Năm trăm năm hiểu lầm

602

Ronald Rolheiser, 17 Tháng Tư 2017

Pascal từng nói, Trái tim có lý lẽ của nó, và đôi khi những lý lẽ này có một câu chuyện rất dài.

Gần đây tôi mới thiệp mừng một người bạn, một người phái Baptist đầy nhiệt thành, được nuôi dạy để nghi ngờ người Công giáo La Mã. Và hiện giờ anh vẫn còn đấu tranh với chuyện này, nhưng chúng ta ai mà không thế chứ? Chuyện đời ảnh hưởng đến tận ADN của chúng ta. Có ai trong chúng ta hoàn toàn không bị ảnh hưởng bởi mối hoài nghi về sự khác nhau do tôn giáo giữa chúng ta chứ? Nhưng làm sao để trị được chứng này? Liên hệ cá nhân, tình bạn, và đối thoại thần học với những người thuộc các tôn giáo hay giáo phái khác, sẽ giúp mở lòng và trí của chúng ta, nhưng hậu quả của hàng thế kỷ hiểu lầm không tự khắc biến mất dễ dàng, nhất là khi nó đã được bén rễ và vun đắp như một tính chất ngôn sứ để bảo vệ Thiên Chúa và chân lý. Và với các Kitô hữu thuộc nhiều phái khác nhau, vẫn còn một chứng bệnh tinh thần, sự bất lực không thể nhìn ra người khác cũng là một Kitô hữu như chúng ta.

Và khi viết thiệp cho người bạn Kitô hữu này của mình, tôi viết: “Gởi bạn Kitô hữu của tôi, người anh em trong Thân thể Chúa Kitô, người bạn tốt mà tôi đã bị ngăn cách vì 500 năm hiểu lầm.”

Năm trăm năm hiểu lầm, chia cách, nghi ngờ, thủ thế, không phải là thứ dễ gì vượt qua, nhất là khi những vấn đề cốt lõi là về Thiên Chúa, sự thật, và tôn giáo. Cứ cho là trong 50 năm qua, đã có tiến triển tích cực và nhiều hiểu lầm tai hại đã được giải quyết. Nhưng những tác động của sự chia rẽ Kitô giáo trong lịch sử và phản ứng với chuyện này trong thời nay, vẫn còn khắp mọi nơi, từ các viên chức giáo hội cấp cao, đến các tranh luận thần học, đến những thuyết âm mưu trong tâm thức đại chúng.

Đáng buồn là chúng ta quá tập trung vào những khác biệt của nhau, trong khi tận tâm điểm, chúng ta cùng một đức tin căn bản, cùng những niềm tin căn bản, những quy tắc luân lý căn bản, cùng một Kinh thánh, một niềm tin vào đời sau, và một tinh thần căn bản rằng sự thân thiết với Chúa Giêsu Kitô là mục đích đức tin của chúng ta. Và một điều không kém quan trọng, là ngày nay chúng ta cùng chia sẻ những thành kiến và định kiến về nhau, dù cho chúng xuất phát từ những nhóm chính thống cực đoan hay do những người quá ghen tỵ, quá thế tục trong đạo của chúng ta. Với một người ngoài nhìn vào, tất cả mọi phái Kitô giáo khác nhau đều trông như một khối, một đức tin, một giáo hội, một tôn giáo duy nhất, với họ, những khác biệt của chúng ta quá nhỏ nhoi so với những điểm chung của chúng ta. Đáng buồn thay, chúng ta lại không có khuynh hướng nhìn bản thân từ bên trong như thế, thường không xem những khác biệt giữa chúng ta là do hiểu lầm, và làm hạ thấp tình thân chung giữa chúng ta.

Nhưng thư gởi tín hữu Êphêsô đã nói rằng, là Kitô hữu, chúng ta chia sẻ cùng một Chúa, một đức tin, một phép rửa, và một Thiên Chúa là Cha chúng ta. Ở mức độ căn bản nhất, điều này hoàn toàn đúng với mọi Kitô hữu chúng ta, bất chấp những khác biệt giáo phái. Tận căn bản, tất cả chúng ta là một.

Cứ cho là thật sự có một vài khác biệt giữa chúng ta, nhưng hầu hết là về cách chúng ta hiểu những khía cạnh nhất định của giáo hội và các vấn đề luân lý, hơn là về cách chúng ta hiểu những chân lý thâm sâu hơn về bản tính Thiên Chúa, sự thần thiêng của Chúa Kitô, Lời Chúa, Mình Thánh Chúa, và phẩm giá bất khả phân ly cũng như định mệnh của mọi con người. Đây là chân lý căn bản nhất và quan trọng nhất, và chúng ta đều đồng thuận về căn bản. Đấy là căn bản thật của tình môn đệ chung của chúng ta.

Về mặt giáo hội, những vấn đề chia rẽ chúng ta tập trung hầu hết vào thẩm quyền của giáo hội, vào việc phong chức linh mục, hay nhận thức về sự hiện diện của Chúa Kitô trong Thánh Thể, về con số các bí tích, về vị trí của các bí tích và ơn gọi, và về tương quan giữa kinh thánh và truyền thống. Về các vấn đề luân lý, những vấn đề chia rẽ chúng ta, cũng là những vấn đề “nóng” trong xã hội: là phá thai, hôn nhân đồng tính, kiểm soát sinh sản, và vị trí của công bằng xã hội. Nhưng ngay cả những điều này, giữa các giáo hội chúng ta, vẫn có nhiều điểm chung hơn là khác biệt.

Hơn nữa, ngày nay, sự khác biệt về cách chúng ta hiểu nhiều vấn đề giáo hội và luân lý đang chia rẽ chúng ta về tâm tính hơn là giáo phái, thường là một vấn đề thần học hơn là một xác quyết giáo phái. Cứ cho là quá tối giản khi xem sự khác biệt giữa chúng ta là kiểu tự do đấu với bảo thủ, nhưng ít nhất điều này cũng có phần đúng, những tranh chấp về các vấn đề này ngày càng ít liên quan đến vấn đề giáo phái.

Kinh Tin kính đầu tiên của Kitô giáo chỉ có một dòng: CHÚA GIÊSU LÀ CHÚA! Mọi Kitô hữu vẫn còn đồng ý như thế, và chúng ta vẫn là anh chị em với nhau, chỉ xa cách nhau vì 500 năm hiểu lầm mà thôi!

J.B. Thái Hòa chuyển dịch