Kiệt sức trong Giáo hội: “Trách vụ của linh mục đôi khi quá nặng”
pelerin.com, Isabelle Demangeat, 2017-01-05
Theo một nghiên cứu của nước Ý năm 2012 thì có 38% linh mục bị kiệt sức. Làm sao có thể dò tìm được dấu hiệu của nạn kiệt sức (burn-out)? Làm gì để có thể giúp một linh mục đang ở trên bờ kiệt sức? Báo Người Hành hương (Pèlerin) phỏng vấn bà Myriam Jaupitre, đại biểu của hội đồng giám mục địa phận Lille, bà phụ trách việc chăm sóc sức khỏe cho các linh mục. Năm 2012, địa phận Lille có một nhóm tháp tùng các linh mục.
Báo Người hành hương: Tháng 10, linh mục của giáo xứ Morlaix (Finistère) rời nhà thờ nơi cha đang dâng thánh lễ và nhảy xuống một cây cầu cạn. Gần đây, vào tháng 12-2016, một linh mục trẻ của địa phận Strasbourg đã bị kiệt sức và người ta không có tin tức gì về cha trong nhiều tuần, tình trạng này đã gây rất nhiều lo lắng. Làm sao bà giải thích tình trạng kiệt sức cùng cực làm cho một vài linh mục không chịu đựng được?
Bà Myriam Jaupitre: Sự mệt mỏi về thể lý và tâm lý nơi một vài linh mục không phải là một hiện tượng mới xảy ra gần đây, ngày nay các linh mục phải đảm trách rất nhiều trách nhiệm. Họ vừa là cha sở, vừa trông nom việc của địa phận, vừa là cha quản hạt… Đôi khi các trách vụ này quá nặng trên vai các linh mục trẻ, mà ngày xưa khi bắt đầu sứ vụ, đây là trách vụ duy nhất của cha phó xứ. Bây giờ lại cọng thêm một tương lai không có gì là phấn khởi cho Giáo hội Pháp. Cũng không phải dễ để sống, để hướng đến khi không thấy một cái gì rõ rệt về lâu về dài.
Cũng có các linh mục lớn tuổi lo lắng cho tương lai Giáo hội, họ làm thêm nhiều việc và không biết nói không.
Làm sao dò tìm các dấu hiệu của nạn kiệt sức?
Trước hết, các dấu hiệu này thấy được qua sự mệt mỏi thể lý, tâm lý và đi theo đó là chứng trầm cảm. Nhưng một sự kiệt sức có thể biểu hiệu qua các triệu chứng như cứng ngắt, độc tài, che giấu một tình trạng không dễ chịu nào đó và cũng có thể thấy qua thái độ tự cô lập.
Nạn kiệt sức này có thể ảnh hưởng tiêu cực trên cộng đoàn. Là giáo dân, chúng ta phải làm gì để giúp các linh mục?
Trước hết là qua sự hiện diện của mình, đừng tỏ ra quá lấn sân hay quá xâm nhập. Trong những ngày lễ lớn hay ngày chúa nhật, nghĩ đến các linh mục chung quanh mình, đừng ngần ngại cho họ thấy mình có mặt. Lắng nghe họ khi có dịp. Chẳng hạn, trong một bữa ăn, khuyến khích để vị linh mục lên tiếng, chứ không phải chỉ nói với cha đến các vấn đề của mình.
Cũng như với bạn bè, đôi khi báo cho họ biết tình trạng mệt mỏi của họ, khuyên họ nên đi gặp tư vấn hay gặp các bạn đồng linh mục lại là một chuyện tốt.Và dĩ nhiên cũng nên khuyên họ giao bớt việc cho thầy phó tế.
Theo tôi, trong một vài trường hợp, nên nói sự lo lắng của mình với cha đại diện ở tòa giám mục. Nhưng lưu ý, đây không phải là chuyện đi báo, nhưng là nâng đỡ cho linh mục đang gặp khó khăn.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch