Tầm quan trọng của nội tâm và riêng tư

618

Tầm quan trọng của nội tâm và riêng tưTầm quan trọng của nội tâm và riêng tư

Ronald Rolheiser, 2015-01-12

Về mặt dấn thân cho công bằng xã hội, không bao giờ là đòi hỏi quá mức đối với chúng ta. Một lời kêu gọi then chốt, không thỏa hiệp, từ chính Chúa Giêsu là đòi hỏi chúng ta phải vươn ra đến với người nghèo, người bị loại trừ, những người mà xã hội xem là người lỗi thời.

Do đó, các vấn đề công bằng mang tầm vóc lớn khắp toàn cầu luôn chiếm lấy tâm trí chúng ta. Liệu chúng ta có thể là tín hữu Kitô tốt hay thậm chí là người tử tế, nếu như không để tin tức hàng ngày tẩy luyện trong tâm hồn chúng ta? Đa số dân chúng trên thế giới vẫn đang sống trong cảnh thiếu đói, hàng ngàn người chết vì siêu vi khuẩn Ebola và các chứng bệnh khác, vô số mạng sống bị xâu xé trong chiến tranh và bạo lực, và chúng ta, vẫn luôn là một thế giới đang mải miết trên con đường dài đương đầu thực tế với những tâm thức kỳ thị chủng tộc, kỳ thị giới tính, phá thai. Đây là những vấn đề đạo đức chính yếu và chúng ta không thể đơn giản bỏ qua chúng để ẩn tránh vào thế giới riêng của mình.

Nhưng, chính đây là những vấn đề quá to lớn và quan trọng, nên chúng ta có thể có ấn tượng rằng các vấn đề đạo đức khác, những chuyện đạo đức riêng của mình, không quan trọng bằng. Với những vấn đề vĩ mô trên thế giới, chúng ta, thật dễ để kết luận rằng chuyện chúng ta sống ra sao nơi góc sâu kín nhất trong thế giới riêng của mình, chẳng là chuyện đáng để ý.

Những quan tâm đạo đức nhỏ bé, và riêng tư của chúng ta có thể là rất nhỏ nhặt khi so với các vấn đề của cả thế giới. Nhưng liệu chúng ta có thực sự tin rằng Thiên Chúa bận lòng nhiều về việc chúng ta có đọc kinh ban sáng hay không, có đàm tiếu về đồng nghiệp, giữ một vài mối ác cảm, hay thiếu trung thực trong đời sống tính dục của mình, hay không? Liệu Thiên Chúa có thực sự quan tâm đến những chuyện này hay không?

Có. Thiên Chúa quan tâm vì chúng ta quan tâm. Bất chấp các vấn đề lớn toàn cầu, những vấn đề nội tâm riêng tư của chúng ta thường là những gì xây dựng hay phá vỡ hạnh phúc của chúng ta, chưa nói đến tác động trên tính cách và các quan hệ thân thiết của chúng ta nữa. Xét tận cùng, đây không phải là những bận tâm nhỏ nhặt chút nào. Vì chúng làm nên những điều lớn lao. Đạo đức xã hội đơn thuần là một phản ánh của đạo đức cá nhân. Những gì chúng ta thấy trên bức tranh toàn cầu, đơn thuần là một phóng chiếu từ tâm hồn con người.

Khi không xử lý được những cái tôi, tham lam, dục vọng, và ích kỷ bên trong nơi sâu kín riêng tư của tâm hồn, thì thật ngây thơ khi nghĩ rằng chúng ta có thể xử lý được những vấn đề tầm mức toàn cầu. Làm sao chúng ta có thể xây dựng một thế giới công bằng yêu thương, nếu chúng ta không thể, trước hết thuần hóa được tính ích kỷ bên trong chúng ta? Chuyện toàn cầu sẽ không thể sáng sủa bao lâu khi chúng ta vẫn nghĩ rằng sự mờ mịt trong đời sống riêng của mình chẳng thành vấn đề. Cái toàn cầu đơn thuần là phản ảnh của cái riêng tư. Theo tôi, nếu không nhận ra được điều này, không thấy được con voi chình ình trong phòng, thì chúng ta thất bại trong việc đem lại công bằng cho địa cầu.

Hành động xã hội mà không có đạo đức riêng cũng như không dựa trên linh đạo thiêng liêng, nhưng chỉ đơn thuần mang tính chính trị, dùng quyền để đối quyền, thì hành động đó chỉ tự xem nó là quan trọng nhưng không so sánh được với sự biến đổi thực sự. Nước Thiên Chúa không làm như thế. Nước Trời làm việc qua sự hoán cải, và hoán cải thực sự chính là một hành động tuyệt đối riêng tư. Carlos Castaneda, nhà thần nghiệm châu Mỹ đã viết rằng: “Tôi đến từ châu Mỹ La tinh nơi các nhà trí thức luôn nói về cách mạng xã hội và chính trị, và cũng là nơi bom đạn thường nổ ra. Nhưng chẳng thay đổi được gì nhiều. Để đánh bom một tòa nhà chỉ cần một chút liều mạng, nhưng để thôi không ghen tỵ hay để đi vào thinh lặng nội tâm, bạn phải làm lại bản thân mình. Và chính đây là nơi biến đổi thực sự khởi đầu.”

Thomas Merton cũng có nhận định tương tự. Trong thập niên 1960, khi rất nhiều nhà trí thức dấn thân vào các công cuộc đấu tranh xã hội đủ loại, Merton vẫn ở trong một tu viện, (có vẻ) xa với trận tiền thực sự. Bị châm chích về sự ẩn cư trong tu viện của mình, Merton thừa nhận rằng, với những người ngoài, thì việc tập trung chủ yếu vào cuộc chiến với con quỷ riêng của mình “hẳn là một thứ vặt vãnh.” Nhưng, ông vẫn tin rằng ông đang chiến đấu trong cuộc chiến thực sự: cuộc chiến thay đổi tâm hồn. Khi thay đổi một tâm hồn, bạn đã giúp đem lại một thay đổi đạo đức mang tính cơ cấu và vững bền trên địa cầu này. Tất cả mọi việc khác đơn thuần là việc một sức mạnh này cố gắng thế chỗ một sức mạnh khác.

Đạo đức riêng tư và tất cả những chuyện kèm theo – cầu nguyện riêng, nỗ lực để chân thành và minh bạch trong những chuyện dù là nhỏ nhất và kín đáo nhất của mình – chính là cốt lõi bắt nguồn cội rễ của tất cả mọi đạo đức. Jan Walgrave, khi nói về tầm quan trọng xã hội của thần nghiệm, đã cho rằng: “Bằng cách phân tách một nguyên tử duy nhất, bạn có thể tạo ra nhiều năng lượng hơn cả bằng cách gò cương mọi nguồn lực nước và gió trên trái đất. Đây chính là những gì mà Chúa Giêsu, Đức Phật và tiên tri Mohammed đã làm. Họ chiết xuất nguyên tử tình yêu nội tâm. Và nguồn năng lượng khổng lồ tuôn trào.” Gioan Thánh Giá, khi dạy về tầm quan trọng sống còn của tính thành thật trong những chuyện nhỏ, đã nói rằng: “Chẳng có gì khác biệt khi trói một con chim bằng dây thừng nặng hay bằng sợi dây mảnh, vì cả hai đều không làm nó bay được.”

Đạo đức cá nhân không phải là chuyện không quan trọng, một thứ xa xỉ chúng ta không lo nổi, một đức tính ủy mị, một thứ ngáng đường của lòng tận tụy lo cho công bằng xã hội. Nhưng, đạo đức riêng chính là nơi thâm sâu mà hạt nguyên tử đạo đức có thể bùng phát.

J.B.Thái Hòa dịch