Không phải con mình

228

Ronald Rolheiser, 2006-07-23

Đoạn cuối cuốn tiểu thuyết Lời nói đùa của Thiên Chúa của nhà văn Margaret Laurence có một đoạn đối thoại xúc động: Rachel, nhân vật chính của câu chuyện, một giáo viên đã đứng tuổi không chồng, ít nhiều chán nản vì hoàn cảnh của mình, dạy con người khác mà mình không có con để dạy. Bà phàn nàn với một bà mẹ, bà buồn vì là nhà giáo dạy tận tâm năm này qua năm khác, hiểu học trò của mình để rồi nhìn chúng lên lớp, lớn lên đi xa khỏi mình. Bà nói lên tâm trạng chân thành thèm muốn với bà mẹ có con.

Bà mẹ trả lời: “Làm cha mẹ cũng không khác nhau lắm đâu. Mình chỉ ở với chúng một thời gian ngắn thôi. Chúng lớn lên rồi cũng đi xa. Chúng có cuộc sống riêng của chúng. Chúng không thuộc về mình. Rốt cuộc, ngay cả những người làm cha mẹ, con cái cũng không bao giờ thật sự là của họ.”

Có nhiều bài học ở đây: Con cái chúng ta không bao giờ thật sự thuộc về chúng ta. Chúng được giao cho chúng ta, uỷ thác, trong một thời gian, đúng ra chỉ một thời gian ngắn, chúng ta được mời gọi để làm cha, mẹ, người hướng dẫn, phục vụ, bảo vệ, thầy cô, tu sĩ, mục sư, và là bạn của chúng, nhưng chúng không bao giờ thật sự thuộc về chúng ta. Chúng thuộc về ai đó, Thiên Chúa, và tùy thuộc vào chính chúng nhiều hơn là về chúng ta.

Có một thách đố và một an ủi sâu xa khi hiểu và chấp nhận điều này.

Thách đố là hiển nhiên hơn cả. Nếu chúng ta chấp nhận nó thì chúng ta sẽ ít nghiêng về hành động “sở hữu chủ” con cái mình và sẽ bớt khuynh hướng lèo lái con cái theo mục đích của mình, xem chúng là vệ tinh trong quỹ đạo của mình, chúng ta sẽ nghiêng nhiều về phía yêu thương, dỗ dành, thách đố, và sửa đổi con cái mình, cả những khi đã cho chúng tự do.

An ủi thì ít hiển nhiên hơn, nhưng đây là điều tôi muốn nhấn mạnh: Khi chúng ta nhận thức, trong một chiều hướng lành mạnh, rằng con cái không thật sự thuộc về mình thì chúng ta cũng nhận ra chúng ta không đơn độc trong việc nuôi nấng và săn sóc con cái. Có thể nói, chúng ta chỉ là cha mẹ nuôi nấng. Thiên Chúa mới thật sự là cha mẹ, tình yêu thương, săn sóc, trợ lực, và hiện diện của Ngài luôn luôn vượt xa chúng ta. Mối khắc khoải âu lo của Thiên Chúa dành cho con cái chúng ta cũng sâu đậm hơn chúng ta.

Rốt cùng, bạn không bao giờ là người cha người mẹ đơn độc, dù khi bạn đang nuôi con một mình. Thiên Chúa, cũng lo nghĩ, cũng chiến đấu, quan tâm, cũng khóc vì lo âu, cũng cố gắng khơi dậy tình yêu như bạn. Điều an ủi là chúng ta biết rằng Thiên Chúa có thể chạm đến, thử thách, xoa dịu, và truyền cảm hứng nơi con bạn ở những tầng mức mà bạn không thể với tới được.

Hơn nữa, rốt cùng, con cái bạn không bao giờ ngoảnh mặt với Thiên Chúa. Chúng có thể không nghe lời bạn, rời xa bạn, phủ nhận các giá trị của bạn, nhưng vẫn có một người cha mẹ khác mà chúng không bao giờ rời bỏ, chúng luôn mang lấy trong mình. Tôi nghĩ rằng ít có cha mẹ nào có can đảm làm cha mẹ mà không nhận thức được điều này.

Và chúng ta không đơn độc trong bổn phận làm cha mẹ, điều này ngày hôm nay cần được nhấn mạnh vì nhiều lý do: Càng ngày càng có những cặp vợ chồng rất gắn bó với nhau nhưng họ không muốn có con vì họ sợ mang con cái vào trong thế giới này. Họ nhìn vào thế giới, vào chính họ, vào khiếm khuyết của họ, và họ sợ những gì họ thấy: “Liệu chúng ta có thật sự muốn mang con cái vào thế giới này không? Chúng ta không đủ khả năng để đảm bảo chúng sẽ lành mạnh, an toàn, yên ổn, được yêu thương. Một bất trắc không công bằng cho trẻ con!”

Suy nghĩ như thế không có gì là sai với những ai thấy mình bất lực và thấy không thể bảo đảm cho con cái sẽ được lành mạnh, an toàn, yên ổn, được yêu thương. Nhưng họ sai khi họ nghĩ họ đơn độc trách nhiệm để thành tựu và bảo đảm những chuyện này. Thiên Chúa cũng hiện diện ở đó và có thể cứu nguy cho con cái chúng ta và cứu chúng khỏi mọi bi kịch có thể xảy đến với chúng. Chúng ta có thể mạo hiểm có con vì Thiên Chúa cũng mạo hiểm như vậy.

Cuối cùng, và có lẽ là niềm an ủi lớn nhất, khi nhận ra điều này, ít nhiều nó mang đến bình an và niềm vui cho tâm hồn những ai đã mất con vì thảm cảnh –  tai nạn, đặc biệt là tự tử, chết vì ma túy, nghiện rượu và những cái chết gieo nghi ngờ vào lòng cha mẹ, lo về những lỗi lầm và phản bội của con cái và lo về tất cả những chuyện gì xảy ra cho chúng. Một lần nữa, chúng ta được mời gọi để đừng quên chúng ta không đơn độc làm cha mẹ. Khi con cái mất đi, dù trong hoàn cảnh nào, chúng cũng sẽ được đôi tay dịu dàng hơn đôi tay chúng ta đón nhận. Chúng rời sự nuôi dưỡng và khiếm khuyết của chúng ta để đến với vòng tay ôm trọn chúng, với đấng cha mẹ, người ôm trọn chúng đem đến cho chúng niềm vui và hoàn tựu mà chúng ta không bao giờ làm được.

Đừng sợ bạn khiếm khuyết! Bạn có thể sống với khiếm khuyết! Bạn chỉ là cha mẹ nuôi dưỡng. Thiên Chúa mới là cha mẹ thật.

J.B. Thái Hòa dịch