Cuộc trở lại chớp nhoáng: André Frossard với cú sét của Phép Thánh Thểfr.aleteia.org, Isabelle Cousturié, 2017-08-02
Năm 1935, nhà hàn lâm tương lai và là bạn chí thân của Đức Gioan-Phaolô II vào nhà nguyện các Nữ tu Tôn Kính ở Paris và kể từ đó, ông gặp Chúa và cuộc đời ông đã thay đổi hoàn toàn.
Một bà ngoại người do thái, một bà mẹ đạo tin lành, một người cha theo cộng sản… Không có gì tiên đoán ký giả trẻ lớn lên trong môi trường vô thần này lại trở lại đạo năm 20 tuổi.
Dù vậy, chỉ trong vài phút, thời gian bước qua ngưỡng cửa nhà nguyện để đi tìm một người bạn, đời sống của ông André Frossard đã đảo lộn. Chứng từ đi tìm Chúa vẫn còn khắc ghi sâu đậm trong tâm trí ông, ông kể trong quyển sách: Chúa hiện hữu, tôi đã gặp Ngài (Dieu existe, je l’ai rencontré, 1969).
Và trong tác phẩm Chúa trong các câu hỏi (Dieu en questions, 1990) xuất bản năm 1990, ông nói với các “tín hữu lo lắng và hoài nghi đang thắc mắc” giây phút bị “sét đánh” – cuộc gặp gỡ với “chân lý kitô” – mà ông so sánh với sự “bùng nổ của ánh sáng một cách thinh lặng và nhẹ nhàng”.
“Cha tôi muốn tôi vào trường Cao Đẳng Hành Chánh (École Normale Supérieure). Tôi vào đó năm 20 tuổi nhưng tôi đi lầm vỉa hè, thay vì vào trường Cao Đẳng, tôi vào nhà nguyện của các Nữ tu Tôn Kính để tìm người bạn mà tôi có hẹn đi ăn với anh (…) Đẩy cánh cửa sắt của tu viện, tôi là người vô thần (…) Vì ánh sáng chiếu ngược nên tôi chỉ thấy bóng mờ, tôi không phân biệt được bạn tôi, một loại mặt trời chiếu tận vào tòa nhà: tôi không biết đó là Thánh Thể. Ánh sáng đó, tôi không thấy bằng mắt trần, cũng không phải ánh sáng chiếu sáng cho chúng ta hay ánh sáng làm da ngâm đen; đó là ánh sáng thiêng liêng, có nghĩa là ánh sáng giảng dạy, giống như ánh sáng sôi sục của chân lý. Nó lật ngửa thứ trật tự nhiên của sự việc một cách tận căn. Từ khi tôi thấy ánh sáng đó, gần như tôi có thể nói, đối với tôi chỉ có Chúa là hiện hữu, ngoài ra tất cả chỉ là giả thuyết.”
Một hiện hữu hiển nhiên mà ông mô tả như sau:
“Sự xuất hiện đột ngột ồ ạt, trọn vẹn, kèm theo một niềm vui không khác gì niềm vui hân hoan của người được cứu, niềm vui của người đắm tàu được vớt kịp thời, tuy nhiên với một khác biệt, chỉ khi tôi được nâng cao trong chiều hướng cứu rỗi, thì tôi mới ý thức là tôi đã lún trong bùn mà tôi không biết mình bị lún và tôi tự hỏi, làm sao tôi sống, tôi thở khi một nửa người tôi lún trong bùn như vậy (…).”
Thêm tự do ý chí hơn?
Còn tự do ý chí mà ông rất thiết tha? Với những ai đặt cho ông câu hỏi: “Thân phụ của ông là người theo xã hội chủ nghĩa, ông cũng theo xã hội chủ nghĩa. Ông vào nhà nguyện, rồi ông trở thành tín hữu kitô. Vậy ông vào chùa thì ông sẽ là phật tử; vào nguyện đường hồi giáo thì sẽ thành tín hữu hồi giáo…”, ông châm biếm trả lời: “Vậy tôi đi ra khỏi nhà ga là tôi thành xe lửa…”. Tất cả những ai chờ ở ông một câu chuyện có tính cách thiêng liêng, ông khẳng định: “Tôi gặp Chúa như tôi đụng vào một cái cây. Đó là một thực tế, chấm hết!”. Với những ai gặp ông, ông lặp lại không mệt mỏi:
“Tôi không có đức tin trong Chúa; tôi đã gặp Chúa. Tất cả sự thật nằm trong Giáo hội công giáo. Sự thật là nơi một người, nơi Chúa Giêsu Kitô. Tôi có thể làm gì thêm nếu công giáo là đúng, nếu sự thật là Chúa Kitô, Đấng muốn được gặp? Chính chúng ta đã đánh mất niềm say mê để thuyết phục, để làm chứng, để hoán cải”.
Ông nói, chàng trai trẻ André là tôi, một cuộc sống mới, một “đời sống thật” đã bắt đầu. Ông cảm thấy mình như “đứa bé sơ sinh sắp rửa tội”, ông nhanh chóng chuẩn bị rửa tội, ông giải thích: “Những điều linh mục nói với tôi về công giáo, tôi đã mong chờ và tôi hân hoan đón nhận: giáo huấn của Giáo hội công giáo đúng cho đến dấu phết cuối cùng và tôi lưu ý đến từng dòng”. Mẹ và em của ông sau đó cũng theo ông trên con đường trở lại.
Trở về với Thiên Chúa-Tình yêu
Chuyện xảy ra cho ông André Frossard “có thể xảy ra cho tất cả mọi người, cho người tốt nhất, người ít tốt, cho người không biết và ngay cả cho những người nghĩ mình biết”. Trong rất nhiều chứng từ của ông, ông tóm tắt, nơi tất cả những người trở lại “có một cuộc gặp gỡ, thì trong giây phút gặp gỡ đó, dù đó là một tiến trình nội tâm thì ý tưởng nhường chỗ cho một người, ý tưởng trở nên một người. Trong cuộc gặp trên đường Ê-mau, các môn đệ nhận ra Chúa Kitô. Một gặp gỡ chớp nhoáng như trường hợp của tôi. Đột nhiên, con người trần thế phát hiện ra con người thần thánh”. Và ông không còn cảm thấy cô độc. Trong quyển sách Chúa hiện hữu, tôi đã gặp Ngài, ông nhấn mạnh, “nhờ đức tin và đức ái, qua đau khổ và cái chết, ông trở về với Thiên Chúa-Tình yêu”, Đấng đã sinh ra ông. Ông khám phá, thế giới này chỉ là “phản ảnh nhạt nhòa của một thực tế mênh mông của cõi vô hình, thiêng liêng, sáng chói xuyên qua ông, bao phủ ông và chờ ông”.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch