô bị bắt giữ và thành lập tại chỗ các cơ sở tuyên úy để an ủi và nâng đỡ những người bị bắt giữ cả về mặt vật chất lẫn tinh thần, những người ở trong hoàn cảnh phải bỏ đạo.

Đối với Thánh Vinh Sơn Phaolô, công việc truyền giáo ở các vùng đất này là nối tiếp công việc truyền giáo bình thường ở nước Pháp. Dù Hội Dòng chưa dự trù sẽ gởi các tu sĩ truyền giáo ra nước ngoài nhưng Thánh Vinh Sơn Phaolô thuyết phục với Hội Dòng, sẽ không có một trở ngại nào cho Hội Dòng trong mục vụ cho người nghèo, vì mục vụ cho người nghèo bao gồm “tất cả sứ vụ truyền giáo, dù ở những nơi xa xôi nhất”. Vì thế ngài phải đương đầu với tất cả kháng cự và áp lực bên ngoài để không dừng bước trước sứ vụ lo cho người nghèo của mình.

Nhà thờ chính tòa Tunis được xây từ năm 1893 đến 1897 đã lấy tên Thánh Vinh Sơn Phaolô để vinh danh ngài.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Xin xem thêm:Thánh Vinh Sơn: “Người nghèo là thầy của chúng ta

Đức Phanxicô có bài vinh danh cảm động Thánh Vinh Sơn Phaolô