Ở Tokyo, trò chuyện chung quanh quầy phật giáo

143

la-croix.com, Yuta Yagishita, 2017-08-18

Tại thủ đô nước Nhật, các tu sĩ phật giáo mở quầy Vows Bar để mong bứt sự dửng dưng của quần chúng về tôn giáo.

Trong chiếc quán nhỏ nằm khuất trong con đường hẽm của trung tâm thủ đô Tokyo, nhà sư trẻ Yoshinobu Fujioka chăm chú lắng nghe một phật tử. Những người khác thì trò chuyện, chụp hình để giữ kỷ niệm bầu khí đặc biệt của chiếc quán này.

Đúng vậy, các chai rượu được sắp thẳng hàng trên quầy, quầy chẳng có gì  đặc biệt, nhưng quán được trang hoàng với các tượng phật bằng vàng, bàn thờ phật, tranh tôn giáo cho thấy nét đặc biệt của quán do các tu sĩ quản lý này.

Nhà sư Fujioka kể: “Các tu sĩ ngày nay sống trong một thế giới cách biệt với thế giới của những người bình thường”, tu sĩ Fujioka là nhà sư và là chủ quán Vows Bar (vows trong tiếng Nhật có nghĩa là tu sĩ) được mở vào năm 2000.

Nơi gặp gỡ giữa các nhà sư và người dân thường

Nhà sư Fujioka cho biết: “Bây giờ gần như chúng tôi chỉ có thể gặp người dân trong các tang lễ, trong khi chúng tôi thấy cần phải gần họ”, nhà sư Fujioka thuộc phái Tịnh Độ Chân Không (Jodo Shinshu), một trong các giáo phái thịnh hành nhất nước Nhật.

Tạo một nơi để các nhà sư và phật tử gặp nhau là để cho người dân biết đến phật giáo, đó là mục đích của quán Vows Bar. Chính vì vậy mà quán mở cửa cho tất cả mọi người, nhà sư cho biết: “Chúng tôi tiếp đón tất cả mọi người không phân biệt tôn giáo, dù họ là kitô giáo hay vô thần, chúng tôi đều hoan hỉ tiếp đón”.

Từ mười mấy năm nay, ông Isao Akibue, nhân viên của một hãng thầu xây dựng thường xuyên đến đây. Ông nói: “Ngay khi bước vào quán là chúng tôi hiểu, đây là một thế giới khác”. Ông rất thích phật giáo, quán này là “lý tưởng” đối với ông để biết thêm về đạo và “hiểu rõ hơn các quan hệ giữa con người với nhau”. Ông nói thẳng, không úp mở, “với chút rượu, việc trao đổi trở nên dễ dàng hơn”.

Các lời khuyên để sống tốt hơn

Chỉ có 10% khách hàng đến đây là để tìm hiểu thêm về phật giáo. Đa số là đến xin các lời khuyên để sống tốt hơn. Nhà sư Fujioka giải thích: “Tất cả các vấn đề đều được đề cập đến từ vấn đề gia đình, hôn nhân đến công ăn việc làm, và thường là những người bị suy thoái tinh thần đến xin chúng tôi giúp. Chúng tôi lắng nghe họ, nhưng tránh để họ không trở nên lệ thuộc vào chúng tôi. Phải giúp họ sống mà không cần đến chúng tôi”.

Ngoài ra, các nhà sư còn đề nghị các sinh hoạt khác như các khóa thiền, các khóa học phật pháp. Nhà sư Fujioka thú nhận: “Chúng tôi cố gắng đưa câu chuyện đi xa hơn, nhưng ‘rất buồn’ vì khách hàng ít quan tâm đến phật giáo. Ngày nay vẫn còn nhiều người nghĩ chúng tôi bị cấm uống rượu. Như vậy chứng tỏ người Nhật không quan tâm gì đến tôn giáo”. 

Dửng dưng, một vấn đề lớn của xã hội

Sự dửng dưng của dân chúng là một vấn đề lớn cho các nhà sư ở Nhật, họ thấy tín hữu càng ngày càng phân rã, một phần cũng do dân số giảm. Nhà sư Fujioka hy vọng các sáng kiến như sáng kiến của ông sẽ làm bẻ gãy cái vòng luẩn quẩn này. Nhà sư nói: “Càng ngày càng có thêm nhiều quán bar và cà-phê phật giáo là một điều rất tốt. Triết lý vị tha của phật giáo có thể cải thiện xã hội. Thật đáng tiếc là triết lý này vẫn chưa được nhiều người biết”, nhà sư Fujioka suy tư để tìm các phương cách tiếp cận mới với quần chúng.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch